Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tố Hữu với các cháu thiếu nhi và cán bộ, nhân viên Nha Thông tin tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tháng 3/1952. Ảnh: Tư liệu
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương rời Thủ đô Hà Nội chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Năm 1947, đồng chí Tố Hữu được điều động lên Việt Bắc phụ trách công tác văn nghệ và là Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Trung ương. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đồng chí được giao đảm nhiệm nhiều trọng trách trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ. Đồng chí đã hòa mình cùng cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, tiên phong truyền đạt tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, động viên đội ngũ cán bộ tuyên huấn và đội ngũ văn nghệ sỹ sẵn sàng xông pha nơi chiến trường với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo: Mọi hoạt động của công tác tuyên truyền lúc này nhằm vào khẩu hiệu “yêu nước và căm thù giặc”, Ban Tuyên truyền Trung ương đã lấy việc phổ biến sâu rộng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” làm nội dung chủ yếu và phổ biến cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, để nâng cao ý chí, niềm tin và hành động của Nhân dân.
Để tăng cường về mọi mặt cho cuộc kháng chiến, ngày 15/01/1948, Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị mở rộng. Hội nghị đã quyết định kiện toàn tổ chức, bằng việc lập ra các ban chuyên trách (giúp việc cho Trung ương) như: Ban Tuyên truyền, Đảng vụ, Kiểm tra, Dân vận. Đồng chí Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo Ban Tuyên truyền và Báo Sự thật. Tại các liên khu, hệ thống Ban Tuyên truyền, cổ động nhanh chóng được kiện toàn và đi vào hoạt động theo sự chỉ đạo về mặt chuyên môn của Ban Tuyên truyền Trung ương. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ hình thành các cơ quan như: Tuyên truyền, văn hóa, giáo dục, báo chí… tạo ra một bước phát triển mới trong công tác tư tưởng của Đảng phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Ngày 05/12/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 50/NQ/TW về việc tổ chức lại các bộ và các ban giúp việc cho Trung ương Đảng gồm: Bộ Tổ chức và các Ban Kinh tế, Ban Tuyên huấn, Ban Kiểm tra… Theo Nghị quyết số 50/NQ/TW của Thường vụ Trung ương Đảng, Ban Cổ động - Tuyên truyền được đổi tên thành Ban Tuyên huấn Trung ương. Từ ngày 21 đến ngày 24/02/1949, Hội nghị Tuyên huấn Trung ương lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Bắc. Hội nghị đã quyết định thành lập trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Ngày 05/6/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng có Quyết định số 63B/QĐ/TW về việc thành lập Ban Văn hóa Trung ương thuộc Ban Thường vụ Trung ương gồm các Ban: Khoa học, Giáo dục, Văn nghệ. Ban Văn nghệ gồm các đồng chí Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng. Cuối năm 1949, đồng chí Tố Hữu đến ở, làm việc tại thôn Thia, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Ngày 14/9/1950, Trung ương có Quyết định số 55/QĐ/TW về tổ chức Ban Tuyên truyền và Ban Giáo dục Trung ương Đảng. Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng có nhiệm vụ lãnh đạo công tác tuyên truyền trong đảng và ngoài đảng ở các bộ phận: Nha Thông tin; Hội Văn nghệ; Hội Mác; báo chí; tuyên truyền bộ đội; tuyên truyền mặt trận và các đoàn thể quần chúng... Ban do đồng chí Trường Chinh phụ trách và các đồng chí: Tố Hữu là Trưởng ban, Trần Văn Giàu là Phó Trưởng ban.
Đầu năm 1951, Đồng chí Tố Hữu chuyển đến ở, làm việc tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Từ ngày 11 đến 19/02/1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng diễn ra tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình) huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.
Tham dự Đại hội, đồng chí Tố Hữu trình bày bản Báo cáo Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam. Báo cáo gồm 3 nội dung chính: Nội dung thứ nhất điểm lại vốn cũ của văn nghệ Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám với hai dòng phong kiến và bình dân, văn nghệ dưới thời Pháp thuộc. Nội dung thứ hai đề cập tới những thành tựu bước đầu của văn nghệ Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám. Nội dung trọng tâm của báo cáo ở phần 3 đề cập đến những nhiệm vụ cụ thể để xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam. Báo cáo khẳng định triển vọng tốt đẹp của văn nghệ nhân dân Việt Nam: “Giữa hoàn cảnh đấu tranh gian khổ của một dân tộc mà nền kinh tế của đất nước còn lạc hậu, lâu năm bị thực dân đô hộ, bao nhiêu năm bị nghẽn đường liên lạc quốc tế, nền văn nghệ mới của nhân dân Việt Nam đang chập chững đi những bước đầu, nhưng hướng đi của nó đã đúng, đà tiến của nó đang mạnh”(1). Tại Đại hội, đồng chí Tố Hữu được bầu là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.
Sau Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, Ban Tuyên huấn Trung ương được thành lập do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh làm Trưởng ban, đồng chí Tố Hữu làm Phó Trưởng ban. Ngày 10/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38/SL, sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Thủ tướng phủ và Sắc lệnh số 39/SL, bổ nhiệm đồng chí Tố Hữu giữ chức Giám đốc Nha Thông tin thuộc Thủ tướng phủ thay đồng chí Trần Văn Giàu nhận công tác khác. Đầu năm 1952 đồng chí Tố Hữu và Ban Tuyên huấn Trung ương đặt trụ sở làm việc tại thôn Thia, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Thi hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ II của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để tăng cường chất lượng công tác tư tưởng, ngày 05/10/1951, Ban Tuyên huấn Trung ương lập thêm các Tiểu ban: Huấn học; Biên tập; Giáo dục; Văn nghệ. Đồng chí Tố Hữu làm Thư ký Tiểu Ban Văn nghệ.
Với trách nhiệm của cơ quan giúp việc cho Trung ương Đảng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, đồng chí Tố Hữu và cán bộ, nhân viên Ban Tuyên huấn Trung ương đã đảm nhiệm và hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong điều kiện kháng chiến khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Trung ương Đảng đã giao phó.
Năm 1952, Ban Tuyên huấn Trung ương đã mở những đợt học tập nghị quyết, chỉnh huấn, bồi dưỡng nhận thức cho các văn nghệ sĩ, với quan điểm: "Nhân dân ta đang đòi hỏi những tác phẩm có giá trị, phản ánh chân thực cuộc sống và chiến đấu của mình, đồng thời đề ra và giải quyết đúng đắn những vấn đề nóng hổi về tình cảm và tinh thần, nêu cao lý tưởng của Đảng và soi sáng phương hướng đấu tranh của giai cấp công nhân và của Chủ tịch Hồ Chí Minh ta”(2).
Thấm nhuần đường lối văn hóa, tư tưởng của Đảng, cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ đã đi sâu vào đời sống của nhân dân, tham gia vào các chiến dịch, công tác vùng địch hậu, hay tham gia phát động quần chúng thực hiện giảm tô. Qua đó, đã tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ đi sâu vào đời sống của nhân dân, đời sống kháng chiến, trau dồi tình cảm giai cấp, có vốn sống thực tiễn phong phú để sáng tác, nâng cao tư tưởng, nội dung trong tác phẩm.
Đầu năm 1952, Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc được tổ chức tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội tổng kết thành tích thi đua yêu nước trong cả nước từ năm 1945 đến năm 1951. Sau Đại hội, việc đẩy mạnh tuyên truyền các gương anh hùng, chiến sĩ thi đua, các cá nhân điển hình trong sản xuất và chiến đấu đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của cán bộ và nhân dân, đưa phong trào thi đua yêu nước lên một tầm cao mới.
Sau Hội nghị Tuyên huấn toàn quốc lần thứ nhất, từ đầu năm 1952, nhiều lớp chỉnh huấn chính trị đã được mở cho tất cả các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, cơ quan, nhà trường trong Quân đội… Đây là đợt học tập chính trị tập trung nhất, rộng lớn nhất kể từ ngày thành lập Quân đội ta. Đợt chỉnh huấn chính trị này đã bước đầu nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, hiểu rõ bản chất và nhiệm vụ Quân đội nhân dân, nâng cao lòng yêu nước, tăng cường đoàn kết quân dân quyết tâm chiến đấu đưa kháng chiến đến thắng lợi.
Trong thời kỳ hoạt động tại Tuyên Quang và căn cứ địa Việt Bắc, với cương vị một nhà chính trị lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ, tư tưởng của Đảng, nhà thơ Tố Hữu còn có những cống hiến nổi bật trên diễn đàn văn học đó là sáng tác thơ ca cách mạng. Tập thơ Việt Bắc (1946 - 1954) đã ra đời trong khói lửa kháng chiến giữa núi rừng Việt Bắc.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tháng 7/1954, đồng chí Tố Hữu được Trung ương giao cho nhiệm vụ phối hợp chuẩn bị ngay đội ngũ cán bộ chính trị, kinh tế, văn hóa và cả lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) để tiếp quản Thủ đô Hà Nội một cách tốt đẹp, hơn nữa tạo được sự phấn khởi cho đồng bào mới được giải phóng.
Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn tự hào có được những tháng năm gắn bó với đồng chí Tố Hữu và nhận được sự quan tâm của đồng chí. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô kháng chiến, tỉnh Anh hùng, học tập nhân cách, tấm gương cao đẹp của đồng chí Tố Hữu, một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang luôn phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng qua các thời kỳ cách mạng. Xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện thực hóa khát vọng đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Đó cũng chính là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với những cống hiến, công lao to lớn của đồng chí Tố Hữu và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Văn Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). Tố Hữu: Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta với thời đại ta, Nxb Văn học, 1973, tr.102.
(2). Viện Văn học: Mấy vấn đề lý luận văn học, Nxb Khoa học xã hội, 1970, tr.82.