Thành phố Tuyên Quang quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động

Thứ Năm, ngày 22 tháng 8 năm 2024 - 09:00 Đã xem: 1756

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2021-2024, thành phố Tuyên Quang đã quan tâm ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quan trọng này.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm đẩy mạnh các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; trong đó có nội dung công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn được quan tâm thực hiện. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch giải quyết việc làm, kế hoạch tổ chức thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kế hoạch Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm giai đoạn 2021-2025, vận động các doanh nghiệp, các hộ thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ sử dụng lao động địa phương. Làm tốt công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao tay nghề, mở rộng, chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai tuyên truyền về chính sách hỗ trợ và chủ trương tổ chức dạy nghề cho người lao động thuộc diện di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Trong năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp chứng chỉ là 34,3%.

Phiên giao dịch việc làm thành phố Tuyên Quang

Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty dịch vụ, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động tổ chức Phiên giao dịch việc làm và giới thiệu cho người lao động tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động (có 36 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động; thu hút trên 2.000 người lao động, học sinh THPT, sinh viên tham gia và tìm hiểu thông tin, nghe tư vấn về việc làm, học nghề). Kết quả từ năm 2021 đến năm 2023, tạo việc làm cho tổng số 9.566/17.200 người (đạt 55,6% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025), trong đó: Tạo việc làm tại chỗ đạt 60,3% mục tiêu Nghị quyết; số người lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước đạt 41,3%; số người lao động xuất khẩu đạt 63,1%. Ủy ban nhân dân thành phố phối hợp với chính quyền huyện Imsil, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc thực hiện Thỏa thuận hợp tác tuyển lao động có thời vụ làm việc tại huyện Imsil, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc. Trong năm 2023, đã có trên 34 lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc…

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm vẫn còn có những hạn chế như: Số lượng đăng ký đào tạo, học nghề của lao động còn ít; nhận thức của một bộ phận người lao động về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, còn tâm lý e ngại đi lao động ở nước ngoài, sống xa nhà; thời gian đi xuất khẩu lao động (lao động thời vụ) còn ngắn; chi phí xuất cảnh cao, hồ sơ giấy tờ nhiều... người lao động khó đáp ứng.

Nhằm phát huy thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, công tác xuất khẩu lao động nhằm góp phần đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cấp ủy, chính quyền thành phố xác định tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động, công tác xuất khẩu lao động; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong loại hình doanh nghiệp về các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh để người lao động nắm bắt, tìm kiếm việc làm. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Việc làm, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật An toàn vệ sinh lao động... và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hai là, hằng năm, tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá nhu cầu về đào tạo nghề, việc làm của người lao động và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố; đánh giá thực trạng việc làm của người lao động sau khi được đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm.

Ba là, triển khai thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo chặt chẽ, hợp lý, đúng đối tượng.

Bốn là, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang và các công ty dịch vụ, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động để giới thiệu cho người lao động tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động. Các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, phường cần chủ động trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thực hiện công tác tuyển lao động địa phương đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động; tiếp tục tham mưu thực hiện có hiệu quả đưa lao động của thành phố Tuyên Quang sang làm việc thời vụ tại huyện Imsil, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc theo Thỏa thuận hợp tác..., từ đó, tạo được việc làm, thu nhập, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đào Việt Dũng

Xem tin theo ngày:   / /