Cảnh giác trước quan điểm sai trái về đường lối đối ngoại của Việt Nam

Thứ Ba, ngày 11 tháng 6 năm 2024 - 15:58 Đã xem: 1089

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ xa xưa đã hình thành một nền đối ngoại, ngoại giao độc đáo, mang đậm truyền thống, bản sắc dân tộc.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Đó là nền ngoại giao hòa bình, hòa hiếu, tinh tế, uyển chuyển, nhân ái nhưng đặc biệt kiên quyết, kiên trì để giữ gìn, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Kế thừa truyền thống ngoại giao của cha ông, từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nên đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực của Việt Nam có phần đóng góp quan trọng của đường lối đối ngoại, ngoại giao thời kỳ đổi mới đất nước. Tuy nhiên, trên không gian mạng hiện nay đang xuất hiện một số quan điểm, bài viết không khách quan về đường lối đối ngoại của Việt Nam, gây  nhiều tranh cãi, như:

Một là, cho rằng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã “lỗi thời, không còn phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay”, “Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “bảo thủ”, ‘tự mình cô lập mình”, “tự tách ra khỏi dòng chảy của thế giới bên ngoài”, trở thành “lực cản đối với sự phát triển đất nước”(1)

Hai là, bóp méo thông tin, quy chụp mối quan hệ Việt Nam với các nước lớn dưới chiêu bài xuyên tạc, kích động hận thù, chia rẽ. Họ cho rằng Việt Nam đang dùng “đường lối trung dung” trong quan hệ với các nước lớn; “Việt Nam đang thiết lập liên minh mới để đối phó với những quốc gia đang gây áp lực với mình”, ngấm ngầm “theo chân nước này chống nước kia…”(2).

Ba là, đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, kêu gọi Việt Nam cần tham gia các tổ chức quân sự, các liên minh quân sự quốc tế để tăng thêm thế lực, cho rằng “ Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” là tự trói tay mình, “không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”(3).

Bốn là, kêu gọi Việt Nam thực hiện đa đảng, cho rằng nếu chỉ có một Đảng duy nhất cầm quyền thì không thể hội nhập với thế giới được.

Trước các luận điệu trên, chúng ta cần khẳng định như sau:

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập, đường lối của cách mạng đã được khẳng định là “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, dựa vào sức mình là chính. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, chúng ta cũng đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân các nước, nhưng sức mạnh chính để dẫn đến thành công vẫn là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong giai đoạn đổi mới, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, sẵn sàng là bạn, là đối tác với tất cả các nước trên tinh thần độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hai bên đều có lợi. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới; 193 nước và vùng lãnh thổ, hơn 1.200 tổ chức, đối tác nước ngoài, tạo điều kiện thu hút đầu tư, mở rộng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…, đó không thể là “lực cản” đối với sự phát triển đất nước.

Trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt với các nước lớn, Việt Nam luôn có chính kiến, mềm dẻo, linh hoạt, tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo vệ hòa bình và các giá trị tiến bộ của nhân loại. Việt Nam luôn có ý thức giữ gìn hòa bình khu vực và thế giới, không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào, nhưng cũng kiên quyết trước các hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước đối với Việt Nam, không “theo chân nước này chống nước kia” như các thế lực thù địch đơm đặt.

Việt Nam không trông chờ, phụ thuộc vào nước khác trong việc gìn giữ hòa bình, độc lập cho mình. Thực tế lịch sử chưa có đất nước nào trông chờ vào sự giúp đỡ của nước ngoài mà lại có độc lập, tự do thực sự. Người Việt Nam luôn ghi nhớ và thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”(4) . Đồng thời, muốn thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, phải nâng cao “thực lực” của mình. “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”(5). “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến”. Việt Nam cũng không tham gia các “tổ chức quân sự, liên minh quân sự quốc tế”. Trước các cuộc xung đột, chúng ta luôn kêu gọi hòa bình, theo phương châm “không chọn bên, mà chọn lẽ phải”.

Việt Nam không cần đa nguyên, đa đảng vì không mang lại hạnh phúc cho Nhân dân. Chúng ta đang thực hiện một Đảng duy nhất cầm quyền, đất nước đang ổn định và phát triển, chưa bao giờ có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, vậy thì vì sao phải đa đảng? Với đường lối “ngoại giao cây tre” mềm mại, khôn khéo, kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên định trước mọi thử thách, biết mình, biết người, “tùy cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”, chúng ta có đủ căn cứ để tin tưởng rằng đường lối ngoại giao của Đảng ta là hoàn toàn phù hợp. Trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự thay đổi nhanh chóng của thế giới và khu vực như hiện nay, để có thế tồn tại và phát triển, chúng ta buộc phải có đường lối đối ngoại “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, uyển chuyển, phù hợp, nhưng kiên quyết, kiên trì, giữ vững bản chất của chủ nghĩa xã hội. Quan điểm về đường lối đối ngoại của Việt Nam như các thế lực thù địch đơm đặt là những nhận xét thiếu khách quan, không có cơ sở, nhất định sẽ bị tẩy chay.

Nguyễn Nhung

Nguồn: Sổ tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, NXBLLCT, 2023

(1),(2),(3): Sđd, trang 200-202

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021,tập 7, trang 445

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập 4, trang 147

Xem tin theo ngày:   / /