Tuyên Quang: Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển hạ tầng giao thông

Thứ Sáu, ngày 23 tháng 2 năm 2024 - 13:42 Đã xem: 2900

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giao thông vận tải là mạch máu của tổ chức, giao thông tốt thì các việc đều dễ dàng, giao thông xấu thì các việc đình trễ”[1]. Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII xác định “phát triển kết cấu hạ tầng giao thông” làm khâu đột phá, cho thấy vai trò quan trọng của giao thông trong phát triển KT-XH; đảm bảo QP-AN trên địa bàn tỉnh. Do vậy, phát triển hạ tầng giao thông cần được ưu tiên hàng đầu, tạo tiền đề cho ngành, lĩnh vực khác phát triển.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến tất cả các ngành, các giới. Giao thông vận tải là một trong những ngành được Người quan tâm đặc biệt. Lời dạy của Bác không chỉ nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của giao thông vận tải trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn là lời nhắc nhở đối với những người làm công tác giao thông vận tải về ý thức nhiệm vụ của mình nhằm đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển giao thông vận tải nói chung và cầu đường nói riêng. Ngày 16/9/1953, trong Thư cho Hội nghị cán bộ Giao thông công chính, Bác động viên: “Năm nay công tác giao thông vận tải, nhất là công tác sửa chữa cầu đường rất là quan trọng. Đường sá thông thì mọi việc đều dễ dàng” [2]. Đây là thời điểm toàn quân, toàn dân ta bước vào cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954: Chiến dịch Thượng Lào, Chiến dịch Biên Giới và chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên phủ.

Ngày 24/3/1968, trong bài nói chuyện tại Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác Hồ nói: “Giao thông vận tải có nhiều ngành. Có ngành thủy, bộ, có xe, có cầu, có phà...Các cô các chú phải thi đua với nhau. Thi đua làm cho giao thông: một là, thông suốt, hai là an toàn, ba là liên tục. Phải nhằm vào ba cái đó mà thi đua”[3].

Thực hiện lời dạy của Bác, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung, nhưng Tuyên Quang đã nỗ lực, cố gắng huy động, tập trung, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, đầu tư các công trình, dự án trọng điểm về kết nối giao thông để liên kết vùng, tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điểm nhấn nổi bật là việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ sau gần 3 năm xây dựng. Đây là dấu mốc quan trọng đối với tỉnh Tuyên Quang, lần đầu tiên có tuyến đường cao tốc từ Tuyên Quang đi Hà Nội. Trong giai đoạn thi công nước rút từ đầu tháng 10/2023 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã phát động đợt thi đua “78 ngày đêm vượt nắng, thắng mưa”, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn, đơn vị giám sát đã bám sát hiện trường, giám sát chặt chẽ về quy trình, chất lượng thi công. Các đơn vị thi công đã tích cực tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị, thi công "3 ca, 4 kíp" xuyên ngày, xuyên đêm để hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch. Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức hoàn thành, là dấu mốc quan trọng, là niềm vui lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang. Tuyến cao tốc đã mở ra không gian phát triển mới, giúp mở rộng liên kết vùng, tăng lợi thế cạnh tranh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tuyên Quang và các địa phương trong vùng; tháo gỡ được điểm nghẽn về giao thông đối ngoại của tỉnh Tuyên Quang và sắp tới là tỉnh Hà Giang; giúp giảm tải cho Quốc lộ 2 và rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội. Ý nghĩa của tuyến đường quan trọng này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định: “Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ khánh thành là dấu mốc lịch sử khẳng định Tuyên Quang không đi mãi các con đường mòn, phải đi con đường lớn để đạt được mục tiêu của tỉnh đề ra”.

Đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn

Ngay từ đầu những ngày đầu xuân năm 2024 đã khánh thành, đưa vào sử dụng các công trình lớn trên địa bàn tỉnh. Ngày 22.1.2024, Tuyên Quang đã tổ chức khánh thành cầu Bạch Xa. Đây là cây cầu thứ 9 vượt sông Lô trên địa bàn giúp xoá cảnh đi đò hàng chục năm của người dân các xã vùng hạ huyện Hàm Yên. Ngoài ra, cây cầu được đưa vào sử dụng cũng giúp cho việc vận chuyển nông sản, hàng hoá lớn trở nên thuận lợi hơn. Mới đây nhất, công trình đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn được đưa vào sử dụng. Tuyến đường hình thành đã mở ra không gian phát triển mới của thành phố Tuyên Quang và của huyện Yên Sơn. Đây cũng là tiền đề cho phát triển các khu đô thị mới dọc hai bên tuyến đường, gắn kết với trung tâm thành phố Tuyên Quang, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn nói riêng…

Trong thời gian tới, tỉnh tập trung hoàn thiện các dự án giao thông quan trọng khác như: Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1); đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) đến ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang); đường Ba Bể (Bắc Kạn) kết nối với Na Hang (Tuyên Quang); đường Chiêm Hóa - Na Hang; đường ĐT185 từ huyện Lâm Bình đi huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang…

Thi công Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1)

Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, với niềm tin, khí thế, động lực mới, chắc chắn, Tuyên Quang sẽ còn có nhiều con đường, nhiều cây cầu được đưa vào sử dụng. Những “mạch máu” giao thông sẽ góp phần mở ra những cơ hội, triển vọng tốt đẹp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm khẳng định: “đường mới đã mở, hứa hẹn mang đến những động lực, thời cơ mới cùng nhiều ước vọng” cho mọi người, mọi nhà trên mảnh đất quê hương cách mạng./.

Mộc Miên

[1] HCMTT, Nxb.CTQG, H.2011, t.4, tr.483

[2] HCMTT, Nxb.CTQG, H.2011, t.8, tr.236

[3] HCMTT, Nxb.CTQG, H.2011, t.15, tr.73

Xem tin theo ngày:   / /