Giá trị của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt

Thứ Tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024 - 10:21 Đã xem: 1190

Trong sâu thẳm tâm thức của người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng động các dân tộc Việt Nam. Là biểu tượng cho ý chí, sức mạnh và bản sắc văn hoá của mỗi người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu, làm gì cũng luôn hướng về quê hương với tình cảm thành kính, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ tinh thần học tập, lao động sáng tạo, đóng góp công sức trí tuệ cho sự phát triển đất nước.

Từ bao đời nay, các thế hệ người dân Việt luôn hướng tới một điểm tựa lịch sử và tâm linh đó là thời đại Hùng Vương dựng nước và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chung của cả dân tộc. Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam đều luôn nhắc nhở nhau “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Hiện chưa có tư liệu chính thống để xác định rõ tại sao lấy ngày “Quốc giỗ” là ngày mùng 10/3, có ý kiến cho rằng tháng 3 là tháng Thìn, tức tháng rồng được chọn, 10 thiên can được sử dụng để đặt tên cho các chi đời Vua Hùng, hết 10 thiên can là cũng hết các đời Vua Hùng vì thế ngày 10 được chọn; cũng có học giả cho rằng, tháng 3 là thời điểm cỏ cây nảy lộc đơm hoa rộ nhất, lúa chiêm “hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”, “con ong đi lấy mật”, muôn vật giao phối, sinh sôi, giỗ tổ vào thời điểm này nhằm gửi gắm vào đó cầu mong tổ tiên phù hộ cho tươi tốt mùa màng, đông đàn vật nuôi, dân giàu, nước mạnh, mãi mãi trường tồn.

Hàng vạn người từ khắp nơi trở về Đền Hùng để tham quan và dâng hương

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư đã chép sử nước ta từ Kinh Dương Vương làm vua đầu tiên, Kinh Dương Vương lấy con gái của Động Đình Quân rồi sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân tên húy là Sùng Lãm, lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng nở ra 100 người con trai là tổ của Bách Việt. Một hôm Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 người con theo mẹ về miền ngược, 50 người con theo cha về miền xuôi, Người con trưởng được nối ngôi vua cha, được gọi là Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi vua lập ra nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Thời đại Hùng Vương có một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử, bởi đây là thời đại mở đầu dựng nước, hình thành nên những giá trị về văn hóa để rồi trở thành những tiền đề cơ bản trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Qua các tài liệu, hiện vật khảo cổ học, đặc biệt là hoa văn trên mặt trống đồng và các truyền thuyết, chuyện cổ tích như Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Sự tích Bánh chưng - Bánh dày, sự tích Dưa hấu, sự tích Trầu cau... đã cho thấy xã hội thời Hùng Vương là một xã hội đã khá phát triển. Thời Hùng Vương về đời sống vật chất đã có nhà cửa khang trang với kiểu nhà sàn độc đáo, thích hợp với hoàn cảnh rừng rú và lầy lội của thiên nhiên. Cư dân thời này đã biết trồng lúa, thức ăn chủ yếu là lúa gạo, ngoài ra họ còn ăn các loại củ, quả, thịt, cá, ... thêm vào đó là các hương liệu như rượu, mắm, muối,... Đồ dùng hàng ngày chủ yếu làm bằng tre, gỗ, đất nung và đồng thau, một số ít được dùng bằng da và đá. Trang phục thời Hùng Vương phù hợp với miền sông nước, đó là nam giới chủ yếu là đóng khố, cởi trần, nữ giới mặc váy, nhiều phụ nữ có buộc thêm miếng đệm váy có trang trí ở trước bụng và sau mông.

Bên cạnh đời sống vật chất, cư dân Việt cổ thời Hùng Vương có đời sống tinh thần cũng vô cùng phong phú. Qua các câu truyện truyền thuyết còn lưu truyền trong Nhân dân và một số ghi chép tuy có nhiều ý kiến trái chiều song chúng ta có thể hình dung về tục lệ cưới hỏi thời Hùng Vương, đó là chế độ hôn nhân một vợ một chồng và chế độ phụ quyền vào cuối thời Hùng Vương. Ngoài ra thời kỳ này còn có một số phong tục khác như tục ăn trầu cau với vôi được thể hiện trong chuyện “Sự tích trầu cau”. Đây chính là cơ sở đặt nền móng cho sự phát triển của phong tục cưới hỏi của người Việt khác với phong tục của các dân tộc khác. Thời kỳ Hùng Vương con người không chỉ biết chế tạo ra các đồ dùng mà con biết trang trí cho các sản phẩm của mình đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật và mỹ thuật tạo dáng. Người xưa đã biết tạo dáng đồ dùng sau đó mới trang trí mĩ thuật cho vật dụng thêm tinh xảo và đẹp mắt. Các tác phẩm được tạo dáng rất gần gũi gắn bó với thiên nhiên, một bước phát triển ở trình độ cao hơn là tái tạo lại cuộc sống hàng ngày như lao động sản xuất, vui chơi, hội hè... Mỹ thuật thời Hùng Vương đã để lại cho các thế hệ sau này những giá trị độc đáo bởi đó là một nền nghệ thuật mang tính gốc rễ, bản địa, không mang dấu vết lai tạp một nền văn hóa nào. Mặc dù nó ra đời song song cùng với các nền văn hóa cổ đại của thế giới như Hy Lạp, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc.... Bên cạnh đó nền nghệ thuật này còn phản ánh sớm về ý thức cộng đồng. Đây chính là yếu tố cốt lõi, là linh hồn quyết định sự sống còn của dân tộc. Điều này đã được thể hiện rõ nét trên trang trí của mặt trống đồng Đông Sơn. Bên cạnh những hình chim, thú, ta còn thấy nổi lên là hình ảnh con người tập hợp thành nhóm. Đó là cảnh con người cùng hát, múa, chèo thuyền, cùng phóng lao, cùng nhìn về hướng mặt trời...

Lễ hội dân gian thời Hùng Vương rất phong phú và đã dạng, là nét văn hóa tinh thần không thể thiếu của con người thời Hùng Vương. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước lễ hội đã mang một giá trị to lớn đó là biểu thị tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc. Thời kỳ này đã có nhiều hình thức lễ hội đã ra đời như: Lễ hội cầu mưa, cầu mùa thể hiện qua các nghi thức rước nước, bơi chải của các làng ven sông Lô, sông Đà, sông Hồng. Hình ảnh bơi thuyền này hiện còn thấy qua các hình ảnh trang trí trên trống đồng Hùng Vương. Ngoài ra còn có các lễ hội thi tài, thi khéo như: nấu cơm thi, ném lao hoặc các lễ hội cầu thần sấm, thần mặt trời đều là các tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Đánh trống đồng là hình thức rõ nét nhất trong tín ngưỡng cầu mặt trời và cầu sấm. Trên mặt trống đồng có hình tròn ở giữa và có những tia xung quanh. Trong ngày hội còn có múa hát và cả hóa trang trong trang phục lông chim. Ngoài ra còn có hình thức giã cối, vừa là hình thức biểu diễn vừa là trò chơi, vừa là hình thức giao duyên nam nữ với mong ước sản sinh, thịnh vượng.

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, lễ hội Đền Hùng đã được xác định là ngày Quốc giỗ của dân tộc Việt Nam, điều đó khẳng định đạo lý cao đẹp “uống nước nhớ nguồn”. Trong tâm thức dân gian của cộng đồng, Hùng Vương vừa là vị Thuỷ Tổ, vừa là thánh vương, người lập nước nhưng cũng là người chăm lo cuộc sống cho Nhân dân, vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Người dân trong cả nước định kì hàng năm làm lễ giỗ Tổ để nhớ ơn vị Thuỷ Tổ mở nước chính là nét độc đáo trong văn hoá tinh thần của người Việt Nam qua tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng gốc xuyên suốt quá trình lịch sử Việt Nam, nó là sợi dây tạo mối liên kết, tính thống nhất toàn dân tộc; đồng thời là cội nguồn của các phong tục, tín ngưỡng khác. Cả cộng đồng cư dân Việt Nam được củng cố bởi đức tin chung một cội nguồn, sinh ra từ bọc trăm trứng, lấy đó làm cội nguồn sức mạnh tinh thần để dân tộc ta vững vàng trước mọi sự đe dọa của thiên tai và ngoại xâm. Thời đại dựng nước của các Vua Hùng cũng là thời đại của văn hoá Hùng Vương mà đỉnh cao là nền văn minh Đông Sơn rực rỡ. Từ nền văn hoá ấy đã kết tinh thành bản sắc và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ buổi sơ khai dựng nước đến nay, tri ân, tưởng nhớ, thờ cúng tổ tiên luôn là đạo lý, tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Từ bao đời nay, nền văn hoá Hùng Vương luôn được các thế hệ Nhân dân Việt Nam kế thừa, tiếp nối và trở thành nhân tố cốt lõi, tạo nên sức mạnh to lớn được hun đúc và phát triển đến ngày nay.

Nguyễn Văn Đức

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 116 | Trang: 1 trên tổng số 12 trang  
Xem tin theo ngày:   / /