Những chỉ dẫn của Bác Hồ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian ở Tuyên Quang

Thứ Năm, ngày 19 tháng 9 năm 2024 - 17:55 Đã xem: 820

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ và luôn quan tâm chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo Người, đội ngũ cán bộ là sợi dây chuyền kết nối Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là nòng cốt vận động tổ chức, lãnh đạo phong trào cách mạng của Nhân dân. Xuất phát từ quan điểm: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1), công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được đặt lên hàng đầu.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet. 

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc tại Tuyên Quang gần 6 năm. Tại đây, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đến thắng lợi, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên của độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Trong thời gian hoạt động tại Tuyên Quang, một trong những hoạt động ghi dấu ấn sự cống hiến của Người đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Tháng 5 năm 1945, khi từ Pác Bó, Cao Bằng về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang chuẩn bị các điều kiện để Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ theo Nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc kỳ (tháng 4/1945). Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 25/6/1945, Trường Quân chính Kháng Nhật, - tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân I ngày nay đã khai giảng khóa đầu tiên tại Khuổi Kịch, Tân Trào, huyện Sơn Dương. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã biên soạn cuốn sách “Cách đánh du kích” làm tài liệu giảng dạy chiến thuật. Người đã có những chỉ dẫn quý giá đối với việc giảng dạy, học tập của cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường. Đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trường đã đào tạo được 3 khóa với 243 cán bộ quân sự làm nòng cốt cho lực lượng quân sự non trẻ của Nhà nước Việt Nam mới.

Tháng 01/1949, trong thời gian ở và hoạt động cách mạng tại Lũng Tẩu, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tại Hội nghị cán bộ Trung ương 6 của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Ta thiếu nhiều cán bộ quá”. Người chỉ thị: “Phải đào tạo huấn luyện cho dần dần có đủ. Muốn có nhiều cán bộ, Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ tự học tập. Đảng đã giúp, cán bộ phải chịu khó học. Đồng chí ta nhiều người kinh nghiệm thực hành khá, nhưng về văn hóa thì i tờ. Những đồng chí trí thức đọc nhiều nhưng không có kinh nghiệm công tác, chưa quen nền nếp làm việc của Đảng. Vậy phải nâng cao lý luận cho cán bộ cũ và dạy cho cán bộ trí thức làm công tác quần chúng”(2). Người lưu ý: chú trọng dạy đạo đức cho cán bộ: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước… Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính”(3). Cũng tại Lũng Tẩu, thôn Tân Lập, cùng thời gian này, Người đã gửi thư cho cán bộ, dân quân trường Lê Bình khóa II, chỉ dẫn việc học kiến thức quân sự của cán bộ cách mạng, đồng thời nhắc nhở cán bộ, học viên phải hăng hái thi đua ái quốc, thúc đẩy tinh thần học tập cho cán bộ, giảng viên và học viên.

Ngày 09/11/1949, trong thời gian ở và làm việc tại Khấu Lấu - Vực Hồ, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giáo viên và học sinh lớp “Chuẩn bị tổng phản công” Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn, nhắc nhở về cách thức và chương trình học tập để đạt kết quả tốt. Người viết: “Các cháu phải ra sức thi đua: Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng…”(4). Cũng tại đây, Tháng 5/1950, nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, Người cho rằng huấn luyện phải thiết thực, chu đáo, tránh “hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực chu đáo”(5), phải khắc phục hai khuyết điểm: “1. Lớp quá đông; 2. Mở lớp lung tung”(6).

Trong Báo cáo chính trị Đại hội II của Đảng tháng 2/1951 tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì việc học tập chủ nghĩa còn kém, cho nên tư tưởng của nhiều cán bộ và đảng viên chưa thuần thục, trình độ lý luận còn non nớt. Do đó, trong khi thi hành chính sách của Đảng và của Chính phủ, đã xảy ra những khuynh hướng sai lầm hoặc “tả” hoặc “hữu”… Người nhấn mạnh: một trong những việc cần kíp của Đảng là: “học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận…”(7).

Tháng 9/1952, trong thời gian làm việc tại Hang Bòng, thôn Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại buổi Lễ khai mạc Lớp Chỉnh huấn khóa 2 của Trung ương. Người căn dặn một số khuynh hướng không đúng trong học tập như khuynh hướng “chẻ sợi tóc làm đôi”, “một lòng nén không tiêu”, “tự mãn”(8)

Những chỉ dẫn của Người về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời gian ở Tuyên Quang cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với cán bộ. Học tập và làm theo Bác, tỉnh Tuyên Quang đã có một đội ngũ cán bộ đủ đức, tài, đưa tỉnh ngày càng đạt nhiều thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong giai đoạn cách mạng mới, đội ngũ cán bộ tỉnh Tuyên Quang cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu đưa tỉnh trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.  

Nguyễn Nhung

  1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, 2021, tập 5, trang 309
  2. (3)(4)(5)(6) Sđd, tập 6, trang 11, 243,356, 362

(7)(8) Sđd, tập 6, trang 33,494

TK: Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, NXBCTQGST, Hà Nội 2020, trang 124-135

Xem tin theo ngày:   / /