Nhiều địa phương chưa hoàn thành
Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, tính đến hết tháng 9-2024, toàn tỉnh mới hoàn thành thi công 70,83/192,1 km, đạt tỷ lệ 36,88%. Trong đó huyện Yên Sơn là 10,22 km, huyện Hàm Yên là 21,19 km, huyện Chiêm Hóa là 7,38 km, huyện Sơn Dương là 31,57 km, huyện Na Hang và huyện Lâm Bình là 2 địa phương hoàn thành số km thấp nhất toàn tỉnh (Na Hang 0,35 km và Lâm Bình 0,13 km).
Năm 2014, huyện Chiêm Hóa có kế hoạch thực hiện 32,69 km đường giao thông nông thôn. Đến hết tháng 9, toàn huyện mới hoàn thành thi công được 7,38 km. Trong đó, một số xã cũng đạt thấp so với kế hoạch được giao như Linh Phú, Tri Phú, Bình Phú, Trung Hòa…
Xã Trung Hà là 1 trong những xã đăng ký về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2024. Năm nay xã có kế hoạch bê tông hóa 6 km đường bê tông nông thôn và 5,6 km đường nội đồng. Tuy nhiên đến nay xã mới hoàn thành được 1,28 km đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và 2,5 km đường bê tông nội đồng.
Tuyến đường bê tông nông thôn từ xã Bình Nhân đi xã Kim Bình (Chiêm Hóa) đang được đẩy nhanh tiến độ.
Đồng chí Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết: Tiến độ xây dựng đường bê tông nông thôn trên địa bàn còn chậm, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua và giá cả vật liệu xây dựng tăng “chóng mặt”. Đơn cử như 1 m3 cát, sỏi giá bình quân thị trường từ 180 đến 200 nghìn đồng/khối, nhưng khi vận chuyển đến xã, giá thành đội lên 370 đến 380 nghìn đồng/khối. Hơn nữa, sau khi được cấp trên phân bổ chỉ tiêu, nhân dân lại bước vào thu hoạch vụ mùa và triển khai làm vụ đông. Cùng với đó là thời tiết mưa nắng bất thường nên ở các thôn chưa triển khai được đúng kế hoạch. UBND xã cũng đã họp, làm rõ trách nhiệm, đôn đốc các thôn chưa triển khai cần làm ngay và hoàn thành trong tháng 10 và tháng 11.
Thị trấn Yên Sơn theo kế hoạch phải hoàn thành 0,36 km đường bê tông nông thôn và 1,57 km đường nội đồng, thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành. Anh Nguyễn Văn Hải, Công chức địa chính thị trấn Yên Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn thị trấn chưa được cấp xi măng để làm đường bê tông nông thôn, cộng với ảnh hưởng của bão số 3 nên đã ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các công trình.
Ở hai huyện vùng cao Na Hang, Lâm Bình do địa hình đồi núi nên gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển, tập kết vật liệu cũng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đến nay, tại các xã của hai huyện đang chuẩn bị nhận cung ứng xi măng để triển khai thi công.
Tranh thủ “thời điểm vàng”
Bên cạnh những địa phương đạt thấp hoặc chưa hoàn thành được tuyến đường nào thì có không ít địa phương đã về đích từ rất sớm. Điều đó cho thấy, nơi về đích là do cấp ủy, chính quyền đã có giải pháp quyết liệt, chủ động triển khai từ rất sớm để loại bỏ những trở ngại, khó khăn từ khách quan mang lại như thời tiết, kế hoạch sản xuất của nhân dân…
Tuyến đường bê tông nông thôn từ tổ dân phố Phú Thịnh đi tổ dân phố Làng Chẩu, thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) từ nhiều năm nay chưa được đầu tư xây dựng, gây khó khăn cho người dân phát triển kinh tế.
Năm 2025 là năm huyện Sơn Dương hoàn thành huyện nông thôn mới, đến nay, huyện đang tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường bê tông nông thôn, nhằm về đích đúng hẹn. Đồng chí Ma Đức Kính, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Dương cho biết, đối với những xã có khối lượng thi công nhiều, phòng đã xuống xã trực tiếp làm việc, đôn đốc và hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đến nay, huyện đã hoàn thành 51,07 km đường bê tông nông thôn theo kế hoạch được giao trong năm 2024, và phấn đấu từ nay đến hết năm sẽ làm thêm khoảng 20 km đường bê tông nông thôn của kế hoạch năm 2025.
Đồng chí Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, thời điểm này thời tiết đang bước vào mùa khô, là “thời điểm vàng” để triển khai các công trình xây dựng. Sở Giao thông Vận tải đang tập trung chỉ đạo đôn đốc các huyện chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ làm đường bê tông nông thôn và đường nội đồng nhằm hoàn thành kế hoạch năm đã đề ra.
Đồng thời phối hợp với các ngành, đôn đốc với đơn vị cung ứng xi măng khẩn trương cung ứng cho các địa phương để triển khai thực hiện, các ngành chức năng tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở; xây dựng chương trình, kế hoạch nhu cầu nguồn vốn phục vụ công tác đầu tư, hạ tầng đường giao thông nông thôn những năm tiếp theo kịp thời, hiệu quả.
Theo Quốc Việt/baotuyenquang.com.vn