Thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng đạo đức nhà giáo, đạo đức học sinh trong giai đoạn hiện nay

Thứ Hai, ngày 29 tháng 7 năm 2024 - 15:38 Đã xem: 6755

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong giáo dục, kiến thức là rất cần thiết, nhưng Người cũng chỉ ra rằng, đạo đức đóng vai trò quan trọng không kém. Người khẳng định: Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản... thì còn làm nổi việc gì? Bởi vậy, thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh xây dựng đạo đức nhà giáo, đạo đức học sinh có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát triển toàn diện nền giáo dục của nước nhà.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo

Sinh thời, Hồ Chí Minh dành sự quan tâm rất lớn đến giáo dục - đào tạo, và xác định đội ngũ nhà giáo chính là nhân tố quyết định thành công nền giáo dục mới, nền giáo dục cách mạng. Người khẳng định: "Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang" [1].

Tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12/6/1956, Người nói "Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang" [2]. Trong thư gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới (16/10/1968), Người nhấn mạnh lại "Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang" [3].

Đạo đức nhà giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm những phẩm chất cơ bản: Hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà giáo trong từng tình huống cụ thể. Hồ Chí Minh cho rằng: "Nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa" [4].

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo thể hiện ở những luận điểm sau:

Thứ nhất, phục vụ Tổ quốc gắn liền với phục vụ nhân dân. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, thầy, cô giáo phải là những người lấy việc phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc làm mục tiêu phấn đấu suốt đời; người thầy phải có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, phát huy dân chủ trong nhà trường.

Thứ hai, kính trọng nhân dân, tin vào sức mạnh của Nhân dân. Thầy giáo, cô giáo phải học ở Nhân dân, "không học nhân dân là một thiếu sót lớn"; "các thầy giáo, cô giáo phải gần gũi dân chúng" [5]. Nhà giáo luôn biết gắn bó với nhân dân, giúp đỡ nhân dân và yêu quý Nhân dân.

Thứ ba, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người thầy giáo phải là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức và tự học, đánh giá kết quả của người học phải khách quan, công bằng, không thiên vị, riêng tư. Hồ Chí Minh khẳng định: "Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu hậu lạc" nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng" [6].

Thứ tư, yêu thương học trò và yêu nghề. Theo Hồ Chí Minh, người thầy giáo phải quan tâm, săn sóc học trò với tình cảm sâu nặng như ruột thịt, song cách thể hiện phải phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học. Ở bậc mẫu giáo và tiểu học, người thầy phải dành cho học trò một tình thương đặc biệt như tình cảm của cha mẹ với các con.

Thứ năm, tinh thần đoàn kết. Trong môi trường sư phạm, Người hiểu rất rõ giá trị của sự đoàn kết. Đoàn kết sẽ tạo ra bầu không khí vui vẻ thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu; đồng thời sẽ tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, phát huy được khả năng của cá nhân và sức mạnh của tập thể, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Thứ sáu, phải nêu gương về đạo đức. Hồ Chí Minh nói: "Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Đừng bảo học trò phải dậy sớm mà mình thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu". "Trẻ em hay bắt chước, cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách… phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt" [7].

Thứ bảy, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức phải thường xuyên suốt đời, Theo Hồ Chí Minh, ở trong mỗi con người ai cũng có điểm hay điểm dở, có cái thiện có cái ác. Hai mặt này luôn luôn mâu thuẫn và đấu tranh gay gắt với nhau. Cuộc đấu tranh đó là "trường kỳ và gian khổ". Do không chú ý điều này nên có người ở trong hoàn cảnh này thì tốt, nhưng sang hoàn cảnh khác không tiếp tục phấn đấu, rèn luyện lại rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất. Do đó, Người căn dặn người cách mạng nói chung, người thầy nói riêng việc tu dưỡng đạo đức phải thường xuyên suốt đời, kiên trì bền bỉ, không được chủ quan, tự mãn.

Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của nhà giáo phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như đối với công việc, quan hệ đồng nghiệp, học trò, cha mẹ học trò, các tổ chức đoàn thể... Người căn dặn: Phải xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ, giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò… giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường với nhân dân. Chỉ có rèn luyện công phu như vậy, người thầy mới có được những phẩm chất tốt đẹp cho các thế hệ học trò noi theo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cho học sinh

Trong nhà trường, giáo dục đạo đức là một bộ phận cấu thành trọng yếu của quá trình giáo dục rèn luyện nhân cách học sinh. Đạo đức được coi là nền tảng trong phẩm chất, nhân cách, là cái gốc của con người. Vì thế, việc dạy chữ phải kết hợp với dạy người nhằm rèn luyện học sinh trở thành con người phát triển toàn diện.

Đại biểu phát biểu thảo luận về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại buổi Tọa đàm khoa học "Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Tuyên Quang"

Đối với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong mỏi: “Đạo đức cộng sản chủ nghĩa đối với các cháu là chăm học, giúp người lớn, đoàn kết, có kỉ luật”. Người mong rằng: “Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể… ra sức cần kiệm dựng xây nước nhà”. Đặc biệt, giáo dục cho học sinh có thái độ sống tích cực; đam mê, khát vọng và nhiệt huyết; có lòng trắc ẩn, lòng biết ơn, lòng vị tha, yêu thương, nhân ái với mọi người.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em” [8].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng giáo dục phải có tính toàn diện, trong đó giáo dục đạo đức là gốc rễ, nền tảng. Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường 24/10/1955, Người nhắn nhủ việc giáo dục gồm có:

 - Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung.          

 - Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

 - Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.

 - Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”.

 Trong bức thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ và thanh niên ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công, là học sinh cần ghi nhớ và thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng.

Một số định hướng xây dựng đạo đức nhà giáo, đạo đức học sinh trong giai đoạn hiện nay

Đối với nhà giáo

(1) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với các quy định về trách nhiệm nêu gương, Đề án số 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành, đặc biệt là cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Hằng năm xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đăng ký việc làm theo gắn với khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận số 21-KL/TW khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

 (2) Thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới phù hợp với vị trí công tác, công việc được giao, thực hành các tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng:

- Thứ nhất: Yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.

- Hai là: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập.

- Ba là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

- Bốn là: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm

- Năm là: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Cán bộ, giáo viên xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn học tập Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị theo lớp do Đảng ủy xã tổ chức

 (3) Thực hiện nghiêm các quy định của ngành giáo dục, của Đảng, Nhà nước về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, văn hóa công sở. Thường xuyên tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo. Có thái độ kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những nhận thức, hành vi không đúng, những biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến uy tín, phẩm giá, tư cách của nhà giáo.

Đối với học sinh

(1) Đối với học sinh tiểu học, THCS: Trọng tâm là thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt, lao động tốt; đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; giữ gìn vệ sinh thật tốt; khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Tích cực thi đua, học tập, rèn luyện, hăng hái tham gia của hoạt động do nhà trường, Đội Thiếu niên tiền phong tổ chức: Hội thi chúng em kể chuyện Bác Hồ, các hoạt động giáo dục truyền thống, về nguồn báo công dâng Bác…

(2) Đối với học sinh THPT, ngoài thực hiện các nội dung rèn luyện đạo đức như học sinh tiểu học, THCS, tập trung thực hiện học tập nghiêm túc môn giáo dục kinh tế và pháp luật; thực hiện Điều lệ Trường phổ thông, nội quy, quy định của nhà trường, tổ chức Đoàn - Hội - Đội, quy định của địa phương nơi cư trú; thực hiện tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của học sinh; học tập, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa của cộng cồng các dân tộc trong tỉnh, xây dựng con người Tuyên Quang: Yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, trí tuệ, kỷ cương, sáng tạo. Tăng cường giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, khuyến khích tinh thần hiếu học.

(3) Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa; chăm chỉ học tập, khiêm tốn học hỏi thầy cô, bạn bè để tự hoàn thiện bản thân; biết chăm sóc, quan tâm đến mọi người, gia đình, người thân; tôn trọng, lễ phép với thầy cô giáo, người lớn tuổi; trung thực, ngay thẳng, có tinh thần đoàn kết, xây dựng tập thể. Có lối sống lành mạnh, giản dị, biết giúp đỡ mọi người xung quanh. Tích cực tham gia lao động, các hoạt động ngoại khoá của nhà trường, tổ chức  Đoàn - Hội và của địa phương.

Đào Việt Dũng

[1], [2], [3], [5], [6], [7], [8]: Hồ Chí Minh toàn tập: Tập 4, 5, 6, 14, 15. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

[4] Đào Thanh Hải - Minh Tiến (sưu tầm, tuyển chọn) (2005), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb Lao động, Hà Nội.

Xem tin theo ngày:   / /