Tuyên Quang - Nơi diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Tư, ngày 29 tháng 5 năm 2024 - 08:08 Đã xem: 2251

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến. Tại Tuyên Quang đã diễn ra nhiều sự kiện quyết định vận mệnh của dân tộc, trong đó có hoạt động ngoại giao nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của các nước trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

Máy bay hạ xuống sân bay Lũng Cò, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương (ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang)

Tuyên Quang - nơi thiết lập quan hệ ngoại giao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng Đồng minh, góp phần quan trọng vào sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Bước vào năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định chuyển từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang), chọn nơi đây làm trung tâm căn cứ địa, Thủ đô Khu giải phóng. Từ Tân Trào, mọi chỉ thị, phương châm, đường lối, sách lược chỉ đạo toàn dân chuẩn bị vũ trang tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền được nhanh chóng truyền đi khắp cả nước.

Trong thời gian này, tại chiến trường châu Âu, Hồng quân Liên Xô đã chuyển sang giai đoạn phản công và giành được những thắng lợi quan trọng, quân đội Đồng minh đổ bộ vào Noocmăngđi (nước Pháp)... lãnh tụ Hồ Chí Minh dự đoán thời cơ khởi nghĩa ở Việt Nam đang đến rất gần, Việt Minh cần phải có sự liên lạc, hợp tác với quân Đồng minh, một mặt để họ hỗ trợ, mặt khác nhằm buộc họ thừa nhận Mặt trận Việt Minh là lực lượng hợp pháp ở Việt Nam, hợp tác với Đồng minh trên mặt trận chống phát xít, giải phóng dân tộc. Trên cơ sở những thỏa thuận của lãnh tụ Hồ Chí Minh với Tướng Mỹ Sênôn (trong chuyến công tác đến Côn Minh từ tháng 3/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh - đại diện cho Mặt trận Việt Minh và tướng Sênôn, Tư lệnh Đoàn không quân số 14 đã thỏa thuận: Về phía Việt Nam, sẽ tăng cường lực lượng du kích và mở rộng phạm vi hoạt động; phía Mỹ đưa cố vấn sang giúp huấn luyện về quân sự, đồng thời trang bị vũ khí, điện đài và các trang thiết bị khác). Do vậy, việc xây dựng một sân bay đảm bảo cho sự liên lạc giữa hai bên Việt Minh và Đồng minh tại Tuyên Quang đã được đặt ra.

Thực hiện chủ trương trên, tháng 6/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ đạo hai đồng chí Đàm Quang Trung và Lê Giản chọn địa điểm và lập kế hoạch xây dựng sân bay, phối hợp với hai đồng chí còn có một thiếu tá quân sự Mỹ thuộc lực lượng Cứu trợ không quân Mỹ (AGAS). Nhận được chỉ thị, tổ công tác đến Lũng Cò (thuộc xã Minh Thanh) xem xét địa thế và chọn nơi đây làm địa điểm xây dựng sân bay, vì tại Lũng Cò có một dải đất rộng chừng 4ha nằm giữa khe núi, bảo đảm cho các chuyến bay lên, xuống thuận tiện. Sân bay được thiết kế có chiều dài 400m, chiều rộng 20m, loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh được. Đây là sân bay đầu tiên do chính quân dân ta làm nên.

Cuối tháng 6/1945, qua liên lạc bằng điện đài với Bộ chỉ huy Đồng minh tại Côn Minh, Người đồng ý tiếp nhận một toán quân Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào huấn luyện cho Việt Minh về chiến thuật quân sự và cách sử dụng các loại vũ khí. Chiều ngày 17/7/1945, toán quân mang biệt hiệu “Con Nai” do thiếu tá Tômát chỉ huy gồm 5 người đã nhảy dù xuống Tân Trào (Tuyên Quang). Đây là sự kiện đánh dấu bước quan trọng trong sự hợp tác Việt - Mỹ. Theo Trung tá tình báo L.A. Pátti (sau này là tác giả cuốn “Why Vietnam?”): Trong 7 tuần lễ ở đây, Tômát và các chuyên viên người Mỹ đã để ra 4 tuần lễ để huấn luyện cho khoảng 200 giải phóng quân về việc sử dụng vũ khí Mỹ mới nhất và chiến thuật du kích.  Hoạt động của đội “Con Nai” ở Tân Trào cũng đặt ra yêu cầu cần thiết sớm hoàn thành sân bay. Với tinh thần cố gắng cao và sự huy động nhân dân các xã Thanh La, Trung Yên, Tân Trào và một đơn vị quân Giải phóng, chỉ sau 2 ngày triển khai thực hiện, một sân bay dã chiến đã được hình thành. Trong thời gian quân Đồng minh làm việc tại Tân Trào, đã có nhiều chuyển bay hạ cánh tại sân bay Lũng Cò. Nhiệm vụ của các chuyến bay là đưa đón quân Đồng minh, vận chuyển vũ khí, thuốc men từ Côn Minh (Trung Quốc) sang Tân Trào. Đây chính là cơ sở đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử và bài học trong khởi nghĩa giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám thành công căn bản là do lực lượng chính trị của nhân dân đã kịp thời nắm lấy cơ hội thuận tiện nhất, khởi nghĩa giành chính quyền Nhà nước”(1). Đồng thời, bài học thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám cũng minh chứng uy tín, tài trí của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng trong thực tiễn cách mạng về phát huy sức mạnh dân tộc và tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng quốc tế trong cách mạng Việt Nam.

Tuyên Quang - nơi diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xuphanuvông tại xã Bình Yên, huyện Sơn Dương (năm 1950)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã thực thi đường lối đối ngoại mềm dẻo, hòa hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ vững nền độc lập. Khi nhân nhượng đã đến giới hạn cuối cùng, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Để thực hiện đường lối trường kỳ kháng chiến, ngày 02/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não kháng chiến đã di chuyển lên Tuyên Quang. Kể từ đây cho đến tháng 8/1954, vùng đất Tuyên Quang và căn cứ địa Việt Bắc đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với những hoạt động ngoại giao cũng như chỉ đạo hoạt động đối ngoại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi tới Tuyên Quang, đầu tháng 5/1947, trong trả lời phỏng vấn của Rơnê Lécmitơ (René L’Hermite) - phóng viên báo L’Humanité (Nhân đạo, cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh tái khẳng định lập trường của Việt Nam để mở lại đàm phán là Pháp, khẳng định đình chiến là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Ngày 12/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Pôn Muýt (Paul Mus), đại diện của Cao ủy Pháp Bôlae (Bollaert) để trao đổi về điều kiện ngừng bắn của hai phía Việt - Pháp. Ngày 10/6/1947, Người gửi thư cho Tướng Raun Xalăng (Raul Salan) vừa trở lại Đông Dương nhận chức Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp bày tỏ mong muốn hòa bình và nối lại mối bang giao Việt - Pháp, tránh một cuộc đổ máu vô ích. Ngày 20/6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi gửi nhân dân thế giới, nêu rõ ý nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và kêu gọi nhân dân Pháp, nhân dân châu Á, các nhân sĩ dân chủ trên thế giới hãy cùng hành động với nhân dân Việt Nam “lên tiếng ủng hộ hòa bình, ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ dân chủ, ủng hộ Việt Nam”(2).

Cuối năm 1947, Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc với ý định bắt sống hoặc tiêu diệt Chính phủ Hồ Chí Minh, trong tình thế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đề cao thiện chí, luôn thể hiện sự trân trọng với chính giới tiến bộ và nhân dân Pháp, tranh thủ cảm tình và sự ủng hộ của họ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều thư gửi các bạn nam, nữ Pháp đấu tranh cho hòa bình. Tháng 4/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các bà mẹ và vợ người Pháp có con và chồng chết trận ở Việt Nam (gửi nhà báo Lêô Phighe, đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Pháp sang thăm Việt Nam, nhờ nhà báo Lêô Phighe mang về Pháp),… Đó là những cử chỉ ngoại giao hết sức tinh tế, đậm chất nhân văn và sáng ngời nhân đạo, hòa bình. Đáp lại thịnh tình và những cử chỉ, tình cảm đậm chất nhân văn ấy, cuối năm 1951 đầu năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được thư của Coócnê Giăng (Kornet Jean), tù binh Pháp ở trại G.C-3 viết bằng tiếng Pháp: “Cảm ơn Chủ tịch về món quà Noen mà Chủ tịch tặng chúng tôi ngày 24/12/1951, trước khi chúng tôi được tự do”(3).

Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1947-1950, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kháng chiến trong vòng vây kẻ thù, chưa có nước nào công nhận. Tuy nhiên, đến cuối những năm 40 của thế kỷ XX, cục diện thế giới có sự thay đổi, mở ra điều kiện thuận lợi cho sự kết hợp giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đi tới phá vỡ thế biệt lập của ta với bên ngoài. Từ Tuyên Quang và căn cứ địa Việt Bắc - đầu não kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng nhận thấy, cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Trung Quốc để các nước này giúp đỡ cách mạng Việt Nam và coi đây là hướng ưu tiên của ngoại giao trong kháng chiến. Ngày 02/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào bí mật đi thăm Trung Quốc, ngày 03/2/1950, Người bí mật thăm Liên Xô. Sau các chuyến thăm lịch sử này, Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước dân chủ nhân dân công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cam kết dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến.

Cùng với các chuyến thăm Trung Quốc, Liên Xô, mở rộng quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những hoạt động ngoại giao để thắt chặt tình hữu nghị giữa nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa, như: Gửi điện mừng tới Chính phủ các nước nhân ngày quốc khánh, những ngày lễ lớn của nước bạn hay ngày chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; gửi điện mừng và cảm ơn tới các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước các nước (Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Hunggary, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Anbani, Rumani) nhân dịp năm mới và chúc mừng ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ Tuyên Quang, ATK Việt Bắc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua chính sách ngoại giao đúng đắn, với tình cảm quốc tế vô tư, trong sáng, hình thành mặt trận đoàn kết ba nước Đông Dương. Tuyên Quang chính là nơi ở và làm việc của Chính phủ kháng chiến Lào, Mặt trận Lào yêu nước Ítxala những năm 1950-1951. Ngày 11/3/1951, tại Tuyên Quang đã diễn ra Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Cao Miên - Lào và thành lập khối liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương,… Những năm tháng ở Tuyên Quang và chiến khu Việt Bắc, đã diễn ra cuộc gặp gỡ và làm việc giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với một số nhà báo nổi tiếng của các nước Ôxtrâylia, Mỹ, phóng viên Hãng International News Servicenhiều báo chí nước ngoài, như: Frères D’Armes (Bạn chiến đấu), Tribune, Action, France Soir, France Tireur; Hãng thông tấn Anh Reuter, Hãng Telepress, Xtanlây Harixơn (Standley Harrisson); Hãng thông tấn Ăngtara (Inđônêxia). Qua đó, tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, làm cho bạn bè quốc tế thêm hiểu lập trường của Chính phủ ta và thiện chí của Nhân dân ta đối với bạn bè quốc tế.

Thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), gắn liền với đường lối quốc tế và chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Nhờ đó, Việt Nam bước đầu thiết lập được mối quan hệ nhất định với các nước trong khu vực, với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào đấu tranh đòi hoà bình và tiến bộ xã hội trên thế giới, gắn cuộc cách mạng nước ta với sự phát triển chung của cách mạng thế giới, tiến thêm một bước trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với quốc tế, dân tộc với thời đại để đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, ngày 5-9-1960.

(2). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 4, tr.72.

(3). Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, tập 5, tr.113.

Xem tin theo ngày:   / /