Chung tay giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam có cuộc sống ngày càng tốt hơn

Thứ Bảy, ngày 10 tháng 8 năm 2024 - 10:05 Đã xem: 1351

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và quy định về chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu người kháng chiến, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã quan tâm, có nhiều chủ trương, biện pháp, hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, tích cực triển khai chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Chiến tranh do Mỹ tiến hành ở Việt Nam, đến nay đã lùi xa hơn 50 năm, song hậu quả của chất độc da cam/dioxin để lại vẫn hết sức nặng nề, với 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2 và thứ 3. Vì vậy, nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin là vấn đề quan trọng và là trách nhiệm, tình cảm của toàn xã hội.

Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam được chọn dựa theo thời điểm chất độc da cam lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam. Ngày 10/8/1961, phi vụ đầu tiên thử nghiệm chất Dinoxol do không quân Sài Gòn tiến hành tại khu vực phía Bắc tỉnh Kon Tum bằng máy bay trực thăng H34 có gắn thiết bị phun - HIDAL (Helicopter Insecticide Dispersal Apparatus Liquid). Trong ngày thứ năm đen tối đó, Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang”, xuống miền Nam nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu nhất trong lịch sử loài người.

Trong 10 năm (1961 - 1971), Quân đội Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 336 kg dioxin, rải xuống 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam. Hầu hết hệ sinh thái của các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị hủy hoại. Tại Hội thảo Quốc tế về “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” tổ chức vào tháng 8-2016 tại Hà Nội, các nhà khoa học đã khẳng định: chất độc da cam/dioxin có khả năng di truyền xuyên thế hệ và ở Việt Nam đã di truyền sang thế hệ thứ 4. Đa số nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, sức khỏe yếu, mức sống thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Những người còn sống thì hằng ngày, hằng giờ phải vật lộn với các căn bệnh quái ác bởi chất độc dioxin [1].

Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” được Nhân dân trong nước hưởng ứng mạnh mẽ, Đồng thời, thu hút sự quan tâm của người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Đáp ứng yêu cầu giải quyết hậu quả chất độc hóa học, hàn gắn vết thương chiến tranh và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Trong bối cảnh đó, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV, ngày 17-12-2003 của Bộ nội vụ và chính thức ra mắt hoạt động ngày 10/01/2004. 

Đến 12/2023, Hội có tổ chức ở Trung ương và hội thành viên ở 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hơn 610 hội cấp huyện và gần 6.630 hội cấp xã, với tổng số hơn 400.000 hội viên. Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được thành lập ở Trung ương, 40/63 tỉnh, thành phố, 108 quận, huyện và quỹ tự nguyện ở gần 550 xã phường, thị trấn.

Tổ chức hội các cấp đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Thông báo Kết luận số 292-TB/TW ngày 18-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tổ chức và hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.

Từ khi thành lập đến tháng 6/2023, toàn Hội vận động được gần 3.950 tỷ đồng bao gồm tiền và hiện vật. Từ nguồn vận động đó, các cấp hội sử dụng hiệu quả trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, như: xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả 26 trung tâm bảo trợ xã hội trong cả nước, thực hiện tốt việc xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú; dạy nghề, tạo việc làm cho hàng chục nghìn nạn nhân; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; tặng quà, trợ cấp khó khăn; khám chữa bệnh… Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân ngày càng hiệu quả và mang tính bền vững hơn. Hội đã và đang phối hợp thực hiện hơn 30 dự án hỗ trợ, giúp đỡ NNCĐDC [2].

Nhiều hoạt động khoa học, các hội thảo, hội nghị và hợp tác quốc tế đã được tổ chức. Hội đã hoàn thành cơ bản quy trình xông hơi giải độc ổn định tại hơn 10 cơ sở ở trong nước. Hội đã phối hợp với các cơ sở nghiên cứu và các tỉnh, thành phố tiến hành điều tra, thống kê, lập hàng chục nghìn hồ sơ nạn nhân thuộc nhiều đối tượng, nhiều thế hệ và hồ sơ gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn; điều tra, khảo sát, lập hồ sơ nạn nhân thế hệ thứ 3, thứ 4 ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, làm cơ sở để đề xuất bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân.

Cùng với các địa phương trong cả nước, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức  nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực với tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm vì nạn nhân chất độc da cam. Từ năm 2018 đến năm 2023, toàn tỉnh đã vận động được 16 tỷ đồng chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ hơn 57 nghìn lượt gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh vận động nguồn lực chăm lo đời sống nạn nhân chất độc da cam, tập trung vào việc hỗ trợ sinh kế; xây dựng, sửa chữa nhà ở; khám chữa bệnh, thăm tặng quà nạn nhân chất độc da cam... Từ đó góp phần hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam bớt khó khăn, từng bước hòa nhập cộng đồng.

Nhìn lại thảm họa chất độc hóa học trong chiến tranh và khắc phục hậu quả của chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường ở Việt Nam là trách nhiệm, lương tâm của cộng đồng, xã hội, là vấn đề có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, chăm sóc của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội giúp đỡ, bảo vệ Nạn nhân chất độc da cam.

Đỗ Hồng Thanh

1. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Tạp chí quốc phòng toàn dân, cơ quan lý luận quân sự, chính trị của quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, 10/7/2017.

2. Thành An - Đình Trọng, Hành trình 20 năm vì nạn nhân chất độc da cam, Quân đội Nhân dân, cơ quan của quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và Nhân dân Việt Nam, 26/12/2023.

Xem tin theo ngày:   / /