Xác định kinh tế rừng đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung quản lý hiệu quả diện tích đất đồi rừng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển trồng rừng chất lượng cao, rừng gỗ lớn… Từ đó góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định khâu đột phá là “Xây dựng huyện nông thôn mới gắn với phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực, có lợi thế”. Huyện Hàm Yên ngoài việc được biết đến với vùng trồng cam nổi tiếng, đây cũng cũng là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Huyện Hàm Yên có tổng diện tích đất tự nhiên 90.054,61 ha. Diện tích có rừng là 61.438,61 ha (rừng tự nhiên là 19.114,43 ha; rừng trồng 42.324,18 ha); Rừng đặc dụng 5.269,85 ha; rừng phòng hộ 8.070,94 ha; rừng sản xuất 48.097,82 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58,8%.
Đến hết năm 2023, về trồng rừng: 7.586,68 ha/12.000 ha, đạt 63,20 % chỉ tiêu kế hoạch. Về khai thác: 655.501 m3/1.305.200 m3, đạt 50,22% chỉ tiêu kế hoạch. Về thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC: 8.706,98 ha/10.000 ha, đạt 87,06% chỉ tiêu...
Với diện tích rừng trồng sản xuất lớn, đây là tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện Hàm Yên kinh tế lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập bền vững cho người dân.
Hàm Yên có tiềm năng để phát triển kinh tế lâm nghiệp (ảnh sưu tầm)
Tuy nhiên, năng suất rừng trồng còn thấp (khoảng 70m3/ha/07năm), giá trị sản phẩm không cao (gỗ nguyên liệu giá thành thấp), đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của người trồng rừng. Nguyên nhân là do đặc điểm của lâm nghiệp, chu kỳ kinh doanh dài, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, do đó phải khai thác sớm (rút ngắn chu kỳ kinh doanh) để đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, do nhận thức của người dân còn hạn chế, phần lớn là trồng mật độ quá dày, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư vào chăm sóc, nuôi dưỡng rừng chưa được quan tâm, như: Chọn giống đạt tiêu chuẩn, đầu tư phân bón, nhân công trong chăm sóc vệ sinh rừng, trồng và tỉa thưa rừng theo đúng quy định, chuyển hoá thành rừng gỗ lớn...
Phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện tốt khâu đột phá của huyện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện Nông thôn mới vào năm 2025. Thời gian tới, Hàm Yên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; phổ biến kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào kinh doanh rừng và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp đến người dân, như: Cấp chứng chỉ rừng FSC; hỗ trợ cây giống chất lượng cao, chuyển hoá rừng trồng gỗ lớn theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.
Hai là, chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, đặc biệt là cây keo trên địa bàn; kiên quyết kiểm tra, ngăn chặn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ba là, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân, tạo hành lang pháp lý để người dân an tâm đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Bốn là, có cơ chế thu hút đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chế biến lâm sản tại địa bàn huyện, nhằm tạo việc làm và nâng cao giá trị sản phẩm.
Năm là, có cơ chế hỗ trợ kinh phí để thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho người dân, nhằm nâng cao giá trị rừng trồng.
Đào Việt Dũng