Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam giành thắng lợi rực rỡ trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước. Để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người đã để lại những chỉ dẫn quý báu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ảnh minh họa: Tất Thắng
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và Thư gửi các đồng chí Trung Bộ (tháng 3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên cần nêu cao hơn nữa việc tu dưỡng đạo đức, trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ, một lòng, một dạ vì dân, chống bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh. Người phân tích: “Trong lúc này, tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm”(1).
Tháng 10/1947, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để tăng cường xây dựng Đảng, làm trong sạch bộ máy nhà nước. Nội dung tác phẩm bồi đắp cho cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị, niềm tin, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện phương pháp lãnh đạo gần dân, trọng dân, thương dân, hết lòng hết sức vì hạnh phúc của Nhân dân, phấn đấu trở thành người chiến sĩ cách mạng chân chính.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, là quy luật nội tại của Đảng. Thực tiễn cách mạng cho thấy: nếu Đảng không giữ được bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về tư tưởng chính trị và tổ chức, không trong sạch về đạo đức, không được quần chúng nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi. Vì vậy, Người coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn là nhiệm vụ then chốt và có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng. Trong Thư gửi các lớp chỉnh huấn cơ quan đăng báo Nhân dân số 120, từ ngày 26 đến ngày 30/6/1953, Người cũng đã nêu quan điểm vì sao phải chỉnh huấn? Vì cán bộ đảng viên còn nhiều khuyết điểm: chưa hiểu rõ đường lối, chính sách, chưa phân biệt rõ ai là bạn, ai là thù, còn mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân, từ đó sinh ra nhiều căn bệnh khác như: tự tư tự lợi, sợ khó sợ khổ, ham địa vị danh tiếng, lãng phí, tham ô, quan liêu mệnh lệnh (2)…
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Theo Người, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành đồng thời cả về tư tưởng chính trị, tổ chức và đạo đức, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức phải đóng vai trò nền tảng. Để Đảng “là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên phải kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giàu lòng nhân ái, yêu thương đồng chí đồng nghiệp, nhân dân; nêu cao tinh thần chống cái xấu, cái ác, đặc biệt chống chủ nghĩa cá nhân. Phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên và hội viên, tích cực tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng. Người chỉ rõ: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” (3)
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành chặt chẽ theo các nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của Chủ nghĩa Mác Lênin. Thực hiện nghiêm nguyên tắc: tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh và tự giác; đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Làm theo những chỉ dẫn của Người, Đảng đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa”; Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Gần đây, trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” đã nhấn mạnh 4 công tác trọng tâm, gồm: Thứ nhất, thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Thứ hai, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng./.
Nguyễn Nhung
(1),(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQGST, Hà Nội, tập 5, trang 93, 326
(2)Sđd, tập 8, trang 156