Hoạt động của Bộ Ngoại giao tại Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Thứ Hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024 - 15:16 Đã xem: 2133

Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, cùng với các bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ ngoại giao đã rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc, đặt trụ sở làm việc tại Tuyên Quang. Tại Tuyên Quang đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của Bộ Ngoại giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đồng chí Lêô Phighe tại nhà khách quốc tế Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ tại xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (tháng 4/1950)

Đầu năm 1947, Bộ Ngoại giao chuyển lên xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, sau đó chuyển đến xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cuối năm 1950, Bộ chuyển đến xã Hoà Phú, huyện Chiêm Hóa. Đầu năm 1951, Bộ lại chuyển về xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến, sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp của Nhân dân Việt Nam còn ít được Nhân dân thế giới biết đến. Vì vậy, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao là nghiên cứu, tham mưu, giúp việc cho Chính phủ triển khai hoạt động đối ngoại, phục vụ công tác thông tin đối ngoại trong và ngoài nước, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm làm cho thế giới biết đến cuộc kháng chiến vì độc lập tự do của Nhân dân Việt Nam và tranh thủ sự ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Nhân dân ta.

Trong hai năm 1947 - 1948, Bộ Ngoại giao đã tham mưu giúp Chính phủ trong việc tiến hành thành lập cơ quan đại diện chính phủ Việt Nam ở Thái Lan, Ấn Độ, Miến Điện; tổ chức 12 phòng thông tin ở Pari, Luân Đôn, New York, Niuđêli, Rangun, Băng Cốc, Singapo, Hồng kông... Các phòng thông tin cung cấp ra thế giới tin tức và hình ảnh cuộc kháng chiến cũng như đường lối chính sách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho Chính phủ cử đại diện tham gia nhiều Hội nghị quốc tế và khu vực như Hội nghị Liên Á, Hội nghị Hội đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị nhân dân thế giới đấu tranh cho hoà bình tổ chức tại Pari, Hội nghị Liên hiệp công đoàn thế giới tổ chức tại Italia…

Từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1950, tình hình thế giới và châu Á diễn ra nhiều sự kiện lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng mối quan hệ của cách mạng Việt Nam với các lực lượng hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Vòng vây của chủ nghĩa đế quốc đối với cách mạng Việt Nam từ đây bị phá vỡ, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có điều kiện thiết lập quan hệ trực tiếp với Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu. Từ tháng 01 đến tháng 03/1950, Bộ Ngoại giao đã tham mưu cho Chính phủ Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Bungari, Hunggari, Anbani và Cộng hoà Dân chủ Đức. Ngày 02/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Tuyên Quang đi thăm Trung Quốc, kết quả chuyến thăm, Trung Quốc đã tuyên bố công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và cam kết giúp đỡ cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta; ngày 03/02/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô, trước đó, ngày 30/01/1950, Bộ Ngoại giao Liên Xô đã gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo Chính phủ Liên Xô chấp thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và trao đổi công sứ. Tiếp theo Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân khác lần lượt tuyên bố công nhận và sẵn sàng lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hoà: Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (ngày 31/01/1950); Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc và Cộng hòa dân chủ Đức (ngày 02/02/1950); Cộng hòa nhân dân Ru-ma-ni (ngày 03/02/1950); Cộng hòa nhân dân Ba Lan và Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri (ngày 05/02/1950); Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri (ngày 08/02/1950); Cộng hòa nhân dân An-ba-ni (ngày 08/02/1950),... Từ đây, quan hệ của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với các nước xã hội chủ nghĩa được mở rộng, Việt Nam có thêm nhiều thuận lợi về sự ủng hộ quốc tế.

 Thời gian từ năm 1951 đến đầu năm 1952, Bộ Ngoại giao đã cử một số cán bộ cùng Ban Giao tế Trung ương tổ chức đón phu nhân Hoàng thân Xuphanuvông từ Thái Lan về việt Nam. Đồng thời, biên soạn một số tài liệu giới thiệu cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của Nhân dân Việt Nam để đưa ra nước ngoài, đặc biệt để giới thiệu cuộc chiến đấu trên mặt trận sản xuất, kinh tế. Cuốn "Trận chiến về lúa gạo" viết bằng tiếng Pháp đã được xuất bản, một cuốn sách nhỏ giới thiệu Quốc kỳ, Quốc ca của Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu đã được Bộ biên soạn, đưa về các cơ quan Trung ương và các địa phương để sử dụng.

Những thắng lợi ngoại giao của Chính phủ Việt Nam đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần của các nước trên thế giới với cuộc kháng chiến chính nghĩa của Nhân dân ta, góp phần tích cực làm thay đổi cục diện quốc tế của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thúc đẩy chiều hướng phát triển ngày càng bất lợi cho thực dân Pháp. Điều có ý nghĩa quan trọng là cùng với thắng lợi trên chiến trường, thắng lợi chính trị đối ngoại trong giai đoạn này đã tạo ra những tiền đề buộc đối phương phải đi vào xu hướng kết thúc chiến tranh trên thế yếu bằng biện pháp thương lượng hoà bình, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đầu năm 1954, từ Tuyên Quang, Bộ Ngoại giao đã chuẩn bị tài liệu, cử cán bộ cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự Hội nghị Genevơ về Đông Dương. Để chuẩn bị cho Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã chỉ thị cho hai Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô và Trung Quốc tiến hành tìm hiểu các vấn đề liên quan có thể diễn ra ở Hội nghị Genevơ; lập một Ban công tác ở Bắc Kinh với nhiệm vụ phối hợp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc chuẩn bị các tài liệu cho Hội nghị Genevơ. 

Hội nghị Genevơ trải qua 75 ngày với 31 phiên họp, trong đó có 7 phiên họp toàn thể và 24 phiên họp cấp trưởng đoàn. Sau một quá trình vừa đấu tranh, vừa nhân nhượng của các bên hữu quan và các nước lớn dự hội nghị, ngày 21/7/1954, các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết. Bản Tuyên bố cuối cùng về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được đại diện các nước dự hội nghị chấp thuận cam kết chính thức.

Hiệp định Genevơ có các nước lớn trên thế giới tham dự đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Việc ký kết Hiệp định Genevơ là thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài và gian khổ của Nhân dân Việt Nam chống thực dận Pháp xâm lược vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiệp định Genevơ là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong cuộc đàm phán đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia.

Chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng các Bộ trong Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành... được sự đùm bọc chở che của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Bộ Ngoại giao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến. Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến là nơi chứng kiến những bước xây dựng, trưởng thành của ngành Ngoại giao, chứng kiến tình quân dân giữa cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao và Nhân dân địa phương.

Nguyễn Văn Đức

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2009.

2. Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.

Xem tin theo ngày:   / /