Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá cao

Thứ Năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024 - 17:49 Đã xem: 139

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc, trở thành thành viên thứ 149, đã tích cực đóng góp vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, phát triển kinh tế xã hội, môi trường, bảo vệ nhân quyền, bình đẳng giới và phát triển bền vững được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Trưởng đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Liên Hợp Quốc là một tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1945 sau Thế chiến II, nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và điều phối các nỗ lực quốc tế vì những mục tiêu chung. Với 193 quốc gia thành viên, Liên Hợp Quốc hoạt động thông qua các cơ quan chính như  Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, và nhiều tổ chức phụ thuộc như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNESCO và UNICEF.

Ngày 20/9/1977, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, khi chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Liên Hợp Quốc. Sự kiện này không chỉ thể hiện sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, mà còn mở ra một chương mới trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương, duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững. Ngay sau khi chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã xác định rõ tầm nhìn và mục tiêu của mình trong tổ chức quốc tế lớn nhất này. Việt Nam cam kết duy trì và bảo vệ hòa bình, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc [1].

Trong giai đoạn đầu tham gia, Việt Nam không chỉ tập trung vào các vấn đề hòa bình và an ninh, mà còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua việc thúc đẩy quan hệ hợp tác đa phương. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc đóng góp vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc đã tạo dựng hình ảnh một quốc gia chủ động, sẵn sàng tham gia vào các diễn đàn quốc tế để giải quyết các thách thức chung toàn cầu.

Việt Nam đã chứng minh năng lực và tầm ảnh hưởng của mình thông qua việc tham gia vào các cơ chế quan trọng của Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế. Với vai trò này, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng như việc thúc đẩy các nghị quyết về bảo vệ dân thường trong xung đột, ứng phó với hậu quả của chiến tranh và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) và nhiều cơ chế quan trọng khác của Liên Hợp Quốc. Những đóng góp tích cực của Việt Nam vào các cơ chế này đã giúp nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị nhân quyền, bình đẳng giới, và phát triển bền vững.

Một trong những thành tựu đáng chú ý của Việt Nam trong vai trò thành viên Liên Hợp Quốc là việc thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Việt Nam đã triển khai hàng loạt chính sách, chương trình nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và cải thiện chất lượng sống cho người dân. Điều này không chỉ giúp Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà còn tạo đà cho việc triển khai mục tiêu phát triển bền vững một cách hiệu quả [2].

Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong năm 2023, đạt được một số kết quả nhất định, thể hiện ở một số chỉ tiêu về xóa nghèo, các hệ thống và biện pháp an sinh xã hội, bao gồm cả các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả trên toàn quốc. Việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế luôn được quan tâm, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 3,2%, (giảm 1,1% so với cuối năm 2022); 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói. Xếp hạng toàn cầu về thực hiện phát triển bền vững (SDGs) được xây dựng và công bố hằng năm trong báo cáo phát triển bền vững về trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời, đạt mục tiêu [3].

Đặc biệt, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường năng lượng tái tạo, và xây dựng các mô hình kinh tế xanh, bền vững.

Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc triển khai sáng kiến Thống nhất hành động của Liên Hợp Quốc. Sáng kiến này nhằm mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc ở cấp quốc gia, giúp tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức trong việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển. Việc Việt Nam tham gia tích cực vào sáng kiến này không chỉ thể hiện sự cam kết của quốc gia đối với các mục tiêu phát triển chung, mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác đa phương. Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc và ghi được nhiều dấu ấn Việt Nam tại các cơ quan như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 2020 – 2021), thành viên Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) 2021-2023, Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022-2025, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 77 (9/2022-9/2023); các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) (Hội đồng Chấp hành UNESCO 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa 2021-2025, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2022-2026); Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) 2023-2027; Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025; Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023-2027.

Với những thành tựu nổi bật và đóng góp tích cực trong suốt hơn 47 năm qua, Việt Nam đã khẳng định vai trò của mình như một thành viên trách nhiệm và tích cực của Liên hợp Quốc. Hiện tại và tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác đa phương, bảo vệ hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Đỗ Hồng Thanh

1. T. Lan, Dấu ấn Việt Nam trên chặng đường 46 năm tham gia Liên hợp quốc, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 19/9/2023.

2. TS. Phùng Mạnh Trường, Tiêu chuẩn thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Tạp chí Khoa học & Công nghệ, Số 1+2, năm 2023.

3. Thuý Quyên, Tình hình thực hiện các mục tiêu phá ttriển bền vững năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 30/7/2024.

 

 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Xem tin theo ngày:   / /