Bảo đảm an toàn cho người lao động

Thứ Sáu, ngày 30 tháng 8 năm 2024 - 07:41 Đã xem: 1159

Theo khoản 2, khoản 3 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, an toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Trong nhiều năm qua, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân và người lao động luôn là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định một trong các quyền cơ bản của người lao động là “được làm việc đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc”. Với những nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân lao động, công tác an toàn, vệ sinh lao động thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tiếp tục được kiểm soát. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình tai nạn lao động vẫn xảy ra ở một số nơi cho thấy cần phải quan tâm hơn nữa đến việc bảo đảm an toàn cho người lao động. Theo Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động, để giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra cũng như hạn chế sự thương tổn đối với sức khỏe con người, các đơn vị sử dụng lao động, các nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở. Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ các kỹ năng vận hành máy móc cho người lao động trước khi sử dụng, tránh trường hợp người lao động chưa biết sử dụng mà vẫn cố khởi động dẫn đến những tai nạn bất ngờ.

Cùng với đó, các đơn vị cần tổ chức các buổi huấn luyện, tập luyện nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cũng như xử lý nhanh các tình huống nhằm giảm bớt các hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những địa điểm diễn ra việc thi công công trình; đồng thời có các biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết. Ngoài ra hằng năm, người sử dụng lao động cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng chú trọng phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo đời sống và sức khỏe của người lao động. Bên cạnh đó, cần phát huy tốt vai trò tổ chức công đoàn trong công tác tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động để nâng cao trình độ kiến thức tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc và trách nhiệm trong lao động sản xuất; tiếp tục duy trì chế độ đối thoại các cấp về an toàn, vệ sinh lao động, phúc lợi xã hội để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.

Trong thời gian tới, để bảo đảm an ninh, an toàn cho người lao động, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Thứ nhất, đối với người lao động: (1) Chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao. (2) Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao. (3) Phải tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. (4) Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn, vệ sinh lao động, hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp: Cần tăng cường giám sát chặt chẽ, chỉ đạo thực hiện đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho người tham gia lao động. Doanh nghiệp cần trang bị những đồ bảo hộ cần thiết, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe của con người; Cho người lao động tham gia các lớp đào tạo, tập huấn các kỹ năng và chuyên môn để chủ động phòng tránh; Bố trí các biển báo hợp lý tại các vị trí nguy hiểm. Các biển này phải rõ ràng, dễ nhận biết để mọi người chú ý; Người lao động cần được thăm khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo an toàn khi tham gia sản xuất; Các trang thiết bị trong dây chuyền sản xuất cần được bảo trì, sửa chữa thường xuyên để không phát sinh tai nạn ngoài ý muốn; Không sử dụng người lao động khi chưa được tham gia tập huấn, tìm hiểu về các biện pháp đảm bảo an toàn khi lao động.

Thủy Hải 

Nguồn: Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo.

Xem tin theo ngày:   / /