Lâm Bình nỗ lực giảm nghèo bền vững

Thứ Ba, ngày 26 tháng 3 năm 2024 - 13:50 Đã xem: 11790

Lâm Bình là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của tỉnh, được Chính phủ phê duyệt là một trong số 74 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Được đầu tư, hỗ trợ theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Những năm qua, mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chương trình dự án để phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhưng Lâm Bình vẫn là một trong những huyện nghèo của tỉnh, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo tính đến thời điểm cuối năm 2021 là 6.334 hộ, chiếm 55,1%). Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện huyện vùng cao giao thông đi lại khó khăn nhất là mùa mưa dẫn đến việc giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của bà con gặp khó khăn; cơ sở hạ tầng còn thiếu, thu hút nguồn lực đầu tư hạn chế; nhận thức của một bộ phận người dân chưa có sự thay đổi, vẫn giữ phong tục, tập quán, phương pháp canh tác lạc hậu, năng suất thấp; tư duy và các kỹ năng phát triển kinh tế hộ gia đình còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; còn có tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu quyết tâm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo…

Xác định giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6%/năm; giảm ½ số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ.

Xuất phát từ thực tế và yêu cầu nhiệm vụ, Cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở luôn xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm số 1, xuyên suốt. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện theo giai đoạn, từng năm; trọng tâm là xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho Nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Huyện căn cứ tình hình thực tế để giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng xã, thị trấn. Huy động các nguồn lực, nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa thiết yếu. Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, chăn nuôi, các chính sách về phát triển giáo dục, văn hoá - xã hội, thông tin truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số,... nhằm tạo sinh kế tốt nhất cho Nhân dân, để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

Qua ba năm triển khai thực hiện chương trình, các chính giảm nghèo đã đem lại kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 giảm 7,39%, cụ thể: Số hộ nghèo đầu năm 2022: 6.334 hộ, chiếm 55,91%; cuối năm 2022 là 5.563 hộ, chiếm 48,52% (giảm 771 hộ). Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,58%, đạt 111% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 40,7 triệu đồng/người, đạt 100,2% kế hoạch… Bộ mặt của huyện vùng cao Lâm Bình có đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên đáng kể.

Mô hình nuôi vịt cổ xanh

Mô hình vườn mẫu

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của huyện thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục, như: Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, phần lớn hộ nghèo chuyển sang hộ cận nghèo, hộ khá và giàu chiếm tỷ lệ ít. Công tác thông tin truyền thông về giảm nghèo đối với đồng bào chưa phong phú về nội dung, hạn chế về phương thức truyền thông nên chưa tạo được điều kiện để hộ nghèo tiếp cận thông tin và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; còn tự ty, có tư tưởng ngại đi làm ăn xa để nâng cao thu nhập mà bằng lòng với thực tại…

Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, thực hiện các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Lâm Bình xác định tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách giảm nghèo, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Chú trọng công tác tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ,.... Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ở cơ sở.

Hai là, tăng cường xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cho công tác giảm nghèo. Thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án tạo sinh kế cho người nghèo, hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ có thu hồi nhằm thúc đẩy hộ nghèo có sự chủ động vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ba là, tăng cường vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn, bản trong việc quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng các mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn thuộc Chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo đúng kế hoạch.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập để có sự điều chỉnh kịp thời hoặc có các biện pháp xử lý, chỉnh đốn thực hiện nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách để phù hợp với thực tế; có cơ chế khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, hộ nghèo là người đồng bào dân tộc tham gia vào quá trình giám sát thực hiện Chương trình.

Đào Việt Dũng

Xem tin theo ngày:   / /