Hồ sơ, thủ tục xét tặng đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

Thứ Sáu, ngày 8 tháng 3 năm 2024 - 14:01 Đã xem: 2261

Các quy định về hồ sơ, thủ tục đề nghị khen thưởng là các quy định quan trọng, mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng, chiếm tỷ trọng lớn trong Nghị định.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Các quy định về hồ sơ, thủ tục đề nghị khen thưởng là các quy định quan trọng, mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng, chiếm tỷ trọng lớn trong Nghị định. Vì vậy, Nghị định tập trung quy định cụ thể về hồ sơ, thủ tục khen thưởng đảm bảo cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thi đua, khen thưởng nhằm đảm bảo khen thưởng chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời động viên, khuyến khích cá nhân là ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, tàn tật, nông dân, công nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, cụ thể như sau:

(1) Quy định: Trường hợp cơ quan, đơn vị đã giải thể, chia tách, sáp nhập thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó có trách nhiệm đề nghị khen thưởng. Thành tích khen thưởng của cơ quan, đơn vị đã giải thể, chia tách, sáp nhập được tính theo các năm hoặc cộng dồn các năm mà cơ quan, đơn vị đó đã đạt được để đề nghị khen thưởng theo tiêu chuẩn chung (khoản 7 Điều 30) để đảm bảo quyền lợi cho tập thể có thành tích.

(2) Quy định: Khi họp xét danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, Cờ thi đua bộ, ban, ngành, tỉnh, “Cờ thi đua Chính phủ”, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình khen thưởng phải tiến hành bỏ phiếu (khoản 7 Điều 30) để đảm bảo tính tiêu biểu của danh hiệu thi đua và tính tôn vinh của các danh hiệu vinh dự nhà nước.

        (3) Quy định: Đối với cá nhân (ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân, công nhân, người yếu thế, khuyết tật), tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác; cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng, hồ sơ đề nghị khen thưởng gồm: Tờ trình kèm theo danh sách đề nghị khen thưởng; báo cáo tóm tắt thành tích do cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị thực hiện (khoản 10 Điều 30).

(4) Quy định: Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình được đề nghị khen thưởng phải phù hợp với hình thức khen thưởng theo quy định. Trong báo cáo phải ghi cụ thể số quyết định, ngày, tháng, năm hoặc văn bản xác nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền trong thời gian tính thành tích khen thưởng của cá nhân, tập thể đề nghị khen thưởng (đối với các trường hợp đề nghị khen thưởng theo tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ); số quyết định, ngày, tháng, năm được tặng thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng (trừ trường hợp khen thưởng theo thủ tục đơn giản). Báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng của cá nhân, tập thể, hộ gia đình ngoài việc thể hiện thành tích đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định còn phải thể hiện chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo mẫu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này (khoản 11 Điều 30).

(5) Quy định: Hồ sơ đề nghị tặng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” trình Thủ tướng Chính phủ gửi qua Bộ Nội vụ. Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị khen thưởng. Trường hợp cần thiết Bộ trưởng Bộ Nội vụ ủy quyền cho Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ký tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị khen thưởng và một số văn bản có liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng (khoản 12 Điều 30) để đảm bảo quy định của Nhà nước về quản lý ngành, lĩnh vực.

(6) Quy định: Tờ trình của bộ, ban, ngành, tỉnh, Tờ trình của Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ xét, quyết định khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước quyết định khen thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình phải thể hiện các nội dung quy định (khoản 13 Điều 30) để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

(7) Quy định: Khi trình Thủ tướng Chính phủ thì bộ, ban, ngành, tỉnh gửi bản giấy (bản chính) của hồ sơ khen thưởng đồng thời gửi các tệp tin điện tử (file word và file pdf) của hồ sơ đến Bộ Nội vụ qua phần mềm “Hệ thống quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử Ngành Thi đua - Khen thưởng”, trừ văn bản có nội dung bí mật nhà nước. Hồ sơ khen thưởng chỉ được tiếp nhận khi Bộ Nội vụ nhận được bản giấy (bản chính) của hồ sơ và các tệp tin điện tử của hồ sơ theo đúng quy định (khoản 14 Điều 30) để đảm bảo ứng dụng cộng nghệ công tin, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

(8) Quy định về lấy ý kiến để khen thưởng đối với khen thưởng cấp Nhà nước do bộ, ban, ngành, tỉnh trình khen thưởng thực hiện theo quy định từ khoản 2 đến khoản 4 Điều 30 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP (khoản 1 Điều 31) để đảm bảo phân cấp, cải cách hành chính trong việc thực hiện quy trình khen thưởng được nhanh chóng, kịp thời.

(9) Quy định thời gian nhận hồ sơ, thẩm định và thông báo kết quả thẩm định, kết quả khen thưởng. Cụ thể như sau:

(i) Quy định hồ sơ Bộ, ban, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” gửi đến Bộ Nội vụ chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 của năm liền kề (khoản 1 Điều 32) (thay cho quy định cũ là 31/10 của năm liền kề với năm ra quyết định chiến sĩ thĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh lần thứ 2) để đảm bảo tính kịp thời trong khen thưởng kịp thời; bỏ quy định thời điểm nhận hồ sơ khen thưởng theo công trạng, đảm bảo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó trong thi đua, khen thưởng.

(ii) Quy định hồ sơ bộ, ban, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” gửi đến Bộ Nội vụ chậm nhất vào ngày 30 tháng 6 hằng năm (thay cho quy định cũ là 31/3 hằng năm). Đối với hệ thống giáo dục quốc dân, hồ sơ trình chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 hằng năm (khoản 2 Điều 32) (thay cho quy định cũ là 15/10 hằng năm) để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và đặc thù của hệ thống giáo dục quốc dân;

(iii) Quy định thời gian trình hồ sơ tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”, Huân chương, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” cho tập thể có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ (khoản 3 Điều 30) để đảm bảo chủ động trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện.

(iv) Quy định: Việc đề nghị tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo công trạng cấp Nhà nước, trong thời hạn 30 ngày làm việc (40 ngày làm việc đối với các hình thức khen thưởng: “Huân chương Độc lập”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Sao vàng”; danh hiệu Anh hùng, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, bộ, ban, ngành, tỉnh xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ (khoản 3 Điều 32) để phù hợp với quy trình, thủ tục xét duyệt ở Bộ, ngành, địa phương do phải xin ý kiến các cơ quan chức năng; tổ chức họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng.

(v) Quy định: Đối với các trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định, Bộ Nội vụ thực hiện trình cấp có thẩm quyền khen thưởng. Trường hợp kết quả thẩm định của Bộ Nội vụ khác với đề nghị của bộ, ban, ngành tỉnh thì Bộ Nội vụ phải thống nhất với bộ, ban, ngành, tỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (điểm a khoản 5 Điều 32).

 (vi) Quy định đối với các trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trong thời gian 05 ngày làm việc Bộ Nội vụ thông báo bằng văn bản trả lại hồ sơ đề nghị khen thưởng cho bộ, ban, ngành, tỉnh trình khen thưởng (điểm b khoản 5 Điều 32) để đảm bảo cải cách hành chính trong thi đua, khen thưởng.

(vii) Quy định trường hợp Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định khen thưởng nhưng Thủ tướng Chính phủ không quyết định khen thưởng hoặc không đề nghị Chủ tịch nước quyết định khen thưởng hoặc Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng nhưng Chủ tịch nước không khen thưởng thì sau thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Văn phòng Chính phủ hoặc Văn phòng Chủ tịch nước về việc không khen thưởng, Bộ Nội vụ thông báo kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị khen thưởng đến bộ, ban, ngành, tỉnh (điểm c khoản 5 Điều 32) để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong khen thưởng.

(viii) Quy định Hồ sơ xét tặng Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Kỷ niệm chương của bộ, ban, ngành, tỉnh, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có tổ chức đảng đoàn hoặc có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan trung ương (Điều 39).

(ix) Quy định chi tiết hơn hồ sơ, thủ tục, quy trình khen thưởng theo thủ tục đơn giản (Điều 40); Bổ sung quy định hồ sơ, thủ tục xét tặng hoặc truy tặng Bằng khen của bộ, ban, ngành, tỉnh; tặng Giấy khen (Điều 43).

(x) Quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức Việt Nam khi nhận Huân chương, Huy chương danh hiệu, giải thưởng do nước ngoài và tổ chức quốc tế trao tặng (khoản 2 Điều 44): Cá nhân, tổ chức Việt Nam khi nhận hình thức khen thưởng của cá nhân, tổ chức nước ngoài ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật Thi đua, khen thưởng còn có trách nhiệm sử dụng hiện vật khen thưởng đúng thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội Việt Nam, không dùng hình thức khen thưởng được tặng làm ảnh hưởng, tác động xấu đến chế độ chính trị, xã hội Việt Nam, tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam./.

N.T.B.H

 

Xem tin theo ngày:   / /