Một số điểm chú ý trong chuẩn bị văn kiện đại hội đảng ở cơ sở

Thứ Ba, ngày 29 tháng 10 năm 2024 - 07:29 Đã xem: 2994

Theo Kế hoạch số 525-KH/TU Ngày 19/9/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XVII), đại hội chi bộ cấp dưới cơ sở bắt đầu từ tháng 01/2025, hoàn thành trước ngày 31/3/2025; Đại hội cấp cơ sở bắt đầu từ tháng 4/2025, hoàn thành trước ngày 30/6/2025; Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương hoàn thành trước ngày 31/8/2025. Các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên đã được quán triệt, học tập Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Hướng dẫn số 27- HD/BTCTW ngày 26/8/2024 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, giữ vững kỷ cương; coi trọng chất lượng, không phô trương hình thức; kiên quyết chống lãng phí, tiêu cực, bảo đảm an toàn, thiết thực, hiệu quả; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, công tác chuẩn bị đại hội chi bộ, đảng bộ các cấp đang được các cấp ủy, tổ chức đảng khẩn trương tiến hành.

Một trong những khâu hết sức quan trọng trong chuẩn bị đại hội chi bộ, đảng bộ là chuẩn bị văn kiện đại hội. Dự thảo văn kiện của cấp ủy trình Đại hội gồm 2 báo cáo chủ yếu: Báo cáo chính trị của chi bộ, đảng bộ và Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy nhiệm kỳ 2020 -2025. Để các báo cáo đảm bảo chất lượng tốt, các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú ý một số nội dung trong chuẩn bị văn kiện như sau:

Báo cáo chính trị của đảng bộ là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác. Vì vậy quá trình chuẩn bị báo cáo phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đồng thời, tiếp thu những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, của cấp trên, dự báo tình hình để đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, chủ ý các nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tầm nhìn dài hạn.

Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy là nhìn lại kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020- 2025; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Quy định những điều đảng viên không được làm và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Vì vậy, phải được đánh giá đúng, khách quan, toàn diện, trung thực, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; đồng thời phải đề ra kế hoạch, lộ trình, biện pháp hiệu quả nhằm sửa chữa, khắc phục trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Quá trình xây dựng dự thảo hai báo cáo nêu trên phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, dành thời gian hợp lý để tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc (nếu có), có hình thức phù hợp, thiết thực để lấy ý kiến các đồng chí cán bộ nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến tham gia góp ý, hiến kế của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Đối với các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy có thể lấy ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh về định hướng, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị, gắn với định hướng phát triển vùng, lĩnh vực của tỉnh. Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.

Các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội để đại hội thảo luận, quyết định. Trong thảo luận phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến đồng chí, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao.

Dự thảo các văn kiện trình đại hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thành công của đại hội và phương hướng, nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ 2025 - 2030. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần nghiên cứu, chuẩn bị, thảo luận kỹ lưỡng, đầy đủ, góp phần vào thành công của đại hội.

Nguyễn Nhung

Nguồn: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kế hoạch số 525-KH/TU Ngày 19/9/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.

Xem tin theo ngày:   / /