Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cho rằng, trong các cuộc cách mạng, để giành được thắng lợi nhất thiết phải có căn cứ địa cách mạng, phải có hậu phương, Người khẳng định: “Muốn khởi nghĩa phải có căn cứ địa, muốn kháng chiến phải có hậu phương”(1), đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng càng lâu dài, ác liệt thì vai trò của căn cứ địa, hậu phương càng trở nên quan trọng. Hậu phương là nơi có thể triển khai xây dựng và dự trữ tiềm lực của chiến tranh cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật; hậu phương là địa bàn đứng chân, là cơ sở lãnh đạo, tổ chức của tiền tuyến; là nơi chi viện sức người, sức của và động viên chính trị - tinh thần cho tiền tuyến đánh giặc; hậu phương cũng là nơi rút lui củng cố khi cần thiết và bàn đạp tiến công của các lực lượng vũ trang, là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Với địa thế hiểm yếu, phong trào cách mạng vững chắc, nhân dân một lòng đi theo Đảng, Tuyên Quang hội tụ đầy đủ “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lựa chọn là trung trung tâm căn cứ địa của cách mạng Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thứ nhất, Tuyên Quang là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, nằm giữa vùng núi non trùng điệp, địa thế hiểm yếu, dễ cơ động tiến có thể đánh, lui có thể giữ, có đường giao thông liên lạc thuận tiện. Từ Tuyên Quang có thể dễ dàng lui về Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, sang Yên Bái, lên Hà Giang, khi Nam tiến cũng rất dễ dàng mở rộng xuống Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Như vậy, Tuyên Quang gần với đồng bằng, gần với Hà Nội, thuận lợi cho chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, là địa phương có đầy đủ các yếu tố cần thiết của một căn cứ chiến lược, cơ động, vững chắc trong chiến tranh giải phóng. Ðịa điểm này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của cách mạng đặt ra. Do đó, chuyển địa điểm hoạt động từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) là một quyết định đặc biệt sáng suốt và rất kịp thời của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Lựa chọn thời điểm di chuyển về Tuyên Quang cũng là một trong những quyết định đúng đắn, rất kịp thời của lãnh tụ Hồ Chí Minh: Sau khi Liên Xô tiêu diệt phát xít Đức tại sào huyệt của chúng và buộc chúng đầu hàng vô điều kiện (5/1945), Liên Xô chuyển lực lượng sang mặt trận châu Á để cùng các nước Đồng minh tiêu diệt phát xít Nhật. Phát xít Nhật ở Đông Dương đã bắt đầu hoang mang, dao động, giảm sút ý chí chiến đấu, đây là những diễn biến khẩn trương của tình hình thế giới có lợi cho cách mạng trong nước. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đi bộ xuyên rừng vượt suối, vượt quãng đường rừng núi quanh co dài gần 400km, liên tục suốt 17 ngày (từ ngày 04/5 đến ngày 21/5/1945), qua 10 huyện thuộc 3 tỉnh, có nhiều đoạn đường rất nguy hiểm. Chuyến đi khó khăn, vất vả đến Tuyên Quang đã thể hiện quyết tâm, ý chí của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiến hành cuộc khởi nghĩa trong thời gian không xa. Kể từ đó, Tuyên Quang trở thành trung tâm khu giải phóng, đầu não lãnh đạo cao trào kháng Nhật cứu nước và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
Hai là, Tuyên Quang là nơi có cơ sở cách mạng sớm, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, từ xa xưa, nhân dân Tuyên Quang đã thể hiện rõ tinh thần đấu tranh chống chế độ phong kiến phản động; đồng thời Nhân dân Tuyên Quang luôn cùng các triều đại phong kiến tiến bộ đứng lên chiến đấu chống bọn xâm lược phương Bắc, bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi Chi bộ Mỏ Than ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ sở cách mạng, các phong trào quần chúng đã được xây dựng ở Na Mao, Khuôn Trạn, Thanh La, Ao Búc (Sơn Dương), Trung Minh, Trung Sơn, Hùng Lợi (Yên Sơn)… Đầu năm 1942, đội võ trang đầu tiên của Tuyên Quang được thành lập tại Khuổi Kịch, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (2), sau đó các đội tự vệ võ trang đã lần lượt ra đời ở hầu hết các địa bàn trong khu căn cứ, các đội võ trang có vai trò to lớn trong việc bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ cán bộ, giữ vững giao thông liên lạc, hỗ trợ và thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng. Cuối năm 1942, Cứu quốc quân đã xây dựng được cơ sở Việt Minh tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa. Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, ngày 18/02/1944, Hội nghị cán bộ chiến khu Hoàng Hoa Thám (Hội nghị Khuổi Kịch) họp tại Tân Trào, Hội nghị quyết định chia chiến khu Hoàng Hoa Thám thành hai Phân khu: Phân khu Quang Trung (Phân khu A), Phân khu Nguyễn Huệ (Phân khu B). Sau khi Phân khu Nguyễn Huệ hình thành, ngày 25/02/1944, Đội Cứu quốc quân III được thành lập để phát triển lực lượng vũ trang, kịp thời đáp ứng yêu cầu của phong trào cách mạng ở Tuyên Quang đang phát triển mạnh mẽ.
Sau khi Nhật đảo chính lật đổ Pháp (9/3/1945), dưới sự lãnh đạo của Phân khu ủy Nguyễn Huệ, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ, những cuộc mít tinh, biểu tình nhằm biểu dương lực lượng, tập dượt cho quần chúng chuẩn bị tổng khởi nghĩa diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Nhiều đội vũ trang tuyên truyền được thành lập ở các huyện Na Hang, Sơn Dương, Yên Bình… Tháng 5/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập ở các châu, huyện: Chiêm Hóa (12/5), Yên Sơn (12/5), Sơn Dương (15/5), Hàm Yên (15/5),… đánh dấu bước phát triển mới trong phong trào cách mạng Tuyên Quang.
Là địa phương có địa hình thuận lợi, nhân dân có truyền thống đoàn kết, yêu nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, Tuyên Quang có lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang mạnh, phong trào cách mạng sâu rộng, có vùng giải phóng gồm nhiều huyện, có căn cứ địa cách mạng vững chắc, có cơ sở cách mạng được xây dựng từ sớm, do đó, Tuyên Quang trở thành vành đai vững chắc cho cách mạng, đây là một trong những nhân tố để Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định rời Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, Tuyên Quang là nơi có điều kiện thuận lợi để tự cấp, tự túc lương thực, chuẩn bị và đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về hậu cần tại chỗ cho lực lượng cách mạng. Tuyên Quang là tỉnh có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều sông suối, lớn nhất là sông Lô và sông Gâm, ngoài ra còn có các con sông nhỏ như: Sông Năng (Na Hang), sông Phó Đáy (Sơn Dương) cùng hàng trăm ngòi lạch tạo thành một mạng lưới sông ngòi dày đặc, là nguồn thủy sinh quan trọng của nhân dân trong tỉnh. Phía Nam của tỉnh là vùng đồi núi thấp và các bãi rộng màu mỡ cùng các thung lũng lớn, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân và đáp ứng được nhu cầu về hậu cần tại chỗ cho căn cứ cách mạng.
Như vậy, là tỉnh có vị trí chiến lược hiểm yếu, Tuyên Quang có đầy đủ các yếu tố cần thiết của một căn cứ chiến lược, cơ động, vững chắc, có thể đảm bảo an toàn cho cơ quan đầu não của Đảng và các lực lượng cách mạng trở thành “mái nhà an toàn” cho các lực lượng kháng chiến, đồng thời, đảm bảo được những nhu cầu tự cấp, tự túc về kinh tế và hậu cần.
Sau khi di chuyển từ tỉnh Cao Bằng về Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã gấp rút chỉ đạo xây dựng căn cứ địa và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới. Tại Tuyên Quang, Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gấp rút chuẩn bị các điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, như: Thành lập Khu giải phóng (4/6/1945); tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc (14-15/8/1945) đưa ra quyết định Tổng khởi nghĩa, giành quyền độc lập hoàn toàn; Đại hội Quốc dân Tân Trào (ngày 16-17/8/1945) cử ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quy định Quốc kỳ, Quốc ca... Từ trung tâm căn cứ cách mạng Tân Trào, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong cả nước. Tuyên Quang là một trong những địa phương được tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, ngày 22/8/1945, quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở Tuyên Quang đã hoàn toàn thắng lợi, đóng góp quan trọng cho thành công rực rỡ của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.
Có thể khẳng định, thắng lợi của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là do nhiều nguyên nhân, trong đó việc lựa chọn Tuyên Quang - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” làm căn cứ địa, trung tâm lãnh đạo cách mạng thể hiện tầm nhiền chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rừng xanh Tuyên Quang bao la đã chở che cho cách mạng; lòng dân Tuyên Quang luôn sắt son theo Đảng, theo cách mạng, Tuyên Quang đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, bảo vệ an toàn lãnh tụ và Trung ương Đảng, là căn cứ địa vững chắc của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử./.
Nguyễn Văn Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.73.
(2). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940- 1975), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.57.