Bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai

Thứ Hai, ngày 2 tháng 9 năm 2024 - 15:44 Đã xem: 1020

Theo Luật Phòng thủ dân sự số 18/2023/QH15, ngày 20/6/2023, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước. Tổ chức lại Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm chủ trì tham mưu cho Ban chỉ đạo trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành về phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

Luật phòng thủ dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Do đó, trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp, để bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024, trong đó giao nhiệm vụ: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục sử dụng tổ chức bộ máy, phương tiện, trang thiết bị hiện có để tổ chức theo dõi, giám sát, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai (bao gồm việc tổ chức vận hành các hồ chứa nước theo các quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông), tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai từ ngày 01/7/2024 đến thời điểm Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp được kiện toàn theo quy định của Luật phòng thủ dân sự và đi vào hoạt động nhằm bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, kịp thời, hiệu quả, không xảy ra khoảng trống, gián đoạn trong công tác theo dõi, giám sát, tham mưu, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai (nhất là thời điểm hiện nay đang là thời kỳ cao điểm về nguy cơ xảy ra bão, mưa lũ).

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, ngày 12/8/2024 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Văn bản số 3165-CV/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động, trong đó yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt một số nội dung: (1) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, của tỉnh về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Khẩn trương rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phương án, kế hoạch, biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, động đất, tai nạn lao động bảo đảm phù hợp, hiệu quả với từng tình huống, địa điểm, khu vực cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn theo từng cấp độ. (2) Thực hiện kịp thời chế độ, chính sách, các hoạt động hỗ trợ, động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với gia đình, nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai, động đất, tai nạn lao động, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài; chủ động huy động, ưu tiên và linh hoạt sử dụng các nguồn lực, kinh phí để giải quyết ngay các yêu cầu cấp bách liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, động đất, tai nạn lao động, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng đối tượng, không để thất thoát, tiêu cực,... (3) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện công tác khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực các hồ thủy điện, thủy lợi đang gặp hiện tượng động đất kích thích để xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, xây dựng các phương án sơ tán người dân, tài sản đến những nơi an toàn, đảm bảo ổn định cả trước mắt và lâu dài. Chủ động rà soát, triển khai phương án di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất,... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động cho người dân để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. (4) Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, tai nạn lao động. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống, tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng./.

Thủy Hải

Xem tin theo ngày:   / /