Đại hội XIII của Đảng tiếp tục quán triệt và phát triển quan điểm "lấy dân làm gốc"
1. “Dân là gốc” trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam
Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ độc lập, chủ quyền như Việt Nam. Từ những phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân trong hơn 1.000 năm Bắc thuộc, đến ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên của nhà Trần, cuộc đấu tranh chống quân Minh xâm lược thời nhà Lê, rồi phong trào Tây Sơn đánh bại quân Thanh, hơn 80 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... đã thể hiện rõ điều đó.
Trong hàng ngàn năm xây dựng cơ đồ của dân tộc, lòng tin của Nhân dân trở thành “Quốc bảo”, sức mạnh của Nhân dân là nền tảng để giữ vững nền độc lập và thúc đẩy phát triển đất nước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mang đậm tư tưởng dân chủ và tính nhân văn sâu sắc, yêu nước gắn liền với yêu dân và ý thức cộng đồng, phản ánh tư tưởng chủ đạo: Nước lấy “Dân là gốc” trong văn hóa chính trị Việt Nam. Bằng tầm nhìn chiến lược, với quyết tâm xây dựng một quốc gia độc lập, hùng cường, năm 1010, Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ vùng núi non hiểm trở (Ninh Bình), địa thế chật hẹp ở Hoa Lư về Đại La (Hà Nội) và đổi tên là thành Thăng Long. Điều này chứng tỏ "thế mới” của một quốc gia độc lập mà Lý Thái Tổ đã khẳng định trong Chiếu dời đô “Đóng nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế lâu dài cho con cháu mai sau”. Thế kỷ XIII, với tư tưởng tiến bộ của Trần Hưng Đạo “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức”, “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”, nhà Trần đã thực hiện “cử quốc nghênh địch”, định hướng và phát huy cao độ lòng yêu nước của toàn dân để ba lần đánh thắng quân xâm lược Mông - Nguyên. Những năm đầu thế kỷ XV, qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh, Nguyễn Trãi đã minh định và sáng tỏ: “Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Lật thuyền mới biết dân như nước”... Từ đó, Nguyễn Trãi cùng các vị vua giàu tâm huyết và trí tuệ thời Lê Sơ đã chăm lo xây dựng thống nhất, đồng bộ các yếu tố “dân giàu, nước mạnh, binh cường”, thực thi nhiều việc làm nhân nghĩa cốt để dân yên và duy trì thế nước yên. Vào thế kỷ XVIII, công cuộc giữ nước đòi hỏi tư duy chiến lược mới là phải chủ động “giữ cho trong ấm, ngoài êm”, kết hợp trấn áp thù trong với đánh giặc ngoài. Dưới sự lãnh đạo của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, lòng yêu nước của Nhân dân ta được phát huy cao độ trong đấu tranh xóa bỏ cục diện Trịnh - Nguyễn phân tranh, thống nhất Tổ quốc, đánh thắng quân xâm lược ở hai đầu đất nước.
Đầu thế kỷ XX, các nhà Nho duy tân đã kế thừa những quan điểm về dân của các bậc tiền bối trong lịch sử, từ đó phát triển lên một bước mới trong điều kiện hoàn cảnh mới. Nhận thức được vai trò của quần chúng Nhân dân, các nhà Nho thời kỳ này chú trọng đến vai trò của văn hóa tư tưởng, đến công cuộc đổi mối tư duy cho Nhân dân, xây dựng con người mới. Tiêu biểu cho quan niệm này là chí sĩ Phan Bội Châu, ông đề cao vai trò làm chủ đất nước của Nhân dân và để Nhân dân phát huy được quyền làm chủ của mình thì phải xây dựng con người, xây dựng tư tưởng mối cho Nhân dân. Theo ông biện pháp hiệu quả nhất là “tự tân”. Như vậy rõ ràng tư tưởng đồng nhất dân với quốc dân, từ quân chủ sang dân chủ, từ quân quyền sang dân quyền, từ tôn quân sang tôn dân... là sự chuyển biến tích cực, mới mẻ trong tư tưởng của Phan Bội Châu.
2. “Dân là gốc” - quan điểm nhất quán trong quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Kế thừa và phát triển tư tưởng “Dĩ dân vi bản” trong truyền thống lịch sử của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò hết sức quan trọng của Nhân dân. Người đề cao vai trò “tối thượng” của Nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(1). Người chỉ rõ: Dân là “gốc của nước”, “Gốc có vững cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(2). Người khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng rộng lớn và khó thực hiện; nó không thể do một người hay một nhà làm mà tốt được”(3), “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”(4), từ đó Người chỉ rõ: “có dân sẽ có tất cả”, “có dân việc gì cũng xong”. “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”, từ đó, Người dạy cán bộ: “Ta quan tâm đời sống quần chúng thì quần chúng sẽ theo ta. Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác”(5).
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn quân, toàn dân ta vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cả dân tộc Việt Nam đã anh dũng chiến đấu làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mang tinh thần: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã chung sức, đồng lòng viết nên một bản anh hùng ca của tình ruột thịt Bắc - Nam và khát vọng mãnh liệt của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, không bao giờ bị khuất phục trước mọi kẻ thù, lập nên những chiến công chói lọi, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Xuất phát từ những kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của dân tộc, kế thừa những giá trị đúc kết tư tưởng “Dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày nay, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Dân là gốc” là bài học kinh nghiệm hàng đầu, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là cơ sở cho việc hoạch định đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) một trong bốn bài học lớn được Đảng rút ra là: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”(6). Bài học này tiếp tục được quán triệt sâu sắc trong các kỳ Đại hội tiếp theo. Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.
Thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mang tầm vóc và ý nghĩa là một cuộc cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, qua những năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thổng chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đánh giá những kết quả đạt được, tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và nhìn lại 35 năm đổi mới, đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết qảu của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta”.
Có được những thành tựu trên đây là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn nhất quán coi trọng bài học “Dân là gốc”, mọi đường lối, chủ trương của Đảng xuất phát từ nguyện vọng, phù hợp lợi ích của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực thực hiện. Đảng ta đã nhận thức, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời nhạy bén, sáng tạo, kịp thời đưa ra những chủ trương, quyết sách phù hợp cho từng giai đoạn cách mạng, khi tình hình thế giới và trong nước thay đổi. Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đường lối đổi mới.
Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, những âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, tác động mặt trái của kinh tế thị trường, nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn biến phức tạp, làm cho quan hệ giữa Đảng và Nhân dân có mặt bị giảm sút. Vì vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là phải củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân. Có như vậy, tư tưởng chính trị - bài học lịch sử quý giá “Dân là gốc” mới thực sự coi trọng và phát huy.
Nguyễn Văn Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.10, tr.453.
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.502.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr.513.
(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.672.
(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.434.
(6). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47, tr.362.