Tuyên Quang - Nơi đặt nền móng quan hệ ngoại giao Việt Nam trong Cách mạng tháng Tám

Thứ Năm, ngày 29 tháng 8 năm 2024 - 09:54 Đã xem: 3617

Cách mạng Tháng Tám 1945 là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại đó là kết quả của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy nội lực tranh thủ ngoại lực của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thắng lợi đó có đóng góp quan trọng của hoạt động trên lĩnh vực ngoại giao, mà Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng là nơi ghi dấu và đặt nền móng cho hoạt động ngoại giao.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số thành viên nhóm tình báo "Con Nai" Mỹ tại Tân Trào, năm 1945. Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1942, trên thế giới, lực lượng đồng minh chống phát xít được hình thành, trong đó có Mỹ. Để ngăn chặn ảnh hưởng của Nhật ở Trung Quốc và Đông Dương, Mỹ đặt Quân đoàn không quân số 14 tại Côn Minh. Từ căn cứ này, máy bay Mỹ sẽ bay vào Việt Nam, oanh tạc các căn cứ quân sự của Nhật. Để xâm nhập vào Đông Dương, Mỹ rất cần có một đối tác hợp lý và những tin tình báo về tình hình quân đội Nhật ở Việt Nam: Các vị trí quân sự, việc chuyển quân, vũ khí, đồ tiếp tế, thời gian di chuyển… Cuối năm 1944, một máy bay của không đoàn 14 bị rơi ở Cao Bằng, viên phi công Mỹ là trung úy Sao (Shaw) nhảy dù xuống khu vực rừng núi gần tỉnh lỵ Cao Bằng, được Việt Minh cứu khỏi sự vây bắt của quân Nhật, đưa về căn cứ theo chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tại Pác Bó, Sao được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người tiếp đón ân cần và hứa sẽ đưa về trao trả cho không quân Mỹ ở Trung Quốc.

Đầu năm 1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng trung úy Sao đi Trung Quốc, nhân danh lực lượng Việt minh giải cứu cho trung úy Sao, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp xúc với tổ chức cứu trợ không quân Mỹ (AGAS). Phía Mỹ cảm ơn và tặng Việt Minh thuốc men, tiền bạc. Ngày 17/3/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có cuộc gặp SáclơPhen (Charles Fenn)-Trung úy thuộc Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS). Sáclơ Phen đã thỏa thuận trên nguyên tắc việc giúp đỡ Việt Minh. Ngày 29/3/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gặp Trung tướng Sênôn người chỉ huy cao nhất của Mỹ tại tại Côn Minh. Người khẳng định quan điểm của Việt Minh là ủng hộ và đứng về phía Đồng Minh chống phát xít Nhật. Hai bên thỏa thuận Việt Minh sẽ giúp OSS thu thập tin tức tình báo chống Nhật. Ngược lại, Việt Minh cần sự công nhận của Mỹ, và cần sự giúp đỡ về vũ khí để đấu tranh chống Nhật. Sau cuộc hội đàm này, tổ chức cứu trợ không quân Mỹ tại Côn Minh được giao hợp tác với Việt Minh trong việc đào tạo nhân viên điện đài và giữ liên lạc giữa Việt Minh với quân Đồng minh. Hai người lính Đồng minh phụ trách điện đài là Ph.Tan và Macxim cùng máy vô tuyến điện được cử đi theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sang Cao Bằng, sau đó cùng Người rời Cao Bằng về Tân Trào, Tuyên Quang; đó cũng là hai người đầu tiên của lực lượng Đồng minh đầu tiên có mặt tại căn cứ cách mạng của Việt Minh. Lúc đầu, hai người lính Đồng minh này ở cùng Bác tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, khi Bác lên ở lán Nà Nưa, một căn lán nhỏ được dựng cho họ ở, làm việc ngay gần lán Bác, được gọi là lán điện đài. Từ đây cho đến cuối tháng 8/1945, qua điện đài, lãnh tụ Hồ Chí Minh thường xuyên trao đổi công việc với lực lượng Đồng minh, thông báo tình hình Nhật ở Đông Dương và kịp thời nắm bắt tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

 Ngoài việc giữ liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh với Đồng minh, Ph.Tan và Macxim còn giúp ta huấn luyện nhân viên điện đài. Lớp học được tổ chức ngay tại chân đồi Nà Nưa, gồm một số học viên lựa chọn từ Trường Quân chính kháng Nhật. Chương trình học gồm hai phần: Phần thứ nhất là công tác tình báo do đồng chí Lê Giản giảng dạy; phần thứ hai là cách truyền tin qua máy vô tuyến điện do hai người lính Đồng minh dạy, thực hành trên máy SET.8W. Ngày 21/7/1945 Ph.Tan về Trung Quốc, tổ điện đài do Macxim phụ trách, cùng làm việc có một số cán bộ Việt Minh mới được đào tạo.

Sau khi thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa mặt trận Việt Minh và lực lượng Đồng minh, giữa tháng 6/1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và phía Đồng minh thống nhất sẽ có đại diện lực lượng Đồng minh nhảy dù xuống căn cứ của Việt Minh để tăng cường lực lượng chống phát xít. Công việc chuẩn bị đón quân Đồng minh được lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo. Bãi nhảy dù là những thửa ruộng bằng phẳng cách cây đa đầu làng Tân Lập khoảng 200 mét được chuẩn bị. Học viên trường Quân chính kháng Nhật được giao nhiệm vụ đốt lửa tại 4 ngọn đồi xung quanh làng Tân Lập và rải một tấm băng trắng tại bãi nhảy dù để làm đích cho máy bay.

16 giờ ngày 16/7/1945, toán quân Đồng minh đầu tiên mang biệt danh “Con Nai” (The Deer Team) thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ (The Office of Strategic Services - OSS), tiền thân của Cục Tình báo trung ương Mỹ (Central Interligence of America - CIA) do thiếu tá Tômat (A.K Thomas) chỉ huy đã nhảy dù xuống thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Nhóm gồm có trung sĩ Denxki, binh nhất Bruyniê người Mỹ; trung úy MôngPho, trung sĩ Lô gốt (người Pháp) và trung sĩ Phác. Đồng chí Lê Giản được Bác cử ra đón và nói chuyện với đoàn. Thiếu tá Tômát có vài lời phát biểu, đồng chí Lê Giản phiên dịch. Sau đó, nhóm được đưa đến nơi ở và đến gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Ngày 29/7/1945, đợt nhảy dù thứ hai đã được thực hiện, có một số sĩ quan  Mỹ như: Phelân, Xtôica, Hôlân, Squairơ...

Trong thời gian ở Tân Trào, thiếu tá Tômat chỉ huy nhóm “Con Nai” đã có nhiều buổi hội đàm với lãnh tụ Hồ Chi Minh về việc thành lập và huấn luyện, hướng hoạt động của lực lượng vũ trang; xây dựng sân bay... Những người lính Đồng minh đã cùng đồng chí Lê Giản chọn địa điểm, xây dựng sân bay dã chiến Lũng Cò (xã MinhThanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), tiến hành các chuyến đi khảo sát, nắm tình hình quân Nhật ở Thái Nguyên. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, 200 chiến sĩ Quân giải phóng được chọn từ các đơn vị để chuẩn bị tổ chức một đơn vị vũ trang gọi là Đại đội Việt-Mỹ. Từ ngày 9/8/1945, lực  lượng này được tập trung  trường Quân chính kháng nhật (Khuổi Kịch, Tân Trào) để huấn luyện quân sự dưới sự  hướng dẫn của các thành viên toán Con Nai. Việc huấn luyện được tiến hành rất gấp rút, hàng ngày từ 5h30 sáng tới 5 giờ chiều, học viên được hướng dẫn chiến thuật, cách sử dụng súng các loại vũ khí của Mỹ như: Các bin, tiểu liên Tôm xơn, Bazôka, súng cối, lựu đạn… Người Mỹ đã thả dù, dùng trực thăng tiếp tế vũ khí, lương thực cho biệt đội Con Nai và Việt Minh.

Cuối năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai đã đi vào giai đoạn cuối. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản, ngày 15/8/1945, đạo quân Quan Đông của Nhật bị tiêu diệt, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Chớp thời cơ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 16/8/1945, Đại đội Việt - Mỹ do đồng chí Đàm Quang Trung làm đại đội trưởng, thiếu tá Tômat làm cố vấn tham mưu đã được thành lập, với quân số khoảng 200 người, trang bị vũ khí gồm: 1 đại liên, 2 súng cối 60mm, 4 khẩu Bazôca, 8 trung liên Brennơ, 20 tiểu liên Tôm xơn, 60 các bin, 4 súng trường, 20 súng ngắn… rời Tân Trào, cùng lực lượng Giải phóng quân tiến sang Thái Nguyên. Những người Mỹ trong toán "Con nai" cũng cùng hành quân, song họ được lệnh không tham gia chiến đấu mà chỉ giữ vai trò quan sát. Khi Thái Nguyên được giải phóng, họ cùng đại quân tiến về thủ đô Hà Nội. Ngày 9/9/1945, theo lệnh của Chính phủ Mỹ, thiếu tá Tômat và những sĩ quan tình báo trong toán "Con Nai" chấm dứt nhiệm vụ của họ và rời khỏi Việt Nam.

Như vậy, tại Tuyên Quang ngay từ những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã chứng kiến những hoạt động ngoại giao đầu tiên Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra các quan hệ ngoại giao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí minh nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của thế giới vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hợp tác Việt Nam  và lực lượng Đồng minh là một sách lược mềm dẻo, khôn khéo của Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện quốc tế phức tạp để đạt được mục tiêu chiến lược của mình.  Đó là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và cũng có thể coi là viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền ngoại giao cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Sự kiện này cũng góp phần khẳng định thêm vị thế Thủ đô Khu giải phóng của Tuyên Quang.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. OSS và Hồ Chí Minh đồng minh bất ngờ trong cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006.

2. Ngô Quân Lập: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014.

3. Tuyên Quang Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám và Cách mạng Tháng Tám với công cuộc đổi mới đất nước (kỷ yếu Hội thảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

Xem tin theo ngày:   / /