Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với Tuyên Quang - Thủ đô giải phóng, Thủ đô kháng chiến

Thứ Sáu, ngày 15 tháng 3 năm 2024 - 10:55 Đã xem: 3583

Trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với vị thế, vai trò là Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến, tại Tuyên Quang diễn ra nhiều Hội nghị, Đại hội quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc. Tuyên Quang cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đã ở và làm việc để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng - lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, kiên trung, thuộc lớp chiến sĩ đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (người thứ 1 hàng ngồi, từ trái sang phải) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng tại chân đèo De, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (năm 1951)

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Tháng 5/1945 trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, để  đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có thể tiến công, phòng thủ đều thuận lợi. Tại Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng luôn theo sát tình hình trong nước và thế giới. Ngày 08/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, chỉ trong vòng một tuần đã đánh bại đội quân Quan Đông của Nhật. Các nước Đồng minh cũng đồng loạt tấn công vào các vị trí phòng thủ của Nhật. Lực lượng Nhật và tay sai ở Đông Dương tê liệt, hoang mang, rệu rã. Thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền của cách mạng Việt Nam đã đến. Tại lán Nà Nưa, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), lãnh tụ Hồ Chí Minh xác định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập!” (1).

Theo đề nghị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, từ ngày 14 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang). Đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng, các đại biểu thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam và đại biểu hoạt động ở nước ngoài tham dự hội nghị. Trong suốt hai ngày diễn ra Hội nghị, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng các đại biểu khác phân tích tình hình thế giới, trong nước và nhất trí với các quyết định của Hội nghị đó là chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền, cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và đề ra đường lối đối nội, đối ngoại của Mặt trận Việt Minh trong tình hình mới. Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc, được tin Nhật đầu hàng đồng minh, ngày 16 và 17-8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã triệu tập Đại hội quốc dân tại đình Tân Trào. Dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam; đại biểu các ngành, các giới, các đảng phái, đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo và đại biểu kiều bào ở nước ngoài (Thái Lan, Lào). Với vai trò phụ trách phụ trách tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tiến hành chuẩn bị cơ sở vật chất cho Đại hội và tham dự góp phần vào thành công của Đại hội. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và 10 chính sách của Việt Minh. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, đồng chí Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các ủy viên là: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực của Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Trần Huy LiệuDương Đức Hiền (2). Đại hội quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

Ngày 17-8-1945 Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nơi làm lễ là đình Tân Trào. Các đại biểu tham dự Đại hội đứng trước đình Tân trào làm lễ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước. Xin thề!” (3).

Đại hội quốc dân bế mạc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng gấp rút rời Tuyên Quang về Hà Nội, được Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời cử cùng các đồng chí Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận vào Huế tiến hành nghi thức thoái vị của vua Bảo Đại chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến cuối cùng trên đất nước ta. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Huế, đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhận được điện gấp rút trở về Hà Nội để dự lễ Tuyên bố độc lập.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Nhằm chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo sẽ không tránh khỏi, với nhiệm vụ được giao, đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ đạo Cục Quân nhu vận chuyển và lập kho thóc, kho muối ở chiến khu Việt Bắc. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, một đường dây vận chuyển thóc về các kho dọc theo sông Lô từ Đoan Hùng (Phú Thọ) qua Bình Ca đến Chiêm Hóa (Tuyên Quang) được thiết lập. Thực hiện nhiệm vụ đề ra tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ ngày 17-5-1946 về việc chuyên chở muối, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức vận chuyển gần hai vạn tấn muối từ tỉnh Nam Định và tỉnh Thanh Hóa lên trung du, Việt Bắc và Sơn La.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946 để tranh thủ kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban Giao thông, Liên lạc, An toàn khu do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban. Một trong những nhiệm vụ của Ban là bí mật di chuyển máy móc, dụng cụ cần thiết cho việc sản xuất vũ khí, thuốc, dụng cụ y tế, in ấn từ Hà Nội ra Thanh Oai, Quốc Oai (Sơn Tây) rồi lên Hưng Hóa (Phú Thọ) tới Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Nhờ sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, trong một thời gian ngắn, một khối lượng lớn thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất được chuyển tới Tuyên Quang, Thái Nguyên an toàn, phục vụ cho các hoạt động của bộ máy kháng chiến. Cuối tháng 10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa.

Ngày 02-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng trở lại Sơn Dương (Tuyên Quang) lành đạo toàn quốc kháng chiến. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng lúc này được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng. Quán triệt tinh thần cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã lãnh đạo tổ chức công nhân đưa các thiết bị máy móc lên vùng rừng núi Tuyên Quang, xây dựng nhà máy cơ khí đầu tiên trong kháng chiến và đặt tên là Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Để phục vụ kháng chiến và dân sinh, bảo đảm nhu cầu vật chất và tài chính cho các hoạt động của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ đạo xây dựng nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh về công nghiệp, tiểu công nghiệp, nông nghiệp, như xưởng dược ở Bến Trinh, trại Vinh Quang chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt ở Bến Chinh (Tuyên Quang). 

Cuối năm 1947, Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương được thành lập, với trọng trách là Trưởng Ban, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo tìm cách đưa một số hàng hóa từ các tỉnh miền núi như Hà Giang, Yên Bái về Hà Nội bán lấy tiền mua sắm vũ khí, in báo… Đồng thời, đồng chí cũng chỉ đạo tổ chức cho một số cơ sở kinh doanh như Hãng Sao Đỏ và Công ty Nam Phát buôn bán hàng trong ước, tổ chức vận tải đường thủy, đường bộ và được phép xuất khẩu một số mặt hàng. Thời gian ở Tuyên Quang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng thường xuyên quan tâm tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ về nghiệp vụ kế toán. Chính nh có những hiểu biết cơ bản về nghiệp vụ kế toán mà sau khi thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến các địa phương đã nhanh chóng làm quen với nghiệp vụ kế toán, thanh toán ngân hàng, đã thực hiện được việc ghi chép kế toán và thống kê đúng đắn các hoạt động lưu chuyển tiền vốn phát hành và những hoạt động nghiệp vụ tín dụng, thanh toán, thu chi tiền mặt...

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 02-1951) được tổ chức tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trình bày báo cáo quan trọng về kinh tế - tài chính. Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Qua những năm phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đề xuất và tổ chức thực hiện được nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn và sáng tạo về kinh tế, tài chính; xây dựng những cơ sở sản xuất, kinh doanh của tài chính Đảng và góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế nước nhà; bảo đảm khối lượng tài chính to lớn đáp ứng nhu cầu lãnh đạo và hoạt động của Đảng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đến thắng lợi.

Ngày 06-5-1951, tại hang Bòng thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15-SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 16/SL, bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Trên cương vị mới được giao, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cống hiến toàn bộ trí tuệ và sức lực của mình vào công việc xây dựng nền móng tổ chức vững chắc cho hoạt động của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trên các mặt: Lựa chọn chuyển sang ngân hàng một đội ngũ cán bộ Đảng thật vững chắc về chính trị, tư tưởng (trong đó có khu uỷ viên, tỉnh uỷ viên và đảng viên đã được thử thách nhiều trong đấu tranh cách mạng) để đảm nhiệm trọng trách trưởng ngân hàng và phụ trách những hoạt động nghiệp vụ then chốt của ngân hàng ở Trung ương và các liên khu, các tỉnh; tích cực tổ chức ở Trung ương và các địa phương những lớp huấn luyện về đường lối, chính sách kinh tế, tài chính của Trung ương Đảng và Chính phủ và các mặt nghiệp vụ ngân hàng; xây dựng hệ thống kho tàng ở Trung ương và địa phương để bảo quản tiền bạc xây dựng các đội vận chuyển tiền từ các kho Trung ương về các kho địa phương, bảo đảm tránh được những hoạt động phá hoại của địch bằng không quân và bộ binh; xây dựng các chế độ công tác bảo đảm quản lý chặt chẽ, nghiêm túc các hoạt động nghiệp vụ phát hành, kho quỹ, tín dụng, kế toán và thanh toán.

Với sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trên cương vị Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam, toàn thể cán bộ ngành Ngân hàng đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bước đầu xây dựng, hình thành hệ thống tổ chức, các nghiệp vụ tiền tệ, tín dụng, ngân hàng kiểu mới của một quốc gia độc lập và tiến hành đấu tranh với địch trên mặt trận kinh tế - tài chính. 

Ngày 08-3-1952, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và quyết định trao nhiệm vụ Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Liên Xô cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Thời gian hoạt động cách mạng trên đất Tuyên Quang và căn cứ địa Việt Bắc, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc. Đồng chí là người đầu tiên lãnh đạo công tác kinh tế - tài chính của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cũng là người đầu tiên tổ chức, xây dựng và là Tổng Giám đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Để ghi nhớ công lao đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, được sự nhất trí của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng trong khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, trong đó có đồng chí Nguyễn Lương Bằng và ban hành quy định việc dâng hương tại Khu tưởng niệm. Đó chính là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với những cống hiến, công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 2, tr.267.

(2). Nguyễn Lương Bằng - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 134.

(3). Hồi ký của đồng chí Nguyễn Lương Bằng: Gặp Bác ở Tân Trào, in trong Tân Trào toàn cảnh, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000, tr.111.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Xem tin theo ngày:   / /