Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thứ Ba, ngày 11 tháng 6 năm 2024 - 15:52 Đã xem: 1159

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh chính trị của địa phương.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Tỉnh Tuyên Quang có 07 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố và 06 huyện), 138 xã, phường, thị trấn, trong đó có 121 đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, (gồm 69 xã thuộc khu vực I; 09 xã thuộc khu vực II và 43 xã thuộc khu vực III). Dân số toàn tỉnh trên 876.452 người, trong đó người dân tộc thiểu số có 474.786 người, chiếm 54,1% tổng dân số.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên; cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành một số chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội như: Tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, trong đó tập trung cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc; Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025; Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách phát triển nông lâm nghiệp bền vững, xây dựng đường giao thông nông thôn, phát triển du lịch, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững: Các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng đặc biệt khó khăn. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2019-2023 là 7,11%; năm 2023, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 56 triệu đồng/người/năm (tăng 16,42 triệu đồng/người/năm so với năm 2019). Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được phát huy. Chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, quy mô trường, lớp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng mở rộng. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến; 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai phân bổ tổng số kinh phí 4.060 triệu đồng từ nguồn Trung ương hỗ trợ; các huyện thành phố đã thực hiện nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.707 hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo; Thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ tỉnh đã phân bổ 1.234,0 triệu đồng để thực hiện các nội dung về bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Pà Thẻn và thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, thành lập các tổ hợp tác phát triển sản xuất trên địa bàn các xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa và xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình; hỗ trợ vay vốn để tạo quỹ đất sản xuất và chuyển đổi nghề: Các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Lâm Bình đã thực hiện cho 110 hộ vay vốn; tổng số vốn đã cho vay là 4.921 triệu đồng….. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được quan tâm thực hiện; nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai... Từ đó, đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và đường lối đổi mới của Đảng, chính sách của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc; niềm tin của đồng bào đối với cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng được nâng lên.

Những kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với những vấn đề thiết thực trong cuộc sống Nhân dân. Hình thức tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục có sự thay đổi phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng vùng, từng đối tượng. Năm 2023: Các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 12.440 buổi tuyên truyền với hơn một triệu lượt đại diện hộ gia đình tham dự; Biên soạn, in ấn 148 pa nô; Tổ chức 17 lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 1.663 lượt người; tổ chức 65 hoạt động truyền thông, tuyên truyền cho 28.100 lượt người; cung cấp 874 tờ rơi, 47 sổ tay, tuyên truyền; Biên soạn, in ấn 4.448 cuốn tài liệu, xây dựng, phát sóng 05 phóng sự tài liệu, 15 video clip, câu truyện truyền thanh, kịch truyền thanh trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh…. Các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước có bước phát triển mới, hướng mạnh về cơ sở với nhiều cách làm thiết thực, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo, đóng góp của Nhân dân. Các chương trình phát triển sản xuất, văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm lo cho gia đình chính sách, công tác nhân đạo, từ thiện, khuyến học, khuyến tài, xây dựng nông thôn mới được Nhân dân đồng thuận cao; nhiều mô hình có hiệu quả như tổ tự quản, tổ hòa giải, tổ an ninh quốc phòng, khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội… gắn với giải quyết những vấn đề thiết thực trong cuộc sống của người dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có mặt còn khó khăn; một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội chưa thật sự chú ý, coi trọng công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nội dung, hình thức chưa thật sự đổi mới, chưa gắn với thực tiễn, nhu cầu thông tin và tâm lý tiếp nhận thông tin; chưa phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền, vận động ở cơ sở. Trong khi đó, một số phần tử xấu trên địa bàn tỉnh tìm cách lợi dụng những khó khăn trong đời sống, sản xuất và sự thiếu hiểu biết về chủ trương, pháp luật của một bộ phận đồng bào để đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội các nội dung sai trái, xuyên tạc, gây hoài nghi, hoang mang, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân, gây mất ổn định chính trị, ảnh hưởng đến việc giữ gìn và củng cố khối đoàn kết các dân tộc, an ninh trật tự ở cơ sở.

Do vậy, công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn là nhiệm vụ quan trọng và phải làm thường xuyên; trong đó cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm thiết thực, phù hợp với từng đối tượng theo Chương trình hành động số 37-CTr/TU ngày 03/3/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị giai đoạn mới; đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU ngày 30/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiếu số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023-2030, đây sẽ là lực lượng có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hai là, phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín, trưởng các thôn, bản người dân tộc thiểu số. Có thể khẳng định rằng, họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là người tích cực, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, thực hiện và vận động đồng bào hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống;  phòng, chống các âm mưu chống phá đất nước của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác thông tin, tuyên truyền. Để công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả cao, người làm công tác tuyên truyền phải hiểu rõ, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề, nội dung cần tuyên truyền; trong đó, chú trọng nội dung, cách thức tuyên truyền đối với từng đối tượng theo hướng ngắn, gọn, dễ hiễu, dễ làm; lựa chọn những vấn đề sát với đời sống, sản xuất và giải quyết các vấn đề bức xúc của đồng bào. Bên cạnh đó, chính quyền cần quan tâm đầu tư về phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác tuyên truyền gắn với chính sách khen thưởng, động viên, chia sẻ đối với các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tự lực, tự cường của đồng bào trong việc phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, đời sống; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đồng bào, có khả năng làm thay đổi, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào.

Sáu là, tập trung giải quyết tốt những vấn đề kinh tế - xã hội, ổn định phát triển sản xuất, cải thiện đời sống Nhân dân, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được coi là yếu tố then chốt nhằm tăng cường niềm tin của đồng bào đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo tiền đề vững chắc củng cố khối đoàn kết các dân tộc, an ninh trật tự ở cơ sở.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ là động lực góp phần để đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức, khát vọng vươn lên, phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh./.

Hồng Hải

Xem tin theo ngày:   / /