Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tuyên Quang trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

Thứ Năm, ngày 15 tháng 8 năm 2024 - 13:41 Đã xem: 2233

Nói đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bên cạnh vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương cùng toàn thể dân tộc Việt Nam, không thể không nhắc tới đồng chí Võ Nguyên Giáp - người có vai trò to lớn trong việc kiến tạo nên Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang trong những ngày chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám.

Cây đa Tân Trào - nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa, ngày 16/8/1945

Tháng 5/1945, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trương chuyển trung tâm chỉ đạo cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) đến một nơi gần trung ương và đồng bằng hơn. Người chỉ thị: Chọn tìm một địa điểm làm trung tâm chỉ đạo cách mạng. Nơi đó phải ở trong căn cứ địa Việt Bắc, quần chúng giác ngộ cao, giao thông thuận lợi và nhất là gần trung ương. Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã bàn với các đồng chí trong Phân Khu ủy Nguyễn Huệ lúc đó là đồng chí Song Hào và Tạ Xuân Thu, chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang làm trung tâm chỉ đạo cách mạng.

Có thể nói, việc chọn Tân Trào làm trung tâm chỉ đạo cách mạng không chỉ thực hiện đúng Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng như các đồng chí trong Phân Khu ủy Nguyễn Huệ. Vì Tân Trào đáp ứng được đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, từ Tân Trào có đường thông đi nhiều ngả như Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, về đồng bằng và Hà Nội; nơi đây đồng ruộng không quá hẹp, là một địa bàn “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”(1). Không những vậy, cơ sở cách mạng ở Tân Trào được gây dựng từ khá sớm, phát triển ngày càng mạnh mẽ. Ngay từ cuối năm 1941, một bộ phận Cứu quốc quân II đã xây dựng cơ sở ở vùng nông thôn thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Tháng 02/1944, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định lập Phân Khu Nguyễn Huệ, căn cứ địa Tuyên Quang hình thành. Tháng 10/1944, Trung đội Cứu quốc quân III ra đời, đánh dấu bước phát triển của lực lượng vũ trang khu căn căn cứ. Cùng thời gian này, 12 cán bộ vượt ngục Chợ Chu về Phân Khu Nguyễn Huệ hoạt động. Đặc biệt, ngày 10/3/1945, Phân Khu ủy phát động khởi nghĩa Thanh La, đánh chiếm đồn Đăng Châu, giải phóng huyện lỵ Sơn Dương, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời châu Tự Do, là Ủy ban cách mạng lâm thời sớm nhất cả nước.

Theo đề xuất của đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Phân khu ủy Nguyễn Huệ, ngày 4/5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác từ Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng về Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Chiều ngày 17/5/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đi đón lãnh tụ Hồ Chí Minh và cùng Người về làng Kim Long, xã Tân Trào, châu Tự Do (Tuyên Quang) vào ngày 21/5/1945. Từ đây, Tân Trào trở thành trung tâm cách mạng của cả nước. Cũng từ thời điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp luôn ở bên cạnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, tiến hành các công việc cần thiết chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Tại Tân Trào, sau khi nghe báo cáo tình hình, lãnh tụ Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Khu giải phóng và quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, kể từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tích cực chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Khu giải phóng. Ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị tuyên bố thành lập Khu giải phóng. Tân Trào được chọn làm Thủ đô Khu giải phóng. Phạm vi Khu giải phóng bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái. Khu giải phóng đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Ủy viên Thường trực và là Ủy viên Quân sự. Đây là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp, bởi chính ông là người đã thực hiện xuất sắc Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc dự thảo Nghị quyết thành lập Khu giải phóng, cũng chính ông là người đã lựa chọn Tân Trào làm trung tâm chỉ đạo cách mạng và được Hội nghị Tổng bộ Việt Minh quyết định làm Thủ đô Khu giải phóng. Từ đây, trên cương vị Ủy viên Thường trực Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng, đồng chí Võ Nguyên Giáp ngày càng có nhiều cống hiến xuất sắc đối với Khu giải phóng; đặc biệt, trên cương vị là Ủy viên Quân sự, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã từng bước thống nhất chỉ huy cuộc chiến đấu chống Nhật, tiễu phỉ, trừ gian, bảo vệ trật tự an ninh, tiếp tục lãnh đạo quần chúng ở những nơi địch còn kiểm soát đứng lên giành chính quyền để mở rộng căn cứ; xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tại chỗ.

Giữa lúc cao trào kháng Nhật, cứu nước của Nhân dân ta đang phát triển mạnh mẽ, quần chúng nô nức vũ trang, sẵn sàng nổi dậy, một sự kiện quan trọng đã diễn ra: Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Thất bại của quân đội Nhật trên các chiến trường, sự đầu hàng của Nhật hoàng “đã đẩy quân Nhật đang chiếm đóng ở Đông Dương vào tình thế tuyệt vọng như rắn mất đầu (…) hoang mang dao động đến cực độ. Chính quyền bù nhìn Bảo Đại - Trần Trọng Kim “như dây đeo dàn mục, chực đổ vì gió lớn” vốn đã rệu rã, cô lập trước nhân dân, nay càng tê liệt (2).

Giữa lúc phong trào cách mạng đang dâng cao trong cả nước, ở Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh bị ốm nặng. Thời gian này, đồng chí Võ Nguyên Giáp thường xuyên bên cạnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại căn lán đơn sơ trong cánh rừng Nà Nưa, Người đã căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp “Lúc này thời cơ đã đến, dù hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(3). Ngoài ra, Bác còn căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp về công tác củng cố phong trào: “Lúc nào cũng phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và các phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”(4). Những lời căn dặn của Bác trong giờ phút lịch sử ấy đã được đồng chí Võ Nguyên Giáp khắc ghi và quán triệt sâu sắc tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong Khu giải phóng, do đó ở mọi nơi trong Khu đều dấy lên tinh thần sẵn sàng đứng lên đấu tranh giành chính quyền cách mạng mà kẻ thù đã cướp đoạt của nhân dân bấy lâu nay.

Mặc dù vẫn còn mệt, sau khi qua cơ ốm nặng, trước thời cơ cách mạng đã tới, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, gồm 5 đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. 23 giờ cùng ngày, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ký vào bản Quân lệnh số 1, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa.

Có thể khẳng định, bản Quân lệnh số 1 là một văn kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta, gắn liền với tên tuổi của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong những ngày sống, làm việc ở Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang cùng Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Ngày 14 - 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc tại Tân Trào quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Sau Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, ngày 16 - 17/8/1945, Đại hội Quốc dân được tổ chức tại Tân Trào. Đại hội quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 15 người, đồng chí Võ Nguyên Giáp là thành viên Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam.

Chiều ngày 16/8/1945, từ Tân Trào một đơn vị Giải phóng quân dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tập họp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về tiến sang giải phóng Thái Nguyên và về Hà Nội. Nhớ lại sự kiện đặc biệt này, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: “Trong lòng chúng tôi khi đó rạo rực lạ thường. Trước mắt chúng tôi là lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ hào quang, xa xa là nền trời xanh cao lồng lộng, tươi sáng vô cùng của nước Việt Nam giải phóng…” (5).

Từ trung tâm căn cứ cách mạng Tân Trào, lệnh Tổng khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi trong nước. Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19.8), Huế (23.8), Sài Gòn (23.8). Chính quyền trong cả nước đã thuộc về Nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”(6).

Với thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám, Nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, Nhật; lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

Ngày 22/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp về đến Hà Nội, cùng Trung ương Đảng và Chính phủ chuẩn bị tổ chức Lễ Tuyên bố độc lập.

Sau chiến thắng Thu - Đông năm 1947, ngày 20/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ, khi ấy ông mới 37 tuổi.

Có thể nói, Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang có vai trò hết sức to lớn đối với thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 - là trung tâm chỉ đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc. Để có Thủ đô Khu giải phóng ra đời, hoạt động hiệu quả theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh và phát huy tốt vai trò trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám 1945, ngoài sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh còn có vai trò to lớn của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Chính ông là người đã chọn Tân Trào là trung tâm chỉ đạo cách mạng, là người đã thực hiện tốt Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc dự thảo Nghị quyết thành lập Khu giải phóng. Sau khi Thủ đô Khu giải phóng ra đời, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu thực hiện tốt mọi quyền tự do dân chủ đối với Nhân dân. Đó là những sự kiện tiêu biểu đã diễn ra tại Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám năm 1945, gắn liền với tên tuổi của đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Nguyễn Văn Đức

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Tuyên Quang: Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, tr.242.

(2). Cách mạng  Tháng Tám năm 1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.237.

(3). Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.1969, tr.212.

(4). Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2006, tr.130.

(5). Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2006, tr.133.

(6). Tuyên cáo của Hoàng đế Việt Nam thoái vị ngày 24 tháng 8 năm 1945, Việt Nam Dân quốc Công báo, năm thứ 1, số 1.

Xem tin theo ngày:   / /