Hoạt động của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến

Thứ Năm, ngày 8 tháng 8 năm 2024 - 10:01 Đã xem: 2635

Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan Trung ương đã rời Hà Nội chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc để thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến. Tại Tuyên Quang và các tỉnh trong căn cứ địa Việt Bắc đã diễn ra nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, trong đó có Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng với cán bộ, nhân viên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (năm 1951)

Tháng 3/1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) được thành lập tại làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi thành lập, Trường đã tổ chức chiêu sinh khoá I và khoá II với tổng cộng hơn 200 học viên. Nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, tháng 8/1950 Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc chuyển đến thôn Phú An, xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Nhiệm vụ được giao lúc này là chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng. Tại đây, cán bộ Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã cùng bộ đội và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang chung sức xây dựng Hội trường chuẩn bị Đại hội ở khu vực đồi Nà Loáng (trung tâm thôn Phú An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang). Trong vòng 4 tháng, cùng với Nhân dân địa phương, cán bộ, nhân viên Nhà trường đã hoàn thành xây dựng khu Đại hội.

Ngay sau thành công của Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, ngày 31/5/1951, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp lý luận chính trị khoá III. Khoá học được tổ chức trong vòng 5 tháng rưỡi, tham dự có 222 học viên gồm các cán bộ chính trị, quân sự, cán bộ công tác vùng địch tạm chiếm và vùng tự do, các cán bộ miền Bắc, Trung, Nam và các cán bộ làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào và Campuchia. Chương trình học khoá III so với khoá II của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc có bước cải tiến, nâng cao chất lượng, gồm một số quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về quy luật phát triển của xã hội, lý luận xây dựng Đảng, đường lối và những chính sách của Đảng do Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng đề ra. Nhà trường coi trọng tự phê bình và phê bình, thường xuyên uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc như đến trường chỉ cốt học lý luận, khi ra trường mới áp dụng lý luận, tách rời việc học tập lý luận với việc rèn luyện tư tưởng tác phong... Trong thời gian ở tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, ngoài giờ học tập, các học viên thường tăng gia sản xuất, trồng rau, tải gạo, kiếm củi, làm bếp, hoạt động văn nghệ... Mối quan hệ thân mật, thắm tình đồng chí, hoàn toàn bình đẳng được hình thành giữa học viên với cán bộ, nhân viên nhà trường. Tại khoá học này, Nhà trường vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, Người đã giải đáp cho học viên những thắc mắc về việc đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam và những nhiệm vụ về xây dựng Đảng (1).

Bước sang năm 1952, cuộc kháng chiến của Nhân dân ta thu được nhiều thắng lợi về quân sự, chính trị, kinh tế. Yêu cầu của cuộc kháng chiến và xây dựng Đảng lúc này đòi hỏi Đảng phải tiến hành một đợt giáo dục chính trị, tư tưởng tập trung, quy mô toàn Đảng, toàn quân và trong toàn thể cán bộ kháng chiến. Đáp ứng yêu cầu đó, Trung ương đã ra chỉ thị tiến hành chỉnh huấn, đặt chỉnh huấn là một công tác lớn của Đảng. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã tập trung phục vụ chỉnh huấn, tiến hành những lớp chỉnh huấn cho cán bộ ở Trung ương và cán bộ chủ chốt cấp liên khu và tỉnh, thành. Địa điểm tổ chức tại khu vực Đầm Hồng, Bản Ty thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Sau khi kết thúc các lớp chỉnh huấn, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc chuyển về xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang (2). Được sự giúp đỡ tận tình của Nhân dân địa phương trong việc cung cấp nguyên vật liệu, cán bộ nhân viên Nhà trường đã cùng nhau tạo nên các hạng mục công trình gồm: Hội trường; nơi ở của giảng viên và cán bộ nhân viên Nhà trường; Khu nhà hiệu bộ; Khu nhà ở của học viên; Khu nhà bếp; Bệnh xá. Ngoài ra trong khu vực Trường còn có một số ngôi nhà khác như căng tin, xưởng in ấn tài liệu, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm... Sau khi công việc xây dựng Trường đã hoàn thành. Tháng 4/1952, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tiếp tục khai giảng khoá IV, mở các lớp cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng. Nội dung giảng dạy chính là chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng như chủ trương "Trường kỳ kháng chiến tự lực cánh sinh", đường lối "Cách mạng dân tộc dân chủ". Giảng viên giảng bài là cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương... Học viên khoá IV trường Đảng Nguyễn Ái Quốc có khoảng 300 người là những cán bộ trung cao cấp của Đảng, như các đồng chí: Đàm Quang Trung, Bằng Giang, Đồng Sĩ Nguyên, Hoàng Sâm, Trường Minh, Lê Thuỳ... Ngoài giờ học, các học viên và cán bộ Nhà trường cùng Nhân dân tăng gia sản xuất, trồng rau ven suối, chăn nuôi bò, lợn, gà, dê... để cải thiện đời sống. Những năm tháng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đóng ở xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cán bộ nhân viên và học viên nhà trường rất vinh dự đã có dịp được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện.

Cuối tháng 12/1952, trong khi chưa kết thúc khoá IV ở xã Tân Tiến thì một bộ phận cán bộ nhân viên Nhà trường được lệnh khẩn trương lên đường đến huyện Sơn Dương xây dựng địa điểm thứ hai của Trường tại thôn Bòng, xã Tân Trào, lấy tên là Trường Chỉnh huấn Trung ương. Được sự giúp đỡ của Nhân dân ở đây, Nhà trường đã được xây dựng cơ sở vật chất, quy mô giống cơ sở vật chất của Trường tại xã Tân Tiến (3). Tại đây, từ tháng 3/1953 đến tháng 6/1953, Trường mở lớp chỉnh huấn khoá III. Sau đó, Trường mở lớp học sau chỉnh huấn, khai giảng vào mùa hè năm 1953, kết thúc sau hoà bình lập lại. Ngoài những lớp học lý luận chính trị, lớp chỉnh huấn, theo chỉ thị của Trung ương, Trường còn mở một số lớp bồi dưỡng: Lớp giảng viên chuyên nghiệp của tỉnh, lớp ngắn ngày về cải cách ruộng đất. Đến tháng 4/1954, Trường khai giảng lớp chỉnh huấn cho cán bộ hải ngoại, gồm các cán bộ hoạt động ở các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Trong thời gian Trường Chỉnh huấn Trung ương ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến nhà trường nói chung cũng như công tác chỉnh Đảng nói riêng. Nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên của các lớp chỉnh huấn, như: Ngày 17/8/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường và nói chuyện với cán bộ báo chí, văn nghệ và cán bộ các ngành về “cách viết”; ngày 06/02/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện tại lễ khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ đảng viên của các cơ quan Trung ương; tháng 3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với lớp chỉnh Đảng Trung ương khoá III; ngày 25/8/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại lớp chỉnh huấn cho cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan Khu I...

 Tháng 10/1953, trong lúc các lớp ở địa điểm xóm Bòng đang học thì một bộ phận cán bộ nhân viên Nhà trường gồm 22 anh chị em lại trở về địa điểm trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn. Tại đây, các cán bộ nhân viên Nhà trường đã sửa chữa, tu bổ lại nhà cửa, hội trường và làm mới một số nhà ở, xưởng in, trại chăn nuôi... Sau khi sửa sang, tu bổ lại cơ sở vật chất Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc mở lớp "Đặc biệt" nhằm đào tạo, giảng dạy những kiến thức về chính trị lý luận cho cán bộ trung cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội, đồng thời chỉnh huấn cho một số cán bộ ở các cơ quan ban ngành.

Thời gian ở và hoạt động tại Tuyên Quang trên 4 năm với nhiều địa điểm khác nhau thuộc các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức nhiều khoá học gồm các lớp học chnh huấn, chỉnh Đảng, chỉnh quân của Trung ương Đảng, trang bị và bồi dưỡng kiến thức về lý luận, chính trị cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng, đào tạo, chỉnh huấn tư tưởng cho nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng và Nhà nước. Từ khi thành lập đến năm 1954, Trường đã đào tạo bồi dưỡng được 5.750 cán bộ (4). Các học viên được đào tạo tại đây chính là những cán bộ nòng cốt được rèn luyện, trang bị kiến thức lý luận,  phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc và nhu cầu lãnh đạo, quản lý đất nước sau hoà bình lập lại.

Trong thời gian ở Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến, tình cảm giữa cán bộ Nhà trường với Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang ngày một bền chặt gắn bó, chia sẻ ngọt bùi. Sự giúp đỡ nhiệt thành và những tình cảm chân thật của người dân địa phương là minh chứng của tinh thần đoàn kết Đảng dân, tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược.

Trong không khí hoà bình, cuối năm 1954 trường Đảng Nguyễn Ái Quốc chuyển về Hà Nội cùng các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Vinh dự và tự hào là nơi chở che, giúp đỡ Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng kháng chiến đi đến thắng lợi. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang luôn quan tâm gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử văn hoá của di tích, năm 2001 di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được Bộ văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia, đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Ngô Quân Lập: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.171.

(2). Bảo tàng Tuyên Quang: Hồ sơ số 22/LLDT-BT ngày 14/7/2000 về Lý lịch di tích Trường Nguyễn Ái Quốc tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

(3). Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào: Hồ sơ Lý lịch di tích Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương tại thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.

(4). Ngô Quân Lập: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.176.

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 129 | Trang: 1 trên tổng số 13 trang  
Xem tin theo ngày:   / /