Việt Nam tích cực xây dựng thương hiệu quốc gia toàn cầu

Chủ nhật, ngày 14 tháng 4 năm 2024 - 14:51 Đã xem: 1596

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế ngày càng cao, việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia đã trở thành một nhiệm vụ chiến lược đối với mỗi quốc gia. Việt Nam, với mục tiêu trở thành một quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, đã và đang tích cực triển khai các chiến lược nhằm xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Thương hiệu quốc gia là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003 về chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam,  đã đặt nền móng cho việc xây dựng một chiến lược toàn diện nhằm nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia. Ngày 20/4 được chọn làm Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm mục đích tôn vinh giá trị thương hiệu Việt, khuyến khích,  nhận thức rộng rãi về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong số các sáng kiến và hoạt động, ngày Thương hiệu Việt Nam đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình của chiến lược này.

Thương hiệu quốc gia được coi như chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm và doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp phát triển trên thị trường khu vực và thế giới. Ngày Thương hiệu Việt Nam là cơ hội để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Các hoạt động được tổ chức trong Tuần lễ Thương hiệu quốc gia như diễn đàn, hội nghị, hội thảo, triển lãm giúp tạo ra một không gian giao lưu, chia sẻ và học hỏi giữa các doanh nghiệp, nhà quản lý và chuyên gia về thương hiệu. Theo báo cáo của Brand Finance, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng vọt từ 141 tỷ USD vào năm 2016 lên 319 tỷ USD vào năm 2020, một bước tiến đáng kể so với nhiều quốc gia khác trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19. Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đã tăng từ 30 đơn vị năm 2008 lên 124 đơn vị năm 2020. Đặc biệt, vào năm 2021, dù đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tiếp tục duy trì vị trí thứ 33 trong danh sách 100 thương hiệu mạnh nhất thế giới với giá trị lên tới 388 tỷ USD, tăng trưởng giá trị hơn 21 %. Sự phát triển mạnh mẽ này là kết quả của những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ [1].

Việt Nam đang chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm mang tính biểu tượng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy quảng bá thương hiệu qua các kênh truyền thông đa dạng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và phát triển của các doanh nghiệp. Thực tế những năm qua cho thấy, chương trình Thương hiệu quốc gia đã hỗ trợ và tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia khoảng 1,43 triệu tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 137 nghìn tỷ đồng, và tổng nộp ngân sách nhà nước hơn 200 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 471 nghìn lao động. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước đó, trong đó xuất khẩu đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19%, duy trì xuất siêu 6 năm liên tục. Báo cáo rà soát thống kê thương mại thế giới của WTO ghi nhận, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí thứ 23 vào năm 2019 và lọt vào tốp 20 năm 2021. Điều này không chỉ là kết quả của sự đóng góp từ các sản phẩm Thương hiệu quốc gia mà còn là minh chứng cho sức mạnh và tiềm năng của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế [2].

Đến năm 2022, kỳ xét chọn lần thứ 8, đã có 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, tăng gần sáu lần so với năm 2008 - là năm đầu tiên Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tổ chức việc xét chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Báo cáo về việc thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019 giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được định giá là 247 tỷ USD, nhưng đến năm 2023 đã đạt 498,13 tỷ USD, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về giá trị thương hiệu.

Nhiều thương hiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã mang tầm vóc thế giới. Về thương hiệu sản phẩm, Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2023” (Global 500) và đứng ở vị trí 234. Ngoài ra, Viettel tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thương hiệu viễn thông tại Đông Nam Á và nằm trong top 3 thương hiệu giá trị nhất khu vực. Vinamilk tiếp tục duy trì thứ hạng 6 trong top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu và top 2 thương hiệu mạnh toàn cầu của ngành sữa theo xếp hạng của Brand Finance. Về thương hiệu ngành hàng, không thể phủ nhận Việt Nam hiện có nhiều sản phẩm nông sản đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Hạt tiêu đứng thứ 1; gạo, cà-phê đứng thứ 2; thủy sản đứng thứ 5; chè đứng thứ 7... và các sản phẩm khác như sầu riêng, thanh long, cam, bưởi... cũng là những sản phẩm tiềm năng có lợi thế, nhưng gần đây mới đang được quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu ở thị trường nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên, Brand Finance - tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh - lại đánh giá Việt Nam rất tích cực trong xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia toàn cầu. Theo đánh giá của Tổ chức này, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị trên thế giới, Thương hiệu quốc gia Việt Nam là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, với mức tăng 74% trong giai đoạn 2019-2022 [3].

Đó là kết quả từ những nỗ lực chỉ đạo của Đảng ta và Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là sự khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua.

Ngày Thương hiệu Việt Nam không chỉ là cơ hội để tự hào và đánh giá lại hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia của Việt Nam mà còn là nguồn động viên, khích lệ mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp và mỗi công dân Việt Nam trong việc đóng góp vào sự nghiệp chung của quốc gia. Với sự đoàn kết, quyết tâm và sự sáng tạo không ngừng, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế và tạo dựng giá trị thương hiệu quốc gia mạnh mẽ trên bản đồ thế giới.

Đỗ Hồng Thanh

1. TTXVN; Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa; Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; 20/4/ 2022.

2. Lê Thị Thùy Chinh, Nguyễn Thị Thu Hương; Xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam - Nâng tầm vị thế, chắp cánh bay xa; Hệ thống thông tin khoa học và công nghệ, cơ sở dữ liệu công bố KHCN Việt Nam, Con số sự kiện, Kỳ II-5, 2022.

3. Việt Hải, Hướng đến thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh; Nhân dân, Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; 10/10/2023.

 

Xem tin theo ngày:   / /