Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp bồi dưỡng giáo viên, giảng viên dạy lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh

Thứ Ba, ngày 4 tháng 6 năm 2024 - 08:30 Đã xem: 1955

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế nêu mục tiêu: "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả".

Ngày 28/3/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận số 94-KL/TW về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, Kết luận nhấn mạnh: "Tiếp tục đổi mới việc học tập (bao gồm cả nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giáo viên...) lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân có tầm quan trọng chiến lược, cần đặt trong tổng thể của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo".

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nêu yêu cầu: "Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương".

Như vậy, công tác dạy và học lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân được Đảng ta rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh yêu cầu đổi mới về chương trình, giáo trình, tài liệu học tập, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng rất được coi trọng. Kết luận số 94-KL/TW nhấn mạnh: "Đổi mới mạnh mẽ việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên lý luận chính trị, bảo đảm sát hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xây dựng cho được đội ngũ giáo viên lý luận chính trị tâm huyết, yêu nghề, tuyệt đối trung thành, có niềm tin, có kiến thức mới gắn với thực tiễn. Đây là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường".

Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Toạ đàm khoa học "Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Tuyên Quang"

Đại biểu dự Toạ đàm khoa học "Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Tuyên Quang"

Một số kết quả đạt được

Về phối hợp bồi dưỡng giảng viên của Trung tâm Chính trị cấp huyện: Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra hoạt động dạy và học của giảng viên của các Trung tâm, tham gia dự giờ, góp ý, rút kinh nghiệm bài giảng. Phối hợp tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh. Phối hợp tập huấn cho giảng viên Trung tâm Chính trị về phương pháp dạy học lý luận chính trị bằng hình thức trực tuyến (đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19). Phối hợp mở lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực cho giảng viên Trường Chính trị và giảng viên Trung tâm chính trị.

Trường Chính trị tỉnh ban hành hướng dẫn một số nội dung về chuyên môn đối với Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang bám sát Quyết định số 883-QĐ/TW ngày 24/11/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm Chính trị cấp huyện. Mời giảng viên Trung tâm Chính trị tham gia nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm khoa học cấp trường, cấp tỉnh. Phối hợp với Trung tâm Chính trị trong việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế của giảng viên tại cơ sở.

Giáo viên, giảng viên ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh.

Công tác phối hợp bồi dưỡng giáo viên, giảng viên dạy lý luận chính trị trong hệ thống chính trị đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên còn bộc lộ một số hạn chế: Việc trao đổi về chuyên môn chủ yếu là của giảng viên Trường Chính trị tỉnh với giảng viên Trung tâm Chính trị cấp huyện, các trường khác trong hệ thống giáo dục quốc dân (từ tiểu học tới đại học) còn ít. Việc hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn cho giảng viên các trung tâm chính trị (kỹ năng, phương pháp giảng dạy) còn chưa nhiều. Việc phối hợp trong công tác nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Đảng ta luôn xác định tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới việc học tập lý luận chính trị gắn với đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, nhằm tạo bước chuyến biến quan trọng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng ta và đạo lí, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. Trong đó, việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp bồi dưỡng giáo viên, giảng viên dạy lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh có vai trò rất quan trọng, thời gian tới các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Đảng về học tập lý luận chính trị, trọng tâm là Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân; thực hiện nghiêm các quy định về chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện. Nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên, giáo viên đối với công tác giáo dục lý luận chính trị theo đúng tinh thần của Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 đó là: đội ngũ giảng viên, giáo viên "là nhân tố quyết định sự thành công của việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong nhà trường".

Thứ hai, tăng cường trao đổi chuyên môn giữa giảng viên Trung tâm chính trị với giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Cụ thể: tăng cường hoạt động thao giảng, dự giờ, hội thi giảng viên dạy giỏi các cấp; tăng cường phối hợp tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền trên tất cả các mặt của công tác dạy và học lý luận chính trị. Tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy lý luận chính trị.

Ba là, nghiên cứu cơ chế phối hợp bồi dưỡng giáo viên, giảng viên dạy lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh. Tạo diễn đàn để đội ngũ giáo viên, giảng viên được trao đổi về học thuật, kỹ năng, phương pháp dạy và học phù hợp với từng đối tượng.

Trước mắt cần tổng hợp số lượng giáo viên, giảng viên dạy lý luận chính trị, lắng nghe nguyện vọng, chia sẻ, khắc phục những khó khăn, hỗ trợ họ trong quá trình dạy và học (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Chính trị tỉnh).

Tăng cường trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp dạy và học; công tác đổi mới hình thức ra đề thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập.

Bốn là, nghiên cứu việc phối hợp trong trao đổi giáo viên, giảng viên giữa các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trước mắt là giữa giảng viên của Trường chính trị tỉnh và trung tâm chính trị, các trường đại học, cao đẳng trên nguyên tắc bảo đảm bằng cấp, trình độ chuyên môn và khả năng của giảng viên, giáo viên. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, giảng viên cục bộ đồng thời nâng cao trình độ của giáo viên, giảng viên.

Năm là, tiếp tục hoàn thiện về chương trình, giáo trình, tài liệu dạy và học lý luận chính trị; hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị, trung tâm chính trị và các đơn vị giảng dạy lý luận chính trị của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Thống nhất nội dung giảng dạy về lịch sử, công tác xây dựng hệ thống chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ở các cấp học.

Đào Việt Dũng

Xem tin theo ngày:   / /