Năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Tình hình thế giới có nhiều chuyển biến tích cực cho cách mạng Việt Nam. Trước thời cơ giành chính quyền đang đến gần, bên cạnh việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang; việc quan tâm, chuẩn bị căn cứ cách mạng làm chỗ dựa cho vũ trang khởi nghĩa cũng được chú trọng. Với vị trí “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có dân tốt, cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài, đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chọn làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước.
Khởi hành từ Pác Bó (Cao Bằng) vào ngày 04/5/1945 đến ngày 21/5/1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác đã về đến Tân Trào (Tuyên Quang). Tại Tân Trào, ngày 04/6/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ Việt Minh. Hội nghị đã quyết định thành lập Khu giải phóng, gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên; thành lập Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng. Uỷ ban có nhiệm vụ lãnh đạo toàn Khu về các phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Ủy viên Thường trực, đồng thời chỉ huy về quân sự; thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng. Tân Trào (Tuyên Quang) được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam và trở thành trung tâm lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tại lán Nà Nưa (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương), lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn theo dõi sát sao diễn biến tình hình thế giới và trong nước. Người đã có những nhận định, đánh giá, xác định thời cơ và quyết tâm phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền với câu nói bất hủ: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(1). Ngay sau đó, từ ngày 14 đến ngày 15/8/1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và trong hai ngày 16, 17/8/1945 tổ chức Quốc dân Đại hội, đưa ra những quyết định quan trọng, phát động cả nước tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Từ nơi đây, lệnh Tổng khởi nghĩa được truyền đi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(2). Đáp lời kêu gọi, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên giành chính quyền, làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập cho dân tộc, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Với tầm nhìn chiến lược cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo tiếp tục củng cố, xây dựng căn cứ cách mạng tại Tuyên Quang. Cách mạng Tháng Tám thành công, trước khi rời Tân Trào về Hà Nội, Người đã họp với đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Kháng... Người nói: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc chắn các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy một số các cô, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn… Cuộc kháng chiến chống đế quốc của ta còn lâu dài và gian khổ, biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”(3).
Đúng như tiên đoán của Người, đất nước ta giành độc lập chưa được bao lâu; ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đem quân trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa, nhân dân ta lại bước vào một cuộc chiến đấu mới, đầy khó khăn, thử thách. Tháng 11/1946, khi thực dân Pháp gây hấn ở Hải Phòng và Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc thì Hà Nội giữ được bao lâu?”, đồng chí Võ Nguyên Giáp thưa rằng: “Giữ được một tháng, các thành phố khác ít khó khăn hơn, vùng nông thôn nhất định ta giữ được”(4). Nghe xong, Người quyết định: “Ta lại trở về Tân Trào”.
Ngày 02/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não kháng chiến đã về tới Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Một lần nữa, lịch sử lại giao phó cho Tuyên Quang sứ mệnh là Thủ đô kháng chiến, căn cứ vững chắc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và hầu hết các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, nơi đây đã ghi dấu những năm tháng cam go về cuộc chiến trường kỳ của dân tộc và cũng chính nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở gần 6 năm và làm việc nhiều nơi tại Tuyên Quang, trong đó có: Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương; Nhà ông Triệu Văn Hiến, thôn Khuôn Đào, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương; Khuổi Tấu, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn; Lũng Tẩu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; xã Trung Trực, huyện Yên Sơn; Khấu Lấu - Vực Hồ, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; Nhà ông Hà Văn Tung, Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn; Thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn; lán Hang Bòng, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương; Khuôn Mạ, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa; xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; Nà Mạ, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa; Thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn(5)… Trong thời gian này, Người đã cùng Trung ương Đảng tổ chức thành công nhiều đại hội, hội nghị, phiên họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận… quyết định những quyết sách lớn để kiến quốc và đưa kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, như: Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng họp từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951 tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa); Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh - Hội Liên Việt (tháng 3/1951); Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia (tháng 3/1951); các hội nghị của Bộ Chính trị, các phiên họp của Hội đồng Chính phủ chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông xuân 1953 -1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ đạo chủ trương đàm phán tại Hội nghị Giơnevơ.
Tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động ngoại giao quan trọng như: Làm việc với Chính phủ kháng chiến Lào và Mặt trận Lào yêu nước Ítxala, Đoàn cố vấn Trung Quốc; đại diện các Đảng Cộng sản: Pháp, Thái Lan, Liên Xô… Nhiều nơi trên đất Tuyên Quang đã trở thành di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Làng Sảo, Tân Trào, Lũng Tẩu, Vực Hồ, Kiên Đài, Kim Bình, Kim Quan, Hùng Lợi, Minh Thanh, Bình Yên, Mỹ Bằng, hang Bòng... Cũng tại Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều tác phẩm, bài viết, bài phát biểu quan trọng về đạo đức cách mạng, rèn luyện lối sống cho cán bộ, đảng viên, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, trong đó có tác phẩm Dân vận, Đời sống mới, Thường thức chính trị, Sửa đối lối làm việc”,...
Trong tình thế cách mạng bị bao vây bốn phía, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược gặp vô vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao, mở rộng quan hệ quốc tế như: bí mật thăm Trung Quốc, Liên Xô; thực hiện liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương, v.v. tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Là nhà chiến lược quân sự thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo và tham gia nhiều chiến dịch lớn làm xoay chuyển cục diện chiến tranh; duyệt kế hoạch cụ thể cho từng chiến trường; tổng kết, rút kinh nghiệm cho từng Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông (1947), Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình, Đông Xuân (1951-1952)…Tại Kim Quan, Yên Sơn, Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cuộc tấn công chiến lược Đông xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tuyên Quang - cái nôi của cách mạng, nơi bảo tồn và phát huy giá trị những di tích tiêu biểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong lòng nhân dân cả nước, Tuyên Quang đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi ghi dấu những trang sử hào hùng của Đảng, của dân tộc. Đây cũng là nơi góp phần hun đúc nên một con người - Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Văn Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra trích Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3 (1930 - 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.596.
3. Lê Giản, Những ngày sóng gió, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1985, tr.103-106.
4. Lịch sử Đảng, Số 11, Hà Nội, 1997, tr. 25-26.
5. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang: Bác Hồ với Tuyên Quang, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, từ trang 102 đến 142.