Ngày Môi trường thế giới là cơ hội cho tất cả mọi người cùng  bảo vệ trái đất của sự biến đổi khí hậu

Thứ Tư, ngày 5 tháng 6 năm 2024 - 17:49 Đã xem: 876

Môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với con người ở tất cả các quốc gia và trong mọi hoàn cảnh. Ngày Môi trường thế giới là cơ hội cho tất cả mọi người nhận thấy trách nhiệm bảo vệ trái đất của hiện tượng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống trên trái đất.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Năm 1972, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 5/6 để kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới và giao cho chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi (Kenya) tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Ngày này cũng đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Stockholm về môi trường con người (5/6/1972) và là ngày ra đời của chương trình môi trường của Liên hợp quốc.

Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1972 và đã phát triển theo thời gian để trở thành một trong những phương tiện truyền thông chính mà qua đó Liên hợp quốc tăng cường nhận thức về môi trường trên toàn thế giới. Đây là một sự kiện thường niên với các hoạt động môi trường tích cực nhất trên phạm vi toàn thế giới, thu hút công chúng đến các vấn đề môi trường.
Đây cũng là dịp để thúc đẩy việc ký kết, phê chuẩn các công ước quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đồng thời, tăng cường sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường. Với ý nghĩa thiết thực và nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, ngày Môi trường Thế giới ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng chứng có thể thấy rõ là số nước hưởng ứng sự kiện này ngày càng tăng, danh sách các thành phố, các doanh nghiệp và cộng đồng hưởng ứng ngày càng nhiều [1].

Ngày Môi trường thế giới 5/6/ 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định [2].

Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và sinh thái của từng vùng; tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn. Các địa phương tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc; tăng cường bổ sung kinh phí, nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán.

Tỉnh Tuyên Quang có độ che phủ rừng trên 65%, đang là bể chứa các-bon khổng lồ. Đây là nguồn lực mới đóng góp cho việc bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện các mục tiêu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu và cam kết Netzero của Việt Nam với thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên cả nước có khoảng 3 vùng đã sẵn sàng giao dịch tín chỉ carbon từ rừng. Vùng có trữ lượng lưu giữ carbon lớn nhất là vùng Đông Bắc - trong đó có Tuyên Quang - 21 triệu tấn carbon mỗi năm. Việt Nam đang có tới 50 triệu tín chỉ CO2 rừng có thể đem bán mỗi năm.Với giá bán 5USD/tín chỉ, tương đương 250 triệu USD/năm - một nguồn thu lớn từ rừng. Để chuẩn bị tham gia thị trường tín chỉ carbon, Chính phủ đã thực hiện các bước chuẩn bị để thí điểm giao dịch từ năm 2025 và năm 2028 trở đi sẽ phát triển sàn giao dịch các bon trong nước và cả quốc tế.

Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời ở các địa phương của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.

Đỗ Hồng Thanh

1. Khánh Linh, Ngày Môi trường Thế giới (5/6/2016): “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 05/6/2016.

2. Hoàng Vân; Ngày Môi trường thế giới năm 2024: Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa; Tin tức, thông tấn xã Việt Nam, 13/05/2024.

 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 2808 | Trang: 1 trên tổng số 281 trang  
Xem tin theo ngày:   / /