Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp - Bài 1: Tăng trưởng ấn tượng

Thứ Ba, ngày 1 tháng 10 năm 2024 - 07:30 Đã xem: 1391

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU về phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân sản xuất công nghiệp tăng trên 14,4%, giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt 27.700 tỷ đồng, trong đó, phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế tỉnh. Tiếp tục tuyến bài về thành tựu nhiệm kỳ, từ số này Báo Tuyên Quang giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài về thành tựu trong sản xuất công nghiệp.

Bằng những bước đi phù hợp theo tinh thần “mở cửa đón các nhà đầu tư”, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả ấn tượng. Theo đánh giá của ngành công thương, nhiệm kỳ này là một trong những nhiệm kỳ có giá trị sản xuất công nghiệp tăng ổn định và đều so với nhiều nhiệm kỳ trước. 

Nhiều dự án công nghiệp lớn đi vào hoạt động

Theo đánh giá thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII, tốc độ tăng trưởng bình quân sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trên 14,4%, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2020 đạt 13.829,9 tỷ đồng, mục tiêu đến năm 2025 đạt 27.700 tỷ đồng, trong đó, phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo báo cáo ngành Công thương, đến hết tháng 9-2024, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 23.730 tỷ đồng, tăng 115,8% so với cùng kỳ, một trong những lý do giúp giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt được đà tăng trưởng là do công tác thu hút đầu tư có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thu hút 29 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2024 đã có 44 hồ sơ đề nghị chủ trương đầu tư dự án, 22 hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó, đã phê duyệt 6 hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 2 dự án với số vốn trên 82,7 tỷ đồng.

Công nhân Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang sản xuất gỗ ép xuất khẩu.

Các dự án công nghiệp có tác động lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh được ưu tiên tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhiệm kỳ này, số lượng nhà máy điện được khởi công, đi vào hoạt động tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có 5 dự án phát điện ổn định với tổng công suất 480 MW/năm, 1 dự án thủy điện đang khởi công, 2 nhà máy điện sinh khối, 6 dự án thủy điện nhỏ đã có chủ trương đầu tư, năng lượng tái tạo đang được phát triển như điện sinh khối, điện gió, điện mặt trời... Tỉnh cũng đưa vào hoạt động một loạt dự án công nghiệp như Nhà máy chế biến nông sản JW, nhà  máy sản xuất giấy Tissue của Công ty cổ phần Hồng Phát Tuyên Quang...

Tiên phong đổi mới công nghệ

Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng thể hiện vai trò quyết định đối với việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhận thức rõ được vấn đề này, các lĩnh vực sản xuất trên địa bàn tỉnh chú trọng đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, xem đây là giải pháp quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Là một trong những đơn vị chiếm tỷ trọng lớn của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Công ty cổ phần giấy An Hòa luôn tiên phong trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các bạn hàng lớn. Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giấy An Hòa cho biết, ngay từ những ngày đầu tiên đi vào hoạt động công ty đã xác định sản xuất luôn phải gắn với đổi mới công nghệ, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Hiện nay, dây chuyền bột giấy của Công ty có công suất hơn 130.000 tấn/năm. Các sản phẩm của An Hòa đã dần thay thế sản phẩm nhập khẩu và chiếm 100% thị phần trong nước và đang xuất khẩu ổn định sang 10 nước, doanh thu đạt trên 3.000 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước từ 120 đến 140 tỉ đồng/năm.

Việc ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất giúp nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp sản xuất gỗ đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của quốc tế và khu vực qua đó đã khẳng định được uy tín trên thương trường.

Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang là một trong những doanh nghiệp sản xuất gỗ luôn đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động, coi đây là giải pháp phát triển bền vững. Chị Cao Cẩm Tú, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang cho biết, chuyển đổi số mang lại nhiều thay đổi thuận lợi như: Sự tiện ích, tiết kiệm chi phí và hiệu quả cao trong công việc; nắm bắt thông tin nhanh và kịp thời,... là bước ngoặt lớn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ giữa các doanh nghiệp mà còn giữa các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu. Bởi thế, ban lãnh đạo công ty xác định đây là vấn đề sống còn, là hướng đi tất yếu nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững.

Gần đây nhất công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy gỗ ván ép với dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Việc ứng dụng tự động hóa vào sản xuất sẽ giúp nhà máy nâng cao năng suất, tăng sản lượng, thành phẩm tạo ra có độ chính xác cao, tỷ lệ lỗi thấp nhất, tiết kiệm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Với mục tiêu đặt ra cho các doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của tỉnh là phải tăng về số lượng, ứng dụng công nghệ cao, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; tác động lan tỏa cao đến các ngành sản xuất và kinh tế khác, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường thì bên cạnh sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, rất cần sự trợ lực của cơ quan chức năng.

Đồng chí Hoàng Anh Cương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Công thương cho biết, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch số 223/KH-UBND về phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường. Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc những dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh... Đây cũng là giải pháp để các sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Tuyên Quang với doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài.

Với sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp một cách bài bản, khoa học. Đó cũng chính là cơ sở để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa vươn tầm, tạo nên sức sống và giá trị mới trong nền kinh tế thị trường.

Theo Quốc Việt/baotuyenquang.com.vn

(còn nữa)  

Xem tin theo ngày:   / /