Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng phát triển đất nước

Thứ Năm, ngày 20 tháng 6 năm 2024 - 13:58 Đã xem: 1362

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962: Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

 

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu sự nghiệp báo chí từ năm 1917 khi trở lại Pháp, sử dụng báo chí để đấu tranh cho độc lập dân tộc. Người đã viết nhiều bài báo trên các tờ báo nổi tiếng ở Pháp và xuất bản báo Le Paria năm 1922. Cuối năm 1924, sau khi trở về từ Trung Quốc, Người đích thân chuẩn bị xuất bản báo Thanh niên và mở các lớp huấn luyện cách mạng.

 Ngày 21/6/1925, tại số nhà 13, đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc, tờ báo Thanh Niên do Người sáng lập đã ra mắt số đầu tiên. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, đã trở thành công cụ quan trọng để truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, khơi dậy ý thức đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội [1].

Tại thời điểm này, báo Thanh Niên được chuyển về Việt Nam qua nhiều con đường bí mật và nhanh chóng lan rộng trong Nhân dân. Những bài viết trên báo Thanh Niên đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng, hướng dẫn Nhân dân Việt Nam con đường đấu tranh giành độc lập và khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là bước quan trọng để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 02/6/1950, Chính phủ quyết định thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà Báo Việt Nam. Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí Quốc tế (OIJ) đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hội nhập báo chí Việt Nam với quốc tế.

Ngày 05/02/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW, chính thức lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định vai trò to lớn của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam [2].

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hàng loạt các báo, tạp chí lần lượt ra đời như: Cứu quốc, Nhân Dân, Thông tấn xã, Giải phóng, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Văn nghệ, Tiền phong, Lao động... và Đài Tiếng nói Việt Nam đã phục vụ tích cực cho công tác xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Ngoài các cơ quan báo chí đã có như báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hàng loạt tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền thanh đã ra đời từ Trung ương, các ngành, đoàn thể, đến các thành phố, tỉnh, huyện. Một số tờ báo tiếng nước ngoài đã được xuất bản để giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần đấu tranh trên mặt trận ngoại giao [3].

Sau khi thống nhất đất nước, năm 1975, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình phát triển rộng khắp, từ trung ương đến địa phương, phục vụ nhu cầu thông tin của các tầng lớp Nhân dân. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, đa dạng, từ việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến việc phản ánh nguyện vọng của Nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Báo chí cũng trở thành vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch, đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ lợi ích của Nhân dân.

Đến tháng 12/2023, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí đã có tới 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 là 20.508 trường hợp. Cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực (Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). Có 15 cơ quan báo chí nằm trong cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện và 127 cơ quan báo; 671 cơ quan tạp chí. Cả nước có 72 cơ quan hoạt động phát thanh (báo nói), truyền hình (báo hình), gồm: 2 Đài quốc gia (VOV và VTV); 64 Đài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 1 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (trực thuộc Đài VOV) và 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Báo Nhân Dân, QHVN, ANTV, VNews, PTTH Quân đội). Trong 72 Đài phát thanh truyền hình, có 3 đơn vị là VTV, Vnews và HTV được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài…[4].

Trong thời kỳ hội nhập và đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí cách mạng Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo nên một nền báo chí đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của xã hội.

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là dịp để tôn vinh những người làm báo và cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại chặng đường lịch sử đầy tự hào của Báo chí cách mạng Việt Nam. Với những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong xã hội. Chúng ta tin tưởng rằng, với tinh thần cách mạng, sự nhiệt huyết và lòng yêu nước, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Đỗ Hồng Thanh

1. Minh Anh; Ngày 21-6-1925: Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; Quân đội Nhân dân, Cơ quan của quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và Nhân dân Việt nam, 21/6/2022.

2. Thanh Tuấn, Thu Trang; Nhìn lại lịch sử ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6; Bộ Nội vụ, 02/9/2016.

3. Trần Công Huyền; Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước; Xây dựng Đảng, Tạp chí nghiên cứu hướng dẫn công tác tổ chức xây dựng Đảng của Ban Tổ chức trung ương, 20/6/2023.

4. Minh Duyên; Công tác báo chí năm 2023: nhiều kết quả nổi bật; Nhân vật -Sự kiện, chuyên trang tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam, 21/12/2023.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem tin theo ngày:   / /