Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên trước hết giúp cho thế hệ trẻ nhận thức đầy đủ sâu sắc về lịch sử dân tộc, thấy được những giá trị truyền thống, ý thức cội nguồn dân tộc, hiểu được những đức tính, phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam. Trong những năm qua, ngành giáo dục, đào tạo Tuyên Quang đã tích cực tham mưu xây dựng nội dung, kế hoạch, phương pháp và hình thức giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, thông qua việc triển khai có hiệu quả Đề án số 06-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022- 2025 (Đề án số 06).
Tính đến tháng 9/2024, tổng số người làm việc hiện có trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh là 12.439 người (Mầm non 3.475 người, Tiểu học 4.451 người, THCS 2.945 người, THPT là 1.475 người) và 1.162 hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP; Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh: 30 người. Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông: Toàn tỉnh có 456 trường, 7.503 lớp, 224.956 học sinh. Giáo dục thường xuyên: 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; 06 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; 138 Trung tâm học tập cộng đồng; 17 Trung tâm Ngoại ngữ; 04 Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống.
Xác định đúng tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống cách mạng, Sở Giáo dục và Đào tạo, các cấp ủy, nhà trường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án số 06. Qua hơn hai năm thực hiện Đề án đã đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện. Các trường học thường xuyên đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng, trong đó có sự kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại (chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong giảng dạy), sử dụng các hình thức tổ chức lớp học (tại thực địa; bảo tàng; các hoạt động về nguồn; kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên tại các di tích lịch sử)... Qua đó, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, bồi dưỡng được phương pháp tự học, tự rèn luyện, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê trong học tập và nghiên cứu lịch sử, truyền thống cách mạng của giáo viên và học sinh.
Việc ban hành văn bản để cụ hóa thực hiện Đề án
Trên cơ sở nội dung Đề án số 06, Sở Giáo dục và đào tạo đã ban hành các văn bản trên 15 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Các trường học trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện sát với chỉ đạo của Đề án số 06 và chỉ đạo của ngành giáo dục. Triển khai thực hiện Đề án số 06 gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức nhà giáo và tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và xây dựng bản sắc văn hóa truyền thống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục truyền thống cách mạng được nâng lên
Cấp ủy và hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, giáo viên và học sinh, quán triệt và triển khai Đề án số 06 đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Năm học 2023-2024, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức 528 buổi triển khai, quán triệt nội dung Đề án 06, số cán bộ, giáo viên tham gia học tập 13.777, số học sinh và học viên được triển khai và quán triệt và học tập 148.011 người; 741 buổi tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thu hút 364.151 lượt học sinh tham gia. Các nhà trường chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục thực tiễn như tham quan di tích, giao lưu nhân chứng lịch sử, và lồng ghép nội dung này vào chương trình giảng dạy. Giám sát, đánh giá hiệu quả công tác giáo dục, đồng thời bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt và tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao.
Đa dạng hóa hình thức tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng
Các nhà trường đã tổ chức hội thảo, tọa đàm, nói chuyện truyền thống cách mạng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; hành trình về nguồn, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, Hội, Đội tại các khu di tích lịch sử cách mạng... thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia. Năm học 2023-2024, số quần chúng học sinh tham gia học lớp cảm tình Đảng 402 em, tính đến 30/6/2024 có 92 học sinh được kết nạp Đảng. Tổ chức 182 buổi hành trình về nguồn, tổ chức kết nạp Đoàn, Hội, Đội tại các khu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh với 14.599 đoàn viên và đội viên tham gia.
Tổ chức cho học sinh báo công tại Khu lưu niệm các vị tiền bối cách mạng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào
Tuyên truyền, giới thiệu những di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh
Trong Cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô Khu Giải phóng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, với nhiều di tích lịch sử gắn liền với những chiến công oanh liệt của dân tộc. Tỉnh hiện có 661 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó 182 di tích được xếp hạng quốc gia và 271 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, tỉnh tự hào với ba di tích quốc gia đặc biệt, gồm Di tích lịch sử Tân Trào, địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình, và Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Thông qua các giờ học chính khoá, ngoại khoá, các video,… giáo viên giới thiệu, khắc sâu cho học sinh: Tuyên Quang không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử mà còn có những đóng góp quan trọng trong lịch sử dân tộc. Qua đó tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm hứng thú, say mê trong học tập và nghiên cứu lịch sử, truyền thống cách mạng của học sinh.
Giáo dục gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống, cách mạng, các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc
Giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử, cách mạng thông qua các môn học như Lịch sử, Văn học, Địa lý,... Các chương trình ngoại khóa, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử được các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh chú trọng nhằm giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần, bảo vệ bản sắc dân tộc, đồng thời nâng cao ý thức tự hào, trách nhiệm của mỗi người dân đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam. Di sản văn hóa không chỉ là dấu ấn của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng, tài sản tinh thần quý giá giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cội nguồn, từ đó hun đúc tinh thần yêu nước, đoàn kết và sáng tạo trong xây dựng tương lai. Hình thức thường sử dụng: Ngoài các giờ học còn thông qua hệ thống loa phát thanh các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, cùng với các chương trình văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao của nhà trường,… các hoạt động này không chỉ thu hút sự quan tâm của cán bộ, giáo viên và học sinh mà còn tạo điều kiện để di sản văn hóa được lan tỏa mạnh mẽ.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng
Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng tại các trường học trên địa bàn tỉnh đang trở thành xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và thích ứng với sự phát triển của thời đại số. Nhờ vào công nghệ, các tài liệu lịch sử, video tư liệu và các bài giảng về truyền thống cách mạng được lưu trữ và phổ biến rộng rãi trên các nền tảng trực tuyến, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận, học tập mọi lúc, mọi nơi. Các trường học đã triển khai nhiều hình thức giáo dục sáng tạo, như tổ chức các buổi học trực tuyến, qua các nền tảng Zoom, Microsoft Teams,…. Ngoài ra, các đơn vị áp dụng hình thức thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử cách mạng, truyền thống dân tộc thông qua các phần mềm (Cuộc thi trực tuyến: Cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi -Thiếu nhi với Bác Hồ”; “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023;…). Việc sử dụng mạng xã hội, trang web nhà trường và các ứng dụng di động để đăng tải nội dung giáo dục truyền thống cũng là một kênh quan trọng để thu hút sự quan tâm của học sinh, cha mẹ học sinh.
Một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò trách nhiệm của người cấp ủy, hiệu trưởng các trường trong triển khai thực hiện các nội dung của Đề án số 06.
Hai là, tiếp tục tuyên truyền giới thiệu về các di tích lịch sử, về giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh. Tăng cường xây dựng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các hoạt động hành trình về nguồn, tổ chức lễ báo công, kết nạp đảng viên, đoàn viên tại các khu di tích lịch sử cách mạng.
Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”. Tổ chức các hoạt động “về nguồn”, tham quan các di tích lịch sử, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa. Tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống qua giao lưu, học tập tấm gương điển hình tiên tiến; mời các đồng chí lão thành cách mạng, cựu cán bộ Đoàn, các gia đình có công với cách mạng kể chuyện; tổ chức viết và đọc sách về đề tài truyền thống cách mạng, ghi chép sử địa phương, đơn vị; xây dựng nhà truyền thống, phòng lưu niệm ở cơ sở.
Đào Việt Dũng