Tuyên Quang - Từ khởi nghĩa giành chính quyền đến Thủ đô khu giải phóng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

Thứ Năm, ngày 15 tháng 8 năm 2024 - 13:45 Đã xem: 2286

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là tỉnh có địa phương đi đầu trong việc chủ động, sáng tạo tiến hành khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng sớm nhất cả nước. Thắng lợi của khởi nghĩa từng phần ở Tuyên Quang cũng như các địa phương khác ở Việt Bắc đã tạo cơ sở cho việc ra đời Khu giải phóng Việt Bắc mà Tân Trào là trung tâm căn cứ địa – Thủ đô Khu giải phóng của cả nước.

Đình Tân Trào thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào - nơi họp Đại hội Quốc dân, từ ngày 16 đến 17/8/1945

Ngày 9/3/1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức hội nghị mở rộng họp tại Từ Sơn (Bắc Ninh) từ ngày 9 đến 12/3/1945 ra Chỉ thị: "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Chỉ thị chỉ rõ đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể, trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương và đề ra khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật"; Chỉ thị cũng yêu cầu các cấp bộ đảng "Phát động cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ, để làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa" và "sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện”(1).

Mặc dù chưa nhận được Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng Nghị quyết Trung ương lần thứ tám và Lời kêu gọi của lãnh tụ Hồ Chí Minh, cấp bộ đảng một số địa phương đã chủ động phát động nhân dân tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, mở đầu cho làn sóng khởi nghĩa từng phần, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi trên toàn quốc.

 Tại căn cứ địa Việt Bắc, các tổ chức đảng ở các địa phương đã nắm vững thời cơ, vận động Nhân dân và lực lượng du kích địa phương, kết hợp với các đội Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vận động Nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Mở đầu cho cuộc nổi dậy giành chính quyền ở Việt Bắc là cuộc khởi nghĩa Thanh La (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) diễn ra ngày 10/3/1945.

Đêm 10/3/1945, dưới sự chỉ đạo của cấp bộ Đảng và Việt Minh, lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Đội Cứu quốc quân III cùng đông đảo quần chúng nhân dân xã Thanh La đã tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý, tịch thu bằng sắc, triện của chính quyền địch và nhanh chóng xác lập chính quyền cách mạng cấp xã.

Sáng 11/3/1945, hàng ngàn quần chúng Nhân dân cùng các đội Cứu quốc quân và dân quân tự vệ đã tham dự cuộc mít tinh dương cao cờ đỏ sao vàng, với biểu ngữ "Việt Nam độc lập muôn năm, "Ủng hộ Việt Minh", "Đả đảo phát xít Nhật" tiến về giải phóng Đăng Châu - huyện lỵ Sơn Dương. Đêm 12 rạng ngày 13/3, quân khởi nghĩa tiến đánh và hạ đồn Đăng Châu, thu nhiều vũ khí, phá kho thóc của Nhật ở huyện lỵ chia cho nhân dân. Ngày 14/3, địch tiến công đồn Đăng Châu hòng chiếm lại nhưng bị lực lượng vũ trang ta đánh bại, tiêu diệt và quy hàng hầu hết quân địch, thu nhiều vũ khí. Sau khi Đăng Châu được giải phóng, ngày 16/3, phân khu Nguyễn Huệ tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Thanh La, tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu, đây là chính quyền cách mạng cấp châu đầu tiên được thành lập ở Tuyên Quang cũng như trên căn cứ địa Việt Bắc (2).

Như vậy, ngay ngày 10/3, trong khi Ban Thường vụ Trung ương Đảng đang họp để quyết định ra Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" thì cấp bộ Đảng và Việt Minh Tuyên Quang đã nắm bắt thời cơ, chủ động, sáng tạo phát động Nhân dân phối hợp với lực lượng vũ trang nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền từ cấp xã đến châu (huyện).

Cuộc khởi nghĩa Thanh La là cuộc khởi nghĩa thành công đầu tiên ở vùng núi Việt Bắc và sớm nhất trong cả nước. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân Thanh La cũng như việc thành lập chính quyền cách mạng châu Tự Do đã mở ra cao trào khởi nghĩa giành chính quyền trên căn cứ địa Việt Bắc và trên cả nước. Sau khi khởi nghĩa Thanh La thắng lợi, châu Tự Do thành lập (bao gồm phần lớn vùng thượng Sơn Dương) đã nhanh chóng trở thành căn cứ, trung tâm lãnh đạo quá trình khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh và các vùng phụ cận. Từ đây, Cứu quốc quân và các đơn vị tự vệ đã chia thành nhiều mũi, tỏa đi các hướng, hỗ trợ, lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, mở rộng vùng giải phóng.

Từ tháng 3 đến cuối tháng 5, hầu hết các địa phương (trừ một số huyện và tỉnh lỵ) của các tỉnh thuộc Việt Bắc đã được giải phóng: Tỉnh Bắc Kạn (cuối tháng 3), các tỉnh khác như Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang (cuối tháng 5/1945) đã tạo điều kiện cho sự ra đời Khu giải phóng Việt Bắc vào tháng 6/1945.

Để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, đầu tháng 5/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tân Trào Tuyên Quang. Trước sự lớn mạnh của lực lượng và phong trào cách mạng và do yêu cầu xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước, theo chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 4/6/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Nghị quyết thành lập Khu giải phóng gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Hà Giang và một phần các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên với số dân khoảng 1 triệu người. Khu giải phóng đặt dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chỉ huy lâm thời, dưới khu có Ủy ban nhân dân cách mạng các cấp.

Như vậy, cuộc khởi nghĩa Thanh La (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã mở đầu cho phong trào khởi nghĩa từng phần, tiến tới thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, là hình ảnh nước Việt Nam mới. Khu giải phóng Việt Bắc trở thành trung tâm lãnh đạo cách mạng, hậu phương và bàn đạp cho thế trận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 trên cả nước.

Tại Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh đã trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 14/8/1945 đã diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị xác định: Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập dân tộc đã tới, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” và “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, Hội nghị quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào vào Đông Dương, đứng ở vị trí làm chủ nước nhà mà tiếp quân đồng minh.

Cũng tại Tân Trào lịch sử, ngày 16 -17/8/1945, Đại hội Quốc dân được tiến hành tại đình Tân Trào. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu, đại diện cho các đảng phái chính trị, các đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo trên khắp mọi miền đất nước và một số đại biểu Việt kiều từ nước ngoài. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương phát động cuộc Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông quan Mệnh lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và Mười chính sách lớn của Việt Minh; cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, có vai trò như Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội quyết định lấy cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ và bài Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sáng 17/8, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc đã đến! Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta(...). Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”(3).

Từ Tân Trào, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm lễ xuất phát, tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên và tiến về Hà Nội. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân khắp mọi miền đất nước đã đứng dậy, và chỉ trong vòng hai tuần, Tổng khởi nghĩa đã diễn ra và thành công trên toàn quốc. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam.

Nhân dân Thanh La - Minh Thanh, huyện Sơn Dương nói riêng, tỉnh Tuyên Quang, nói chung có quyền tự hào về sự sáng tạo, tinh thần quật khởi của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc. Thanh La, Tân Trào xứng đáng là nơi đi đầu, là quê hương cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc./.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7. Sđd , tr.367.

(2). Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang. Lịch sử Đảng bộ Tỉnh tuyên Quang (1940-1975). Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 66-68.

(3). Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 3, tr. 596.

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 129 | Trang: 1 trên tổng số 13 trang  
Xem tin theo ngày:   / /