Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã luôn quan tâm đến công tác văn hoá - văn nghệ; chỉ đạo đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các thiết chế văn hoá, nhất là ở cơ sở nhằm phát triển hoạt động văn nghệ quần chúng; khuyến khích Nhân dân tham gia sáng tạo nghệ thuật, làm phong phú thêm vốn văn hoá dân gian.
LChú thích ảnh: Liên hoan Tiếng hát đoàn viên, công nhân viên chức lao động năm 2023 do Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang tổ chức
Thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, ngày 20/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 215/KH-UBND về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh giải pháp: Huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng, tổ chức đời sống văn hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền, các tầng lớp trong xã hội.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; qua những cuộc thi đã phát hiện ra những hạt nhân tích cực để xây dựng và phát triển phong trào văn hoá - văn nghệ sôi nổi, rộng khắp và từng bước nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân Tuyên Quang. Đến nay, văn nghệ quần chúng đã thực sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi địa bàn dân cư, trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp và các trường học; hiện tỉnh có khoảng trên 2.600 đội văn nghệ quần chúng được duy trì hoạt động thường xuyên; bình quân mỗi năm biểu diễn trên 10.000 buổi phục vụ Nhân dân [1].
Phong trào văn nghệ quần chúng cơ bản phát triển rộng khắp các khu dân cư đối với khu vực đô thị, nhất là các dịp lễ hội. Xuất phát từ phong trào yêu văn hoá - văn nghệ của người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Tuyên Quang trong dịp Tết Trung Thu từ năm 2005 đến nay, Lễ hội Thành Tuyên đã phát triển không ngừng; Lễ hội Thành Tuyên do Nhân dân làm chủ, do có những hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt hiện đang là lễ hội có quy mô lớn nhất tỉnh đang đem lại sự hưởng thụ về văn hoá tinh thần cho người dân.
Lễ hội Thành Tuyên vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bản quyền thương hiệu ngày 05/9/2024 và đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của Tuyên Quang, càng ngày lễ hội càng mở
rộng về số lượng người tham gia; Nhân dân và đặc biệt là thiếu nhi thành phố Tuyên Quang cũng như các huyện lân cận như Yên Sơn, Sơn Dương cùng có sở thích văn nghệ quần chúng tự nguyện, chủ động tham gia các hoạt động của lễ hội. Những hoạt động biểu diễn có tính lưu động, có sự tham gia của cộng đồng, bao gồm các đám rước mô hình lồng đèn, các trò chơi, hoạt động nhảy múa, biểu diễn âm nhạc... trên các đường phố chính của thành phố Tuyên Quang là hình ảnh của lễ hội Thành Tuyên hiện đại, văn minh. Văn nghệ quần chúng đã thực hiện được chức năng, vai trò phục vụ nhiệm vụ chính trị của quá trình đổi mới, đấu tranh xoá bỏ những hủ tục, cái lỗi thời, lạc hậu còn sót lại của chế độ cũ.
Phong trào văn nghệ quần chúng ở khu vực nông thôn của tỉnh Tuyên Quang phát triển đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; từng bước hình thành rõ nét môi trường văn hoá lành mạnh, có tác dụng giáo dục thẩm mỹ và quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương cách mạng với bạn bè trong nước và quốc tế. Đội ngũ nghệ nhân truyền dạy được xây dựng và củng cố thường xuyên, hiện toàn tỉnh có 02 nghệ nhân nhân dân, 11 nghệ nhân ưu tú và rất nhiều nghệ nhân dân gian, chủ yếu cư trú ở khu vực nông thôn, làm nòng cốt để duy trì hoạt động của trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo toàn văn hoá dân tộc; trên 80 câu lạc bộ hát Then - Đàn Tính; 06 câu lạc bộ hát Páo Dung của người dân tộc Dao; 25 câu lạc bộ bảo tồn và giữ gìn bản sắc của dân tộc Cao Lan... Các làn điệu dân ca được các nghệ nhân đặt lời mới ca ngợi Đảng, ca ngợi Hồ Chủ tịch và quê hương đất nước được biểu diễn tại các cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trong công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho Nhân dân.
Thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 11/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững, ngành văn hoá, đã thường xuyên cử cán bộ có chuyên môn xuống cơ sở hướng dẫn tổ chức các lớp tập huấn cho các hạt nhân văn nghệ về phương pháp xây dựng đội văn nghệ và phong trào văn nghệ quần chúng. Qua đó, duy trì được phong trào văn nghệ quần chúng ở các thôn vùng sâu, vùng xa; việc tổ chức biểu diễn giao lưu dân ca, dân vũ giữa các thôn đã được thường xuyên quan tâm tổ chức.
Kết quả năm 2023, việc thực hiện tiêu chí về văn hoá trong xây dựng nông thôn mới được nâng cao; tỷ lệ thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh đạt danh hiệu thôn, tổ văn hoá đạt 96,9% [2]; đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân Tuyên Quang đã được nâng lên rõ rệt, tiến đến phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có khát vọng vươn lên, đặc biệt là thế hệ trẻ của tỉnh.
Sau Hội nghị Văn hoá toàn tỉnh và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Kết luận số 1674-KL/TU ngày 31/5/2024, Kết luận được ban hành đánh dấu mốc quan trọng trong phát triển sự nghiệp văn hoá của tỉnh. Hiện các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhằm hướng đến một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển của tỉnh.
Hoàng Mai
---------
[1] Báo cáo số 417-BC/TU ngày 04/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
[2] Báo cáo số 02/BC-BCĐ ngày 13/3/2024 của Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.