Tuyên Quang quan tâm, xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số

Thứ Năm, ngày 27 tháng 6 năm 2024 - 10:30 Đã xem: 2014

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để lĩnh vực văn học, nghệ thuật phát triển. Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai để phát triển văn học, nghệ thuật. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh từng bước trẻ hóa, được đào tạo đầy đủ về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng sáng tác, biểu diễn, giàu lòng yêu nước, tự hào dân tộc và truyền thống quê hương cách mạng, tâm huyết với nghề.

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh được thành lập từ năm 1982; hơn 40 năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu loại hình. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hiện có 152 hội viên; trong đó trên 20 hội viên là người dân tộc thiểu số. Chi hội Văn nghệ dân gian và Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Tuyên Quang hiện có 06 hội viên đang sinh hoạt tại Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang đang ngày càng khẳng định vai trò tập hợp văn nghệ sỹ sáng tạo, sưu tầm, nghiên cứu những giá trị văn học nghệ thuật về vùng đất Tuyên Quang và đồng bào các dân tộc thiểu số.

Một số cuốn sách tập hợp các tác phẩm văn học nghệ thuật của các tác giả ở Tuyên Quang

Văn học các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua đã hình thành và phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn từ 1982 đến nay, theo kết quả thống kê của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có tổng số 10.076 tác phẩm văn học nghệ thuật; trong đó có 9.300 tác phẩm sáng tác về đề tài dân tộc miền núi, chiếm tỷ lệ  92,3% trong tổng số các tác phẩm; có khoảng gần 200 tác giả tại Tuyên Quang tham gia sáng tác về đề tài dân tộc miền núi, trong đó có những gương mặt tiêu biểu chuyên viết về đề tài này và đã có nhiều tác phẩm đạt giải tại các cuộc thi khu vực và toàn quốc như: hoạ sỹ Văn Làn; hoạ sỹ Nguyễn Văn Đức, nhà văn Đinh Công Diệp, nhà thơ Mai Liễu...

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng đã tập hợp được các tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về đề tài dân tộc thiểu số trong một số cuốn sách đã được xuất bản như: “Văn nghệ Tuyên Quang một chặng đường”, “Thơ văn Tuyên Quang 2016-2021”...; bên cạnh đó còn có một số nhà nghiên cứu về văn học nghệ thuật Tuyên Quang đã tập hợp các tác phẩm viết về đề tài dân tộc thiểu số như Trần Thị Lệ Thanh với cuốn sách “Văn học Tuyên Quang thời kỳ đổi mới (1986-2006) tác phẩm và dư luận...

Trong các tác phẩm viết về các dân tộc thiểu số ở tỉnh Tuyên Quang nội dung rất phong phú, sinh động; đa dạng về hình thức như: Tiểu thuyết, thơ, văn xuôi, bút ký... Hoặc một số nghệ sỹ đã dàn dựng những tiểu phẩm, điệu múa, bản nhạc dựa trên chất liệu dân gian, bắt nguồn từ văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Từ năm 2009Ban Tuyên giáo Trung ương phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, hưởng ứng hoạt động này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì đồng hành cùng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ của tỉnh triển khai tổ chức có hiệu quả giải thưởng, góp phần thiết thực trong công tác tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng về các tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dành được nhiều kết quả trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 15 năm triển khai, đã thu được trên 3.000 tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí tham gia; có trên 300 tác phẩm được trao Giải thưởng của Trung ương và của tỉnh; trong đó có rất nhiều tác phẩm viết về đề tài miền núi và các dân tộc thiểu số.

Trong số các giải thưởng đạt được sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức có các tác giả đạt giải cao khi sáng tác về chủ đề Bác Hồ với đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang như:

Về lĩnh vực kiến trúc có cụm tác phẩm Tượng đài: Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang của nhóm các tác giả Lê Lạng Lương, Nguyễn Hồng Phong, Phạm Bá Đua (trao giải năm 2015).

Về lĩnh vực văn học có các tác phẩm: Tiểu thuyết “Rừng có tiếng người” của cố nhà văn Đinh Công Diệp; tiểu thuyết “Rễ rừng” của Đỗ Anh Mỹ (trao giải năm 2023).

Tuyên Quang có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và lịch sử văn hóa lâu đời; từ các chất liệu hiện thực của mảnh đất lịch sử, giàu bản sắc văn hoá; các tác giả ở Tuyên Quang đều có ý thức trách nhiệm với công việc sáng tác, nhất định sẽ sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Hoàng Mai

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 128 | Trang: 1 trên tổng số 13 trang  
Xem tin theo ngày:   / /