Lực lượng dân công Tuyên Quang trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024 - 09:47 Đã xem: 5666

Cách đây 70 năm, từ ngày 13/3/1954, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy, Bộ tư lệnh chiến dịch, các lực lượng vũ trang cách mạng đã nổ súng, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ghi một “mốc son chói lọi bằng vàng” trong lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Đóng góp vào thắng lợi vĩ đại đó có vai trò quan trọng của lực lượng dân công tỉnh Tuyên Quang.

Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và chủ trương mở cuộc tiến công chiến lược đông  xuân 1953-1954 nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đánh bại ý chí xâm lược của chúng. Sau khi phân tích tình hình, so sánh lực lượng địch, ta, Bộ Chính trị đã xác định kế hoạch tác chiến trên từng chiến trường và quyết định sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt quân địch còn chiếm đóng Lai Châu, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Bước vào chiến dịch, quân và dân ta đứng trước muôn vàn khó khăn, trong đó nổi bật là những khó khăn về hậu cần. Phải làm thế nào để có thể cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, súng đạn, thuốc men cho một lực lượng lớn, xa hậu phương tới hàng trăm km trong một thời gian dài, điều kiện đi lại vừa khó khăn, vừa thiếu thốn phương tiện, vừa bị địch thường xuyên dùng máy bay đánh phá, đó chưa kể khó khăn thời tiết. Trong khi đó, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại là tập đoàn mạnh, tướng Henri Navarre đã cho đổ bộ xuống chiến trường này 12 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, hai tiểu đoàn lựu pháo 105 ly, hai tiểu đoàn súng cối 120 ly, một đại đội trọng pháo 155 ly, một đại đội xe tăng 18 tấn, một phi đội không quân gồm 17 máy bay… H. Navarre coi “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm”…

Trước những nhu cầu đòi hỏi cấp bách của chiến trường, ngay từ tháng 01/1953, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã chỉ thị về huy động lực lượng phục vụ chiến dịch. Tỉnh đã quyết định thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương của tỉnh do một đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy làm Chủ tịch giúp Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương động viên nhân dân, huy động nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu phục vụ kháng chiến. Ban Dân công và các đội thanh niên xung phong cũng được thành lập.

Nằm ở vị trí có những tuyến đường chiến lược, mạch máu nuôi dưỡng các chiến dịch lớn chạy qua, là cầu nối giữa các tỉnh Đông Bắc sang Tây Bắc và là trung tâm căn cứ địa cách mạng, nhiệm vụ của tỉnh là: Bảo đảm giao thông, phục vụ vận chuyển hậu cần cho bộ đội từ các tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc lên Tây Bắc. Chính vì vậy công tác bảo vệ, sửa chữa cầu đường là một nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong công tác hậu phương. Thực hiện nhiệm vụ, dưới bom đạn, công nhân cầu phà vẫn phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đảm bảo thông đường, thông phà trong thời gian ngắn nhất, kể cả những lúc cao điểm, đảm bảo yêu cầu kịp thời của tiền tuyến. Tháng 7/1953 Tuyên Quang mở chiến dịch cầu đường huy động 1.021.136 ngày công tham gia đào đắp hàng vạn mét khối đất đá, sửa chữa toàn bộ hệ thống đường dài 168 km, thời gian trực phà rút từ 60 phút xuống còn 30 phút, qua phà từ 30 phút rút xuống còn 8 phút, nhiều khi dân công phải làm việc tới 14 giờ liên tục, mức vận chuyển trước đây là 20 xe lên 64 xe trong ngày. Tính từ 29/11/1953 đến 7/5/1954 đã có 4.734 xe ô tô từ Thái Nguyên qua phà Bình Ca phục vụ kịp thời bộ đội tiến công tiêu diệt địch được thuận lợi, góp phần vào kết quả chung của toàn bộ chiến dịch. Để bảo vệ giao thông vận tải, tỉnh thành lập 2 đội sửa chữa đường (216 và 217), tỉnh đội thành lập đại đội phòng không, mỗi huyện thành lập 1 ban bảo vệ, các xã có đội bảo vệ từ 10 đến 15 người để tuần tiễu bảo vệ đường, nơi cất giấu ô tô, phát hiện bom nổ chậm. Dọc các tuyến đường, công tác bảo vệ cầu đường được đưa vào các tổ sản xuất, vừa sẵn sàng sửa đường ngay sau khi địch bắn phá, vừa làm biển báo “có máy bay”, cọc tiêu chỉ đường cho xe chạy đêm.

Trong khi trên chiến trường cả nước quân và dân ta đang đẩy mạnh cuộc tiến công đông xuân 1953-1954, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy tập trung xây dựng kế hoạch tác chiến và chuẩn bị mọi công tác bảo đảm cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Để đẩy mạnh công tác mặt trận, Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ thị động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến, bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Quán triệt chỉ thị, ngày 20/3/1953, Hội nghị Đảng bộ tỉnh đã họp và ra nghị quyết huy động lực lượng phụ vụ chiến dịch. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, dưới sự chỉ đạo của Ban Dân công tỉnh, phong trào “đi dân công là yêu nước” diễn ra sôi nổi. Gối đất, nằm sương, lội đèo, các đoàn dân công được biên chế theo tổ chức quân sự nối nhau lên đường ra phía trước. Tính đến cuối năm 1953, Tuyên Quang đã huy động 1.021.738 ngày công. Bước vào thời điểm quyết định của chiến dịch Điện Biên Phủ (từ tháng 3 đến tháng 5/1954), Tuyên Quang đã huy động 1.854.360 ngày công với tổng số 56.196 lượt người đi dân công (chiếm 43% dân số). Con số đó thể hiện sự cố gắng phi thường, hy sinh lớn lao của nhân dân tỉnh ta đối với kháng chiến, với cách mạng. Lực lượng dân công tỉnh đã vận chuyển 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.657 kg lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh... của tỉnh tới chiến trường để phục vụ chiến dịch.

Không chỉ trực tiếp chi viện cho tiền tuyến, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, lực lượng dân công của tỉnh còn tham gia thực hiện công tác hậu phương quân đội thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng, Nhà nước như: Tham gia đón thương binh về làng, đỡ đầu bộ đội, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ... Thực hiện chủ trương này, lực lượng dân công của tỉnh Tuyên Quang đã tham gia xây dựng 6 trại điều dưỡng cho 500 thương binh, bệnh binh.. Nét đẹp cao cả của mối quan hệ giữa con người với con người trong chế độ xã hội mới đã được tạo dựng và nhân lên qua mỗi ngày, góp phần tạo thêm sức mạnh cho kháng chiến.

Ngày 07/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đập tan hoàn toàn những cố gắng cao nhất, cuối cùng của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ trong việc tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Ngày 21/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đã giành thắng lợi huy hoàng. Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, lực lượng dân công tỉnh Tuyên Quang, trong niềm vui chung của đất nước, bừng lên tinh thần phấn khởi, tự hào vì đã làm tròn sứ mệnh của mình với đất nước, với dân tộc, vì đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của một tỉnh hậu phương, An toàn khu, trung tâm căn cứ địa kháng chiến của cả nước, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, 2000.

2. Tuyên Quang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 (Sơ thảo) do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang biên soạn và xuất bản 1994.

Xem tin theo ngày:   / /