Tổng Bí thư Trường Chinh với những năm tháng hoạt động cách mạng tại Tuyên Quang

Thứ Sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024 - 09:57 Đã xem: 992

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến. Tại Tuyên Quang, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, Tổng Bí thư Trường Chinh đã có những năm tháng sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng tại Tuyên Quang.

Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo trước Đại hội lần thứ II của Đảng, xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa - tháng 2/1951

Bước sang năm 1945, tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Đêm 09/3/1945, Nhật nổ súng đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương, Pháp chống trả yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Nắm sát diễn biến tình hình thế giới và phong trào cách mạng trong nước, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng, tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang chuẩn bị lực lượng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Tháng 8/1945, dưới sự tấn công của Liên Xô và các nước đồng minh, phát xít Nhật thất bại trên các mặt trận. Lực lượng Nhật và tay sai ở Đông Dương tê liệt, hoang mang, rệu rã. Thời cơ tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền của cách mạng Việt Nam đã đến. Tại Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập.

Về Tuyên Quang giữa thời điểm sục sôi khí thế cách mạng, ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đứng đầu. Ngay trong đêm ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa ra bản Quân lệnh số I, hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945, đồng chí Trường Chinh tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng được tổ chức tại khu rừng Nà Nưa, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16 và 17/8/1945 Quốc dân Đại hội được triệu tập tại đình Tân Trào.  Tại Đại hội, đồng chí Trường Chinh báo cáo tình hình thế giới, trong nước; nêu rõ yêu cầu cấp bách cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng để sau khi giành được chính quyền sẽ trở thành Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; báo cáo cũng nêu lên mười điểm cần thực hiện để giành chính quyền, bảo đảm độc lập, tự do cho đất nước, lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Với không khí sôi nổi khẩn trương, Quốc dân Đại hội đã nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam,  quy định Quốc ca, Quốc kỳ.

Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có vai trò to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, nhân dân ta triệu người như một nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ngày 18/8/1945, cùng với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Trường Chinh rời Tân Trào về Hà Nội chuẩn bị cho sự kiện thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không từ bỏ dã tâm xâm lược, thực dân Pháp ngày càng mở rộng chiến tranh trên đất nước ta, ngày 17 và 18/12/1946 Pháp ra tối hậu thư đòi tước khí giới lực lượng vũ trang của ta. Trước tình hình trên, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Với địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc và các vùng căn cứ được xây dựng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Bắc, trong đó Tuyên Quang là một trung tâm, trở thành căn cứ địa đầu não của cuộc kháng chiến. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến.

Ngày 15/10/1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị "Phải phá tan cuộc tiến công mùa khô của giặc Pháp" và giành thắng lợi trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947. Ngày 10/01/1948 Tổng Bí thư Trường Chinh cùng với Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra thông báo địch thất bại ở Việt Bắc, ta đã phá tan cuộc tấn công của địch, làm cho chúng thiệt hại nặng nề về người và vũ khí, khiến tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta.

Trong năm 1948, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư và đồng chí Trường Chinh, cùng các Ban của Đảng ở, làm việc tại Đồng Man thuộc làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Tại đây, từ đầu năm 1948, cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Bí Trường Chinh đã bắt tay vào việc chuẩn bị Đại hội lần thứ II của Đảng. Ngày 27/3/1948, Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phiên họp Hội đồng Chính phủ đầu tháng 3/1948. Bản Chỉ thị nhấn mạnh mục đích của thi đua ái quốc là “Làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết nhanh chóng thành công”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, diễn ra từ ngày 16 đến 20/7/1948, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, nêu lên những luận điểm biện chứng mácxít về văn hóa kháng chiến và kiến quốc, đây là tác phẩm đặt cơ sở lý luận xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng và giải quyết những vấn đề thực tiễn của văn hóa nước ta trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ. Tháng 10/1948, đồng chí Trường Chinh kí ban hành một số nghị quyết và chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về: Thành lập Ban kiểm tra Trung ương; nguyên tắc chi tiêu trong Đảng; sửa chữa những khuyết điểm trong việc lãnh đạo thi đua ái quốc...

Tháng 01/1949, căn cứ vào sự phát triển của cách mạng ba nước Đông Dương, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu đề ra một trong những nhiệm vụ và công tác quân sự cần kíp của Đảng là “Mở rộng mặt trận Lào, Miên”; “Liên lạc chặt chẽ với nhân dân Miên, Lào chống thực dân Pháp”; “Xây dựng Đảng bộ Miên - Lào” ; công tác “Điều động cán bộ”,…. Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Trường Chinh trình bày Báo cáo về tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công.

Công tác tuyên truyền cũng là một trong những trọng tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Cuối năm 1950, nhiều quyết nghị về công tác báo chí, phát thanh đã được ban hành như: Quyết nghị ngày 11/10/1950 về vấn đề báo chí; Quyết nghị ngày 30/10/1950 về việc kiểm duyệt tài liệu phát thanh; Quyết nghị ngày 12/12/1950 về công tác tuyên truyền; Thông tri ngày 21/12/1950 về việc tuyên truyền nhiệm vụ hoàn thành chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công.

Từ cuối năm 1950 đến tháng 02/1951, Văn phòng Tổng Bí thư và Tổng Bí thư Trường Chinh chuyển đến ở và làm việc tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa. Với sự giúp việc của Văn phòng Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh hoàn thành báo cáo Bàn về Cách mạng Việt Nam sẽ trình Đại hội Đảng lần thứ II. Cùng thời gian này, đồng chí Tổng Bí thư chuẩn bị bài phát biểu về chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất của Đảng, trình bày tại Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt.

Đầu tháng 02/1951, Tổng Bí thư Trường Chinh đi xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Ngày 11/02/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng khai mạc tại thôn Phú An, xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình). Tại Đại hội, đồng chí Trường Chinh trình bày Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam (còn gọi là Luận cương cách mạng Việt Nam). Đây là bản cương lĩnh mới của cách mạng Việt Nam. Báo cáo làm nổi bật mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến và các nhiệm vụ quan trọng của cách mạng trong giai đoạn mới. Cũng tại Đại hội, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau Đại hội lần thứ II của Đảng, đầu tháng 4/1951, Văn phòng Tổng Bí thư và đồng chí Trường Chinh rời Vinh Quang, Chiêm Hóa trở lại Tân Trào. Ngay sau khi trở lại Tân Trào, ngày 16/4/1951, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Trường Chinh ký ban hành Nghị quyết về việc lập các ban và tiểu ban giúp việc. Để tiếp tục hoàn chỉnh và cụ thể hóa đường lối kháng chiến, kiến quốc, từ ngày 27/9/1951 đến ngày 05/10/1951, đồng chí Trường Chinh chủ trì Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị đã ra Nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ chung và nhiệm vụ quân sự trước mắt.

Bước sang năm 1953, những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên khắp các chiến trường đòi hỏi đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với việc tăng cường tiềm lực mọi mặt phục vụ công cuộc kháng chiến. Trước tình hình đó, từ ngày 25 đến 30/01/1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ tư. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Trường Chinh báo cáo mục đích, ý nghĩa, phương châm, phương pháp và kế hoạch thực hiện chính sách cải cách ruộng đất.

Cuối năm 1953, đầu năm 1954 Bộ Chính trị đã thông qua phương án tác chiến tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 22/02/1954, Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Bộ Chính trị ra Chỉ thị "Ra sức phá tan âm mưu đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp". Với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng động viên được cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, phát huy tối đa sự đóng góp sức người, sức của hậu phương phục vụ tiền tuyến, tranh thủ được sự ủng hộ tích cực của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc kết thúc thắng lợi, mở ra một chương mới cho sự phát triển của cách mạng nước ta.

Trong suốt những năm tháng hoạt động trên đất Tuyên Quang, Tổng Bí thư Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh công cuộc kháng chiến và kiến quốc đến thắng lợi. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong bước ngoặt của lịch sử, dẫn tới những thắng lợi ngày càng to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Văn Đức

         

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Chinh một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

2. Trường Chinh - Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007.

3. Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy Nam Định: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 116 | Trang: 1 trên tổng số 12 trang  
Xem tin theo ngày:   / /