Một số biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Thứ Sáu, ngày 1 tháng 3 năm 2024 - 08:13 Đã xem: 2831

Hiện nay, dịch bệnh cúm vẫn đang có nguy cơ đe dọa đàn gia cầm nuôi tại nhiều địa phương trong cả nước, do vậy, công tác phòng chống dịch đang được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO) từ đầu năm 2023 đến hết tháng 01/2024 tổng cộng đã có 8.850 ổ dịch Cúm gia cầm (CGC) do các chủng vi rút CGC A/H5 gây ra. Đặc biệt, tại Căm-pu-chia trong năm 2023 đã có 06 người bị nhiễm vi rút CGC A/H5N1 (trong đó có 04 ca tử vong); từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến dịch bệnh CGC tại quốc gia này vẫn tiếp tục phức tạp, đã có 04 người nhiễm CGC A/H5N1 (trong đó có 01 ca tử vong) tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, trong năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.606 con; trong các tháng đầu năm 2024 đã xảy ra các ổ dịch CGC A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là trên 6.600 con.

Trước nguy cơ dịch bệnh CGC xuất hiện, lây lan trên diện rộng và nguy cơ xâm nhiễm của vi rút CGC do quá trình nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam; Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024 về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã ban hành văn bản số 5796/BNN-TY ngày 21/8/2023 về việc tập trung ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh CGC, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì bệnh CGC trong thời gian tới, ngày 26/2/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Văn bản số 660/UBND-KT về việc tổ chức Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường và phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm, trong đó chỉ đạo tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trên địa bàn huyện, thành phố bắt đầu từ ngày 01 - 31/3/2024. Chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch Cúm gia cầm phát sinh và lây lan. (1) Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm (CGC) cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. (2) Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm. (3) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh CGC. (4) Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm trên địa bàn quản lý.

Một số biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm

* Triệu chứng của bệnh

- Loài mắc bệnh: Bao gồm gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, các loài chim... và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi, bệnh có thể lây lan sang người. Thời kỳ lây truyền kéo dài từ 3 đến 7 ngày, thời gian ủ bệnh từ 1 ngày đến 3 ngày và có thể kéo dài hơn tùy theo độc lực của vi rút.

- Gia cầm bị bệnh cúm thường đi run rẩy, đầu lắc hoặc nằm tụ từng đám; đường hô hấp có biểu hiện như ho, thở khò khè, phù đầu, chảy nước mũi, mào tím tái, xuất huyết dưới da...; phân loãng có màu trắng hoặc trắng xanh...

- Tỷ lệ mắc bệnh cúm và chết tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh, độc lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có độc lực cao làm cho một số loại gia cầm có thể chết 100%.

* Đường lây lan của bệnh cúm gia cầm

Căn bệnh này có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp giữa các con gia cầm trong cùng đàn với nhau và cũng có thể lây lan gián tiếp qua phân thải của gia cầm, dụng cụ chăn nuôi và quần áo, giày dép,... của người hoặc phương tiện vận chuyển đi từ nơi có bệnh đến làm lây lan dịch bệnh.

* Biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm

Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin và thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp tốt nhất nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh như vi rút, vi khuẩn… để bảo vệ đàn gia cầm an toàn dịch bệnh.

- Chuồng nuôi gia cầm, thủy cầm phải đảm bảo diện tích phù hợp, cách xa chuồng nuôi động vật khác, xa khu dân cư, đường giao thông lớn và khu công cộng như chợ, cơ sở giết mổ động vật, trường học, bệnh viện...; có hố khử trùng, tường rào xây bao với chiều cao tối thiểu 2m. Cơ sở hành chính của trại phải cách biệt khu chăn nuôi.

- Trại nuôi gia cầm phải được phân thành các khu như: Khu ấp nở xuất bán, khu gà con, gà hậu bị, gà đẻ… và phải có khu riêng biệt để nuôi gà mới nhập về. Không nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm trong cùng một trại. Gà nuôi thả vườn tự do nên dùng lưới quây lại thành khu để thuận lợi cho việc vệ sinh, khử trùng như đối với một trại kín.

- Cùng nhập, cùng xuất: Không nên nuôi gối các lứa và luân chuyển trong cùng một trại. Sau mỗi đợt xuất bán hết gia cầm, phải vệ sinh tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng trong một thời gian rồi mới thả đợt mới. Thực hiện cách ly và kiểm soát gia cầm giống mới nhập về ít nhất 14 ngày.

 - Hạn chế khách tham quan, người vào khu chăn nuôi cần có quần áo, bảo hộ lao động đảm bảo vệ sinh dùng riêng trong khu chăn nuôi và hạn chế đi lại; đồng thời có biện pháp ngăn các động vật như chó, mèo, chim, chuột, côn trùng khác xâm nhập vào chuồng nuôi.

- Dụng cụ, thiết bị chăn nuôi, thức ăn, nước uống: Mỗi khu trại chăn nuôi phải có dụng cụ riêng, không mang các sản phẩm thịt gia cầm vào trại để sử dụng.

- Các phương tiện vận chuyển trước khi vào trại phải được khử trùng bằng hoá chất và xử lý kỹ phần bánh xe, gầm xe.

- Vệ sinh chuồng trại: Định kỳ hàng tuần phải vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chuồng trại; phát quang, khơi thông cống rãnh, rắc vôi bột, phun xịt thuốc sát trùng, thu dọn, xử lý kỹ chất thải trong trại, chất độn chuồng thay ra phải được khử trùng hoặc chôn, đốt.

- Phải có hố sát trùng, dụng cụ phun xịt ở cổng trại; khu chăn nuôi phải có các khay đựng thuốc sát trùng; hàng ngày phải vệ sinh dụng cụ chăn nuôi như xô, chậu, máng ăn, máng uống …

- Khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết nghi mắc cúm gia cầm, phải báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương. Không bán hoặc ăn thịt gia cầm ốm, gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác gia cầm chết và chất thải bừa bãi. 

- Gia cầm đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm chỉ được xuất bán, giết thịt sau khi tiêm phòng đủ 14 ngày và gia cầm phải khoẻ mạnh, không có biểu hiện bệnh./.

Hải Thủy

Xem tin theo ngày:   / /