Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tôn Đức Thắng và đồng chí Võ Nguyên Giáp với các đại biểu dự Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng ở xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang (tháng 02/1951)
Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bộ, ban, ngành Trung ương tới Tuyên Quang - Trung tâm căn cứ địa Việt Bắc lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Khi mới di chuyển lên Tuyên Quang, đồng chí Tôn Đức Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở, làm việc tại Làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương.
Giai đoạn 1947 - 1949, đồng chí Tôn Đức Thắng đã ở, làm việc tại nhiều địa điểm thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, như: Thôn Niếng, xã Minh Thanh; thôn Tân Lập, xã Tân Trào; Bản Chương, xã Hùng Lợi; thôn Yên Thượng, xã Trung Yên; Đồng Man - Lũng Tẩu, xã Tân Trào. Thời gian này, đồng chí đảm nhiệm nhiều chức vụ (Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương và Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ) và có nhiều hoạt động, cống hiến cho cách mạng. Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn khắc phục mọi khó khăn gian khổ cùng với Quốc hội, Chính phủ tổ chức, động viên mọi tầng lớp nhân dân thi đua kháng chiến, kiến quốc, đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các tổ chức nhà nước, đoàn thể, thúc đẩy bộ máy kháng chiến hoạt động mạnh mẽ, có hiệu quả. Phát động phong trào thi đua nhằm mục đích “Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công”; “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”...
Cuối năm 1949, trên cương vị Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, đồng chí và Ban Thường trực Quốc hội luôn cùng Hội đồng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo kịp thời cuộc kháng chiến. Tháng 9/1949, đồng chí cùng Ban Thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ đã tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ do ông Lê Đình Thám làm trưởng đoàn ra báo cáo với Trung ương về tình hình kháng chiến ở địa phương; tháng 10/1949 làm việc với Đoàn đại biểu Nam Bộ, gồm các ủy viên kháng chiến hành chính, các ủy viên quân sự và đại biểu các đoàn thể quần chúng do đồng chí Phạm Hùng làm trưởng đoàn ra báo cáo với Chính phủ về tình hình kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Đầu năm 1950, tại Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng với cương vị cương vị Trưởng Ban thi đua ái quốc Trung ương, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trình bày báo cáo về đẩy mạnh thi đua, nhằm đúng hướng chính. Với tinh thần “tự chỉ trích”, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, báo cáo đã chỉ ra những khuyết điểm chính như “quan niệm thi đua chưa được rõ và thống nhất, do đó sinh ra những sai lầm về lãnh đạo và tổ chức”. “Thi đua không nhằm đúng hướng chính nên hao phí nhân lực, vật lực, tài lực và thì giờ vào nhiều công việc chưa cần thiết...”. Với quan niệm đúng đắn “thi đua là một thuật động viên, một phương thức lãnh đạo để thực hiện những công việc hàng ngày với một mức độ cao hơn trong một thời gian ngắn hơn”, đồng chí khẳng định thi đua “nhằm đúng hướng chính, động viên nhân lực, vật lực, tài lực, chuyển mạnh sang tổng phản công”. Để làm tốt việc này, cách làm là phải gây ra một nơi thi đua kiểu mẫu và rút những kinh nghiệm thi đua ở đó để phổ biến cho những nơi khác theo gương.
Tháng 10/1950, đồng chí Tôn Đức Thắng chủ trì Hội nghị hòa bình ba nước Đông Dương được tổ chức tại xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa với sự tham gia của khoảng 100 đại biểu đại diện 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Tại Hội nghị, các đại biểu được thông báo tình hình chiến sự thế giới, cùng bàn bạc những nội dung thực hiện tinh thần đoàn kết, ý chí cách mạng, hợp nhất sức mạnh tổng hợp, đồng tâm đứng lên chống lại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp. Tháng 12/1950, thay mặt Thường vụ Quốc hội, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đọc lời hiệu triệu, điểm lại những thắng lợi chúng ta đã giành được 04 năm qua kể từ sau chiến thắng Việt Bắc Thu đông năm 1947 và khẳng định “Những thắng lợi trên, đồng bào nên nhớ: Chúng ta đã mua bằng sự gian khổ vô cùng, sự hy sinh tuyệt mực. Nhiệm vụ mỗi người công dân ta phải giữ vững lấy những chiến thắng ấy và khuếch trương nó ra”. Cuối cùng, đồng chí kêu gọi: “Ở tiền tuyến, ở hậu phương, ở trong nước, ở ngoài nước, già, trẻ, gái, trai, không kể tôn giáo gì, chính kiến gì, đều phải thi đua bằng mọi cách để giết giặc cứu nước, để giải phóng cho dân tộc và góp phần vào sự nghiệp xây dựng hòa bình chung của thế giới”.
Đầu năm 1951, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng Ban Thường trực Quốc hội ở và làm việc tại xã Xuân Quang, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa và tham gia chuẩn bị các nội dung cho Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng. Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951 tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Tôn Đức Thắng đọc Diễn văn khai mạc Đại hội, nêu rõ tình hình thế giới, cách mạng Đông Dương và quá trình hoạt động của Đảng ta từ Đại hội lần thứ nhất đến năm 1950 và những nhiệm vụ lịch sử của Đại hội lần này. Với tư cách là đại biểu Đảng đoàn Hội Liên Việt, đồng chí đã đóng góp nhiều ý kiến về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận dân tộc thống nhất, về củng cố khối đại đoàn kết trong kháng chiến. Trong diễn văn bế mạc Đại hội, đồng chí tổng kết đi đến thống nhất bảy vấn đề cơ bản: Tính chất cách mạng Việt Nam, con đường tới chủ nghĩa xã hội, chính sách ruộng đất, chính sách đại đoàn kết để kháng chiến và kiến quốc, vấn đề nhân dân dân chủ chuyên chính, về lãnh đạo kháng chiến, vấn đề Đảng Lao động. Đồng chí tiếp tục được Đại hội bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Tại Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tổ chức vào tháng 3/1951 tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội đã quyết định thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành một mặt trận dân tộc thống nhất, lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên - Việt, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu là Chủ tịch Mặt trận Liên - Việt. Cũng trong năm 1951, đồng chí dự hội nghị liên minh nhân dân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc.
Cuối năm 1952, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng Ban Thường trực Quốc hội và Mặt trận Liên Việt chuyển về Sơn Dương ở và làm việc tại thôn Chi Liền, thôn Đồng Mà, xã Trung Yên và thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương. Đầu năm 1953. Tại đây đã diễn ra nhiều Hội nghị ghi dấu vai trò của đồng chí Tôn Đức Thắng, như: Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Liên Việt toàn quốc ra Nghị quyết về công tác trọng tâm năm 1953 là thực hiện nghiêm chỉnh chính sách ruộng đất của Đảng; kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa I thông qua Luật cải cách ruộng đất và thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến - một quốc sách đáp ứng ý chí, nguyện vọng và quan hệ đến hạnh phúc của toàn dân, đến thắng lợi của kháng chiến.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ngày 28/7/1954, thay mặt Ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Tôn Đức Thắng đã ra Lời kêu gọi về việc ký kết các hiệp định đình chiến ở Đông Dương, nêu rõ: “Nhận định rõ bước thắng lợi đã qua, vững bước đi con đường hòa bình hiện tại, dưới ngọn cờ quang vinh của Hồ Chủ tịch, đồng bào toàn quốc hãy cùng nhau đoàn kết chặt chẽ, đồng tâm nhất trí thực hiện những nhiệm vụ mới do tình hình đặt ra: củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ”.
Trên những cương vị, trọng trách khác nhau, với những hoạt động sôi nổi, hiệu quả trên mọi lĩnh vực trong thời gian ở Tuyên Quang, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân. Đặc biệt, đồng chí đã đóng góp quan trọng trong việc bồi đắp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, giải quyết thành công trong cả lý luận và thực tiễn mối quan hệ giữa dân tộc - giai cấp, giữa quyền lợi của dân tộc với lợi ích của bộ phận để xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc; góp phần quan trọng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện cải cách ruộng đất, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta và tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ nền hòa bình thế giới.
Tuyên Quang luôn tự hào có được những tháng năm gắn bó với đồng chí Tôn Đức Thắng và nhận được sự quan tâm của đồng chí. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô kháng chiến, tỉnh Anh hùng, học tập nhân cách, tấm gương cao đẹp của đồng chí Tôn Đức Thắng, nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, tỉnh Tuyên Quang luôn phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng qua các thời kỳ cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đó cũng chính là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với những cống hiến, công lao to lớn của đồng chí Tôn Đức Thắng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam./.
Nguyễn Văn Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tôn Đức Thắng - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
2. Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.
3. Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy An Giang: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh đồng chí Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2018).
4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Tuyên Quang hình ảnh lịch sử cách mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
5. Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào: Lý lịch di tích Ban Thường trực Quốc hội, 2014.
6. Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào: Lý lịch di tích lán ở, làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng, 2014.