Chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đã trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Internet
Ngày 13 tháng 3 năm 1954, trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng. Đó không chỉ là ngày mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn là ngày khởi đầu cho một chiến thắng vang dội, có ý nghĩa quyết định đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam. Trước ngày 13/3/1954 trở thành điểm mở đầu cho chiến dịch lịch sử, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã có những quyết sách đúng đắn và sáng suốt. Từ Đông xuân năm 1953-1954, với những đòn tấn công nhằm buộc địch phải phân tán lực lượng, đồng thời tập trung chủ lực về hướng Tây Bắc, quân và dân ta đã thể hiện sự nhạy cảm, mưu trí và quyết tâm cao độ [1].
Trong bối cảnh đó, Pháp nhận thức được ý đồ chiến lược của ta, đã tăng cường lực lượng và biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Dưới sự chỉ huy của tướng Henrry Navarre và Đại tá De Castries, Điện Biên Phủ được xây dựng thành một pháo đài mạnh nhất Đông Dương với hệ thống binh lực, hỏa lực và công sự chiến hào vững chắc. Đáp lại, ta quyết định mở chiến dịch tiến công, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài năng quân sự xuất chúng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự đoàn kết, mưu trí của quân và dân ta.
Sau khi hoàn tất các công tác chuẩn bị, vào đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta lần lượt tiêu diệt gọn cứ điểm này và cứ điểm Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Trong tháng 4/1954, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh. 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bất khả chiến bại đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn [2].
Với phương án tác chiến đánh chắc, tiến chắc, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, sáng tạo và mưu trí, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, thu giữ toàn bộ vũ khí, đạn dược và quân trang của địch. Sự thay đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc đã chứng tỏ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tài năng quân sự xuất chúng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp [3].
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của sức mạnh đoàn kết dân tộc và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do mà còn là minh chứng cho sự vượt trội về tư duy chiến lược và quyết tâm chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Tới tận ngày nay, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, một bài học sâu sắc về tinh thần quyết không chịu khuất phục trước kẻ thù mạnh hơn, về sự mưu trí, dũng cảm và lòng yêu nước sâu sắc. Sự kiện này không chỉ kết thúc 9 năm kháng chiến gian khổ, đầy hy sinh mà còn mở đường cho việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, đặt nền móng cho sự phát triển và độc lập của dân tộc sau này.
Chiến dịch Điện Biên Phủ và ngày 13/3/1954 - ngày mở màn chiến dịch lịch sử - sẽ mãi được ghi nhớ như một biểu tượng của ý chí, sức mạnh và khát vọng độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng, nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự đoàn kết, mưu trí và lòng dũng cảm. Đó là di sản, là niềm tự hào, là bài học lịch sử quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đỗ Hồng Thanh
1. Thu Trang; Ngày 13-3-1954: Ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ; Báo Quân đội Nhân dân, Cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và Nhân dân Việt Nam; 13/3/2022.
2. Hạnh Quỳnh; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: 56 ngày đêm chấn động địa cầu; Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam; 13/3/2024.
3. Ngọc Anh - BTCTLSĐBP; Ngày 13/3 - Ngày mở màn cho một chiến dịch lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của Quân và Nhân dân Việt Nam; Chuyên trang Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, Cổng thông tin điện tử tổng hợp Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên; 12/3/2022.