Tư tưởng suốt đời vì nước, vì dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Sáu, ngày 30 tháng 8 năm 2024 - 16:50 Đã xem: 1271

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những giá trị đạo đức cao đẹp của một nhân cách vĩ đại, chứa đựng giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Nội dung của Di chúc thể hiện những quan điểm cơ bản, cốt yếu trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam trong hiện tại và cả tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(1) thể hiện tâm nguyện của một lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân.

Với niềm lạc quan, tin tưởng chắc chắn: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”(2), điều Người quan tâm là sau khi đất nước độc lập, thống nhất, Đảng phải có kế hoạch để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và phát triển đất nước. Người căn dặn trước hết về Đảng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.”(3). Để Đảng đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng tới bến bờ vinh quang, trước hết, mỗi đảng viên phải rèn luyện đạo đức cách mạng, trở thành những đảng viên kiên trung của Đảng.

Người dành sự quan tâm cho tất cả mọi người, không sót một ai: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “ tự lực cánh sinh” (4). Đối với các liệt sỹ, Người căn dặn: “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta”(5). Người quan tâm đến cha, mẹ, vợ, con các liệt sĩ; những người trong lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, phụ nữ, nông dân… Ngay cả những nạn nhân của xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu…, Người cũng dành tình thương yêu, sự quan tâm đối với họ, tạo điều kiện cho họ lao động sản xuất, trở thành người lương thiện.

Suốt cả cuộc đời, Người luôn chăm lo cho dân, cho sự phát triển của dân tộc, của đất nước. Người chỉ ra cách thức để Đảng tiến hành đối với từng đối tượng để mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân”(6)…Những chỉ dẫn về nội dung công việc sau chiến tranh giống như một bức tranh toàn cảnh, rõ nét mà mỗi người dân Việt Nam đều thấy mình trong đó, cảm nhận tình thương yêu mênh mông, bao la của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng: công việc sau khi kết thúc chiến tranh rất nặng nề và phức tạp. Đó là “một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” (7) . Vì vậy, toàn Đảng toàn quân, toàn dân phải đoàn kết, phấn đấu, mỗi cán bộ đảng viên không ngừng tiên phong, gương mẫu để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới như mong muốn của Người trước lúc đi xa.

Làm theo chỉ dẫn của Người, năm mươi lăm năm qua, đất nước đã thực sự đổi mới. Đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của lớp lớp cán bộ, đảng viên trung thành của Đảng, giữ vững bản lĩnh chính trị, truyền thống của dân tộc, nguyện suốt đời học tập và làm theo Bác; là kết quả của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng đưa đất nước ngày càng phát triển. Theo cách nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và y tín quốc tế như ngày nay”. Đó là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam. Tuy nhiên, trước những cám dỗ vật chất, một số cán bộ, đảng viên đã không thắng nổi chủ nghĩa cá nhân, sa ngã, làm giảm uy tín của Đảng, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Học tập tinh thần suốt đời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt làm theo những chỉ dẫn của Người trong Di chúc, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/6/2024 của Bộ Chính trị Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Mỗi hành động, việc làm của cán bộ, đảng viên phải thể hiện tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, Nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững bản lĩnh chính trị, nói không với chủ nghĩa cá nhân, độc đoán chuyên quyền, tham ô, tham nhũng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cán bộ, đảng viên phải gắn bó với Nhân dân, có mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Thấm nhuần tư tưởng của Bác về hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

Kỷ niệm 55 năm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để cán bộ, đảng viên kiểm điểm lại những việc đã làm được và chưa làm được theo căn dặn của Người, phấn đấu suốt đời vì nước, vì dân như tấm gương sáng ngời của Bác.

Nguyễn Nhung

  1. (2)(3)(4)(5)(6)(7) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập 15, trang 623, 621, 622, 616, 617, 622

Xem tin theo ngày:   / /