Lễ hội Lồng tông: Nét văn hóa độc đáo của người Tày xứ Tuyên

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 2 năm 2024 - 14:35 Đã xem: 5619

Mỗi khi Tết đến Xuân về đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang lại nô nức tổ chức Lễ hội Lồng tông (xuống đồng). Đây là lễ hội lớn nhất của người Tày thường diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày 15 tháng Giêng, cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.

Lễ hội Lồng tông là lễ hội truyền thống độc đáo của người Tày xứ Tuyên

Vào những ngày đầu xuân khi mặt trời vừa nhô lên thì cũng là lúc ở ngoài đồng tiếng trống được vang lên rộn rã khắp núi rừng giữa tiết trời xuân se lạnh - tiếng trống báo hiệu hội xuân đã được bắt đầu, người già, người trẻ, trai, gái trong bản lại nô nức kéo nhau đi hội và để chơi những trò chơi dân gian của quê hương.

Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, làng bản sạch sẽ để đón khách. Vào ngày lễ xuống đồng, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo điều kiện của từng gia đình. Các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng, thịt, cá nướng, xôi ngũ sắc...được bày biện tươm tất. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ.

Bắt đầu phần lễ với nghi lễ xin Thành hoàng làng mở hội, tạ Thiên Địa, cầu Thần Nông, thần Núi, thần Suối. Thầy Mo sẽ thực hiện cúng lễ bằng việc tung  “lộc” cho dân làng. “Lộc” thường là hạt thóc, hạt bông, hạt đỗ xanh trộn lẫn những tờ tiền có mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng…. Tương truyền, người nào “bắt” được những vật phẩm này sẽ gặp may mắn trong cả năm. Cuối cùng, thầy Mo sẽ đọc các bài khấn và cầu thần Nông, thần Núi, thần Suối… những vị thần bảo hộ cho mùa màng, sức khỏe và sự bình yên của dân làng.

Phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc: Tung còn, hát Then, hát cọi, đánh yến, đi cà kheo, đẩy gậy,…

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ càng làm Lễ hội trở nên đặc sắc

Các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn của người dân vùng bản cao. Trong đó, trò chơi thu hút đa số du khách nhất chính là trò thi ném còn. Đây cũng là một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc có từ lâu đời của bà con đồng bào dân tộc Tày nơi đây.

Cây còn được người Tày dựng lên từ thân cây mai có chiều cao khoảng 20 m -30 m, tùy theo lựa chọn của người dân. Ngọn cây còn được uốn thành hình vòng cung có dán giấy đỏ, hồng tâm để người dân có thể tung còn vào vòng tròn đó. Theo quan niệm của người Tày, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.

Quả còn sẽ được những người con gái trong bản, làng khâu thành. Mỗi quả còn được khâu sẽ được ghi tên của chủ nhân quả cầu đó, nếu còn được ném trúng thì người khâu cầu cũng sẽ được nhận phần thưởng may mắn. Quả cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu có màu sắc sặc sỡ, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải) với hy vọng mang đến một mùa màng bội thu. Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay.

Với những nét văn hóa đặc sắc được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, năm 2013, Lễ hội Lồng tông của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày nay, những giá trị về tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, đạo đức càng làm cho Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày - Tuyên Quang càng thêm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham dự./.

Mộc Miên

Xem tin theo ngày:   / /