Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau phiên họp Hội đồng Chính phủ tại chân đèo De, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (năm 1950). Ảnh: Tư liệu
Tháng 5/1945, trước những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam và thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước đã đến gần, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định chuyển từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào - Tuyên Quang làm Thủ đô Khu Giải phóng. Với quyết định đó, Tuyên Quang trở thành nơi ở và làm việc của lãnh tụ Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng.
Tháng 6/1945, đồng chí Phạm Văn Đồng ở, làm việc tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Tại đây, đồng chí tham gia thành lập Khu giải phóng; giảng dạy tại Trường Quân chính kháng Nhật mở tại Khuổi Kịch, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 14 - 15/8/1945, đồng chí tham dự Hội nghị toàn quốc của Đảng tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ngay sau Hội nghị toàn quốc của Đảng, ngày 16 và 17/8/1945 đồng chí Phạm Văn Đồng dự Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào và được bầu vào Ban Thường trực thuộc Ủy ban giải phóng dân tộc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thi hành chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng ở lại Tân Trào giúp chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc củng cố, bảo vệ căn cứ địa cách mạng trước khi về thủ đô Hà Nội.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ, tháng 02/1949, đồng chí Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng điều lên Việt Bắc để nhận công tác mới, đồng chí được bổ sung là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ cuối tháng 7/1949 đến tháng 9/1950, đồng chí Phạm Văn Đồng ở và làm việc tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương. Tại đây, đồng chí đã tham gia nhiều cuộc họp quan trọng của Chính phủ để đánh giá tình hình trong nước và thế giới, quyết đáp nhiều vấn đề quan trọng về đường lối kháng chiến kiến quốc, như: Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng (từ ngày 21/01-03/02/1950) thảo luận, nghiên cứu và đề ra những chủ trương và biện pháp đưa cuộc kháng chiến lên bước phát triển mới. Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày báo cáo Phải kiện toàn chính quyền nhân dân để tổng phản công và kiến thiết chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam. Báo cáo đã khái quát một số nội dung về vấn đề xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân trong điều kiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Những quan điểm trong báo cáo của đồng chí Phạm Văn Đồng là rất cụ thể, chính xác, tới nay vẫn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao.
Thu Đông năm 1950, đồng chí Phạm Văn Đồng cùng Văn phòng Chủ tịch Phủ, Thủ tướng Phủ chuyển đến ở và làm việc tại xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa. Trong thời gian làm việc ở đây, đồng chí Phạm Văn Đồng đã hoàn thiện báo cáo Mấy vấn đề cốt yếu của chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam để trình bày tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng.
Từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng họp tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tại Đại hội, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc báo cáo Mấy vấn đề cốt yếu của chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam. Báo cáo có 4 phần chính: Nguồn gốc của chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam; nhiệm vụ cách mạng, nội dung giai cấp và hình thức của chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam; thực hiện chính quyền dân chủ nhân dân; Đảng Lao động Việt Nam và chính quyền dân chủ nhân dân Việt Nam. Đồng chí Phạm Văn Đồng được Đại hội bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; được phân công làm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Tiểu ban Miên - Lào, thành viên Ban Tuyên huấn Trung ương. Cũng trong thời gian này, đồng chí Phạm Văn Đồng đã dự Hội nghị liên minh nhân dân ba nước Việt - Miên - Lào và được bầu vào Uỷ ban Liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào.
Từ tháng 5/1951, đồng chí Phạm Văn Đồng trở lại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Thời gian ở đây, đồng chí đã có nhiều bài viết để quán triệt các nội dung chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, như: Ngày 02/9/1951, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 6 Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí viết bài đăng trên báo Nhân dân quán triệt việc kiện toàn bộ máy chính quyền; Mấy vấn đề cấp bách về kinh tế - tài chính (năm 1951); Mấy công tác lớn năm 1951; Bàn về kế hoạch sản xuất và tiết kiệm (năm 1952); Báo cáo tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ kiểm điểm công tác 6 tháng cuối năm 1952, Tham luận tại Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Ủy ban Liên Việt toàn quốc (tháng 02/1953),...
Đầu năm 1953, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định mở cuộc vận động phóng tay phát động quần chúng triệt để thực hiện giảm tô và tiến hành cải cách ruộng đất. Đồng chí Phạm Văn Đồng được Đảng và Chính phủ phân công chuẩn bị và là một trong những người trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động này. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ IV (khóa II, tháng 01/1953), đồng chí đã trình bày dự thảo báo cáo Cương lĩnh về chính sách ruộng đất của Đảng. Dự thảo được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ V (tháng 11/1953) thảo luận, bổ sung và trở thành Cương lĩnh ruộng đất của Đảng. Đầu tháng 3/1953, tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng trình bày báo cáo Mục đích, phương châm, kế hoạch phát động quần chúng và nhiệm vụ của chính quyền trong phát động quần chúng. Cuộc họp đã thảo luận, bổ sung và thông qua báo cáo, cụ thể hóa trong các văn bản về chính sách ruộng đất của Đảng, về phát động quần chúng và trình Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa I (tháng 12/1953), đồng chí Phạm Văn Đồng đã trình bày dự thảo Luật Cải cách ruộng đất được Quốc hội thảo luận, bổ sung và biểu quyết thông qua. Cùng với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí đã tham gia một số lớp tập huấn cán bộ làm công tác cải cách ruộng đất.
Để bảo đảm các điều kiện cho chiến trường, tháng 6/1953, Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp Mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng là Chủ tịch. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo huy động tối đa sức người, sức của cho các trận đánh lớn trên các chiến trường Đông Xuân 1953 - 1954. Sự chuẩn bị chu đáo về lực lượng và công tác hậu cần, tạo thuận lợi để Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tổng tham mưu triển khai kế hoạch tác chiến trên chiến trường chính Bắc Bộ, chiến trường Lào và Đông Bắc Campuchia.
Đầu năm 1954, đồng chí chuyển đến ở, làm việc tại thôn Làng Nhà, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Từ đây, tháng 3/1954, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đi dự Hội nghị Giơnevơ bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình trên bán đảo Đông Dương. Sau 75 ngày làm việc căng thẳng, đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đã giành thắng lợi.
Công lao và cống hiến của đồng chí Phạm Văn Đồng với Đảng ta, dân tộc ta là rất to lớn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn tự hào có được những tháng năm gắn bó với đồng chí Phạm Văn Đồng. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, tỉnh Anh hùng, học tập nhân cách, tấm gương cao đẹp của đồng chí Phạm Văn Đồng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, tỉnh Tuyên Quang luôn phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng qua các thời kỳ cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đó cũng chính là sự tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đối với những cống hiến, công lao to lớn của đồng chí Phạm Văn Đồng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Văn Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Văn Đồng - Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 115 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (01/3/1906 - 01/3/2021).
3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Tuyên Quang hình ảnh lịch sử cách mạng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.
4. Tỉnh ủy Tuyên Quang - Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản: Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám và Cách mạng Tháng Tám với công cuộc đổi mới đất nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2015.
5. Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào: Lý lịch di tích nhà ở và làm việc của Phó thủ tướng chính phủ Phạm Văn Đồng và Phòng 7.