Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để đi lên chủ nghĩa xã hội và đi lên chủ nghĩa xã hội mới xây dựng được sức mạnh tổng hợp để giữ vững độc lập dân tộc. Trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội là “Điều không thể khác”, bởi đó là con đường duy nhất đem lại nền độc lập thật sự và hạnh phúc cho dân. Không chấp nhận thực tế đó, các thế lực thù địch, phản động tìm trăm phương ngàn kế để xuyên tạc, bôi nhọ sự lựa chọn gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Do đó, việc xây dựng một hệ thống luận cứ lý luận, khoa học về sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc ta là luôn cần thiết hơn bao giờ hết, từ đó cán bộ, đảng viên và nhân dân càng đoàn kết, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết xây dựng nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đặc trưng lớn nhất, như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đặc trưng đó chi phối, điều chỉnh toàn bộ đường lối cách mạng Việt Nam, là cội nguồn của mọi thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn nhất định phải đi để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển, chấn hưng dân tộc. Còn với các thế lực thù địch, độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội luôn là mục tiêu phải xóa bỏ bằng mọi cách, trong đó có Việt Nam.
Bởi vậy, việc nghiên cứu, tìm luận cứ khoa học, thực tiễn về vấn đề gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam luôn là nội dung lớn, xuyên suốt và trọng yếu của cách mạng Việt Nam trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào và luôn mang tính thời sự thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và toàn xã hội.
Cuối thế kỷ XIX, dưới ách đô hộ tàn bạo của thực dân, phong kiến, đời sống đồng bào vô cùng khổ cực, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc, tay sai và mâu thuẫn giữa địa chủ phong kiến với nông dân ngày càng gay gắt không thể điều hòa. Bối cảnh lịch sử đó đặt ra yêu cầu tất yếu khách quan cần phải tìm ra con đường giải quyết triệt để hai mâu thuẫn này để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đưa đất nước thoát cảnh nô lệ lầm than.
Là dân tộc vốn có truyền thống yêu nước kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, nên ngay từ những ngày đầu nổ súng xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã vấp phải sức kháng cự ngoan cường của Nhân dân ta. Triều đình nhà Nguyễn hèn yếu từng bước cầu hòa, không quyết tâm tổ chức kháng chiến, cắt đất nhượng cho Pháp và dần trượt dài trên con đường đầu hàng, bán nước (thông qua các Hiệp ước Hác Măng, Pa - Tơ - Nốt), song phong trào đấu tranh của Nhân dân ngày càng dâng cao, nổi bật là: Phong trào Cần Vương (cứu nước theo ngọn cờ phong kiến), cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế (đấu tranh tự phát của nông dân khi bị dồn đến đường cùng), phong trào Đông Du, Duy Tân (cứu nước theo ngọn cờ dân chủ tư sản)… Có thể nhận thấy ngay điểm chung của những phong trào này là đều thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất chống bọn thực dân xâm lược cứu nước, cứu dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các phong trào yêu nước đó đều bị đàn áp đẫm máu và thất bại. Nguyên nhân thất bại thì cũng có nhiều, song có thể khẳng định nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn, thiếu một giai cấp tiên phong có đủ lý luận và thực tiễn để lãnh đạo cách mạng, chứ không phải Nhân dân ta không yêu nước, không dám xả thân vì đất nước.
Trong hoàn cảnh mới, điều kiện lịch sử mới, muốn cứu nước, giải phóng dân tộc, dân tộc ta phải tìm ra con đường mới, hệ tư tưởng mới để tập hợp, đoàn kết được sức mạnh của cả dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại để đưa cách mạng đi đến thành công. Trong lúc không chỉ Việt Nam và nhiều nước trong khu vực, thế giới đang bế tắc cùng cực về con đường cứu nước tự giải phóng, thế giới đã diễn ra một sự kiện vĩ đại có tính chất vạch thời đại, đã làm chuyển biến sâu sắc tình hình thế giới, tác động mạnh mẽ đến các quốc gia, dân tộc - Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và sự ra đời của nhà nước Công - Nông đầu tiên trên thế giới. Những điều kỳ diệu đang diễn ra trên quê hương Lê nin, ở đó nhân dân lao động thực sự là chủ, làm chủ đất nước, vận mệnh của mình, đã trở thành biểu tượng vĩ đại như mặt trời chói lọi, soi rọi và cổ vũ mạnh mẽ Nhân dân các dân tộc đang bị thực dân, đế quốc nô dịch, áp bức trên thế giới, trong đó có Việt Nam đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Tất cả những điều mới mẻ, tốt đẹp đó đã tác động sâu sắc và gieo vào ý thức, suy nghĩ của nhiều người Việt Nam yêu nước bấy giờ, họ tin tưởng, hi vọng và đi theo ánh sáng của con đường giải phóng mà bấy lâu nay đang tìm kiếm trong vô vọng và đêm tối, đó là con đường Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Là người con đất Việt mang trong mình dòng máu con Lạc cháu Hồng, kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của cha ông, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có cơ duyên đặc biệt được tiếp cận, tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lê nin và tìm thấy trong đó con đường cứu nước đúng đắn duy nhất cho dân tộc “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” [1]. Người cũng khẳng định chỉ có đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga - con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thì cách mạng Việt Nam mới giải quyết một cách triệt để những mâu thuẫn gay gắt trong lòng xã hội Việt Nam bấy giờ. Đây là minh chứng chắc chắn nhất về sự kết hợp khăng khít giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là sự lựa chọn tấy yếu của lịch sử duy nhất đúng trong bối cảnh đất nước ta lúc đó.
Nguồn ảnh: Internet
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tất yếu, đúng đắn. Những thành tựu to lớn của đất nước trong 94 năm qua dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã hồi sinh dân tộc Việt Nam sau gần một thế kỷ bị thực dân đô hộ, những năm tháng gian khổ kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, bảo vệ biên cương Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong sáng, nỗ lực đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập với thế giới… là bằng chứng không thể phủ nhận vai trò to lớn và thật là vĩ đại của Đảng, đồng thời khẳng định chắc chắn rằng trước những bước ngoặt của lịch sử, Đảng ta luôn có sự lựa chọn thiên tài, quyết đoán, khoa học, kịp thời. Từ đó đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt mọi sóng gió, hiểm nguy mà đã có những lúc được ví như “Ngàn cân treo sợi tóc” để đi đến thắng lợi.
Chúng ta đau lòng và bàng hoàng khi hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ; đau xót trước thành quả bao năm đã xây dựng, bởi những điều tốt đẹp mà chủ nghĩa xã hội mang lại là không thể phủ nhận, vẫn là ước mơ, khát vọng của nhiều dân tộc. Vấn đề đặt ra là muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải rút ra bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ đó, khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Chúng ta vẫn kiên trì và nhất quán, đủ lòng tin sắt đá con đường đã chọn “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [2]. Lòng tin ở đây khác hẳn về bản chất với sự mù quáng không biết, không hiểu mà vẫn tin, mà là niềm tin trên cơ sở khoa học, niền tin sắt đá vào chân lý đã chọn, kiên trì, kiên định để đi đến thành công. Và đương nhiên, thành công ở đây càng không phải chỉ ở trên lý luận, sách vở, tuyên truyền, mà thành công được kiểm nghiệm bằng thực tiễn sinh động bởi sự đổi thay, phát triển đi lên của dân tộc, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng lên của đồng bào, như Đại hội XIII đã khẳng định “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt” [3]… (còn nữa).
Lã Văn Hào - Đào Việt Dũng
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. CTQGST, HN.2011, t.12, trang 563.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. CTQGST, HN.2021, tập 1, trang 109.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, NXB. CTQGST, HN.2021, trang 103-104.