Hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh dẫn khách tham quan Di tích lịch sử Quốc gia cách mạng Lào tại xã Mỹ Bằng, Yên Sơn (Nguồn: Báo Tuyên Quang)
Bước sang năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ba nước Việt Nam- Lào - Campuchia đang trên đà phát triển mới. Cục diện chiến tranh có nhiều chuyến biến sâu sắc, với nhiều thuận lợi căn bản, song cũng đầy những khó khăn, phức tạp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ba nước Đông Dương.
Nhằm thắt chặt và tăng cường hơn nữa liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa sự nghiệp cách mạng của Việt Nam - Lào - Campuchia vững bước tiến lên, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951, tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đã có những quyết sách rất quan trọng. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, là kẻ thù của ta và của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào. Và tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt- Miên- Lào” (1).
Theo tinh thần đó, tháng 3/1951 Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương đã tổ chức tại xã Vinh Quang (nay thuộc xã Kim Bình), huyện Chiêm Hoá với sự tham dự của đại diện Mặt trận Liên Việt của Việt Nam, của Mặt trận Lào Ítxala, của Mặt trận Khơ me Ítxarắc. Hội nghị đã nhất trí thành lập khối liên minh Nhân dân Việt Nam - Miên- Lào theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau; đề ra chương trình hành động chung và cử Uỷ ban liên minh Nhân dân ba nước Đông Dương gồm các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Minh Giám (Việt Nam) Xupha Nuvông, Nuhắc Phumxavẳn (Lào), Sơn Ngọc Minh, Tuxamút (Campuchia). Hội nghị kêu gọi Nhân dân ba nước hãy đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận của mình (Liên Việt ở Việt Nam; Ítxala ở Lào, Ítxarắc ở Campuchia) làm cho khối liên minh Nhân dân ba nước ngày càng thêm vững chắc, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của ba dân tộc mau chóng đến thắng lợi, củng cố và phát triển chính quyền dân tộc và Nhân dân ở ba nước.
Tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng có bài phát biểu quan trọng, mang tiêu đề Ba dân tộc Việt, Miên, Lào đoàn kết và đấu tranh đến cùng (2). Nội dung bài viết có đoạn: “Từ ngày 23.9.1945 đến nay, nhân dân ba nước Việt- Miên- Lào, đã tiến bộ rất nhiều trên con đường đoàn kết đấu tranh.
...Cuộc kháng chiến mấy năm nay, đã giáo dục ba dân tộc anh em rất nhiều về sự cần thiết liên minh này. Mỗi dân tộc biết rằng việc giải phóng của mình sẽ không thành công nếu đồng thời hai dân tộc anh em không được giải phóng, nền độc lập của mình sẽ không bảo đảm, nếu hai dân tộc anh em không được độc lập. Kẻ thù của ba dân tộc là một, bao giờ kẻ thù ấy bị tiêu diệt trên khắp đất nước Việt- Miên- Lào thì ba dân tộc mới được thật sự hoàn toàn giải phóng. Muốn thế, ba dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ hơn và chiến đấu mạnh mẽ hơn, đoàn kết cùng nhau chiến đấu.
...Sự đoàn kết chiến đấu ấy là một sự thất bại sâu cay của đế quốc xâm lược trong chính sách lừa phỉnh gây thù hằn dân tộc của chúng. Và đó là một thắng lợi chính trị trọng yếu của ba dân tộc, đẩy thêm một đà mới cho cuộc kháng chiến Việt- Miên- Lào mau đến toàn thắng” (3).
Phát biểu tại Hội nghị, Hoàng thân Xuphanuvông, nói: “Chúng tôi vô cùng sung sướng thấy Hội nghị liên minh của 3 dân tộc thu được kết quả mỹ mãn. Đó là những bằng chứng chứng tỏ tinh thần đoàn kết thân mật và chặt chẽ của ba dân tộc.
Mặt trận liên minh nhân dân Việt- Miên- Lào mà chúng ta thành lập ngày hôm nay có ý nghĩa rất trọng đại trong lịch sử từ trước đến nay chưa từng có...”
Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Mặt trận Khơme Ítxarắc (Campuchia), ông Suiheng nói: “...Trước tinh thần đại đoàn kết và thân ái ba dân tộc Việt- Miên- Lào, chúng tôi rất sung sướng và cảm động. Nó là một sức mạnh vô cùng để chống đế quốc xâm lăng, để giành độc lập dân tộc và bảo vệ hoà bình thế giới... Riêng về dân tộc Miên, Mặt trận liên minh này cho chúng tôi rất nhiều ảnh hưởng tốt đẹp. Từ nay chúng tôi được gia nhập một mặt trận rộng lớn hơn, tranh đấu không phải cô độc mà còn có cả Đông Dương và Mặt trận dân chủ thế giới làm hậu thuẫn.
... Sau khi ở Hội nghị này về, chúng tôi xin hứa đem hết khả năng để tuyên truyền, phố biến chủ trương của Mặt trận Việt- Miên- Lào, đề cao tinh thần đại đoàn kết giữa ba mặt trận. Như thế nhất định sẽ đánh bại được bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ để cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập, dân chủ, phú cường, góp phần trong cuộc đấu tranh cho hoà bình và dân chủ thế giới”(4).
Thành công của Hội nghị liên minh Việt Nam - Lào - Campuchia, ngày 11/3/1951, đánh dấu một bước tiến mới của phong trào cách mạng ba nước Đông Dương trong việc đoàn kết chống kẻ thù chung, làm cho Nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng ba nước càng thêm phấn khởi tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Đó cũng là sự khẳng định ý chí thống nhất của Nhân dân Việt Nam - Lào- Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cách mạng ba nước Đông Dương, đồng thời là đòn giáng mạnh vào âm mưu chia rẽ dân tộc, “chia để trị”, “dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Ý nghĩa quan trọng của Hội nghị liên minh Việt - Miên - Lào chính là sự khẳng định và tăng cường hơn nữa sức mạnh đoàn kết giữa ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, nhằm đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đặt cơ sở vững chắc cho sự liên minh lâu dài, hợp tác toàn diện giữa ba dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng thành công của Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương có sự đóng góp rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Việc lưu giữ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử về Hội nghị liên minh ba nước Đông Dương ở Tuyên Quang là điều cần thiết, nhằm ghi lại mốc son của tình đoàn kết chiến đấu của Nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia, khơi dậy niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân địa phương, làm cho Nhân dân khắp cả nước, cả ba nước Đông Dương và bạn bè quốc tế khi đến Tuyên Quang, thêm yêu, thêm quý nơi đây - một vùng đất ghi đậm nhiều dấu tích lịch sử của một thời kháng chiến chống thực dân Pháp rất hào hùng của dân tộc Việt Nam ta.
Nguyễn Văn Đức
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, 1951, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 36.
(2), (3). Báo Nhân dân ngày 7.4.1951.
(4). Đại hội II của Đảng tại Tuyên Quang Thủ đô Kháng chiến, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.188.