Điều không thể khác: Hiện thực hóa khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta, điều mà các thế lực thù địch không thể phủ nhận.

Thứ Tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024 - 15:35 Đã xem: 682

Kỳ 3 (tiếp theo và hết): Hiện thực hóa khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta, điều mà các thế lực thù địch không thể phủ nhận.

Như chúng ta đã biết, Đảng ta lãnh đạo Nhân dân ta làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành độc lập dân tộc, lãnh đạo tiến hành các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập, tiến hành đổi mới toàn diện đất nước đều vì thực hiện mục tiêu bao trùm là làm sao để xây dựng một nước Việt nam độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Và để thực hiện mục tiêu cao cả đó, Đảng ta đã dẫn dắt dân tộc ta đi từng bước vững chắc trên con đường cách mạng vô sản.

Trước hết, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì điều kiện tiên quyết là nước nhà phải được độc lập. Và muốn giành độc lập thì như đã phân tích ở trên “Điều không thể khác” là phải đi theo con đường cách mạng vô sản, tức là độc lập dân tộc phải được gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, Lê nin từng nói giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn. Nghĩa là, đất nước đã giành độc lập, thành lập được chính quyền nhân dân, nhưng sau đó có đủ sức mạnh để giữ được thành quả độc lập không thì là vấn đề khó khăn thử thách rất lớn. Nhớ lại bối cảnh nước Nga sau Cách mạng tháng Mười, chúng ta sẽ thấy mối liên hệ và những điểm tương đồng của Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, Đảng ta đã kiên định con đường cách mạng vô sản, tập hợp được sức mạnh của cả dân tộc và sức mạnh thời đại để giữ vững độc lập dân tộc, đạt những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và dân tộc ta không thất vọng về sự kiên định đó, khi mà thế giới đang trong thời kỳ đấu tranh, cạnh tranh gay gắt, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, chính trị, khủng bố, nghèo đói tràn lan… thì Việt Nam chúng ta vẫn duy trì sự an toàn, ổn định đến phi thường, được bạn bè thế giới ngưỡng mộ, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [1].

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng phải toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Tiếp tục nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược; tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch” [2]. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bảo đảm giữ vững định hướng chiến lược độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh nước ta hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế.

Để xứng đáng với niềm tin của Nhân dân, là đạo đức, là văn minh, đảm đương sứ mệnh lãnh đạo, trong mọi thời kỳ Đảng luôn tự chỉnh đốn, tự soi, tự sửa để ngày càng vững mạnh. Trong đó, sức mạnh chủ yếu của Đảng đến từ đội ngũ đảng viên. Do đó, trong nhiều nhiệm kỳ, việc xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh luôn là một nhiệm vụ cấp bách, trọng yếu. Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa là tất yếu không thể đảo ngược, do đó, để tránh tụt hậu, chúng ta phải linh hoạt sáng tạo, chủ động hội nhập, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, thích ứng cao, đủ khả năng tự bảo vệ, phát triển để xây dựng cơ sở vững chắc của chủ nghĩa xã hội.

Sau gần 40 năm đổi mới đất nước, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, nhận thức rõ mối quan hệ thống nhất chặt chẽ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới, tạo thế và lực mới để hiện thực hoá khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Những điều đó đã chứng minh ở Việt Nam sự lựa chọn độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn phù hợp. Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và nhiều nước G20. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, xuất siêu 26 tỷ USD. Đạt kỷ lục trong giải ngân vốn FDI và thành lập doanh nghiệp mới, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022… Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu… Những kết quả đó là những con số biết nói, phản ánh những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện tầm nhìn đúng, con đường đúng, phù hợp với thực tiễn đất nước, được bạn bè thế giới khâm phục, tin tưởng.

Có thể khẳng định rằng, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới. Và điều quan trọng hơn là chúng ta chủ động hội nhập, có bước đi, lộ trình tính toán cụ thể. Do đó, tuy hội nhập nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống đó là bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh nội sinh rất quan trọng để đảm bảo nền độc lập bền vững. Đại hội XIII của Đảng xác định “Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường” [3].

Như vậy, trong tiến trình phát triển hội nhập của đất nước, Đảng ta cũng đã lường hết những nguy cơ tiềm ẩn, mà một trong đó là đánh mất bản sắc dân tộc, cũng chính là mất gốc. Mà một quốc gia mất đi gốc rễ, căn cơ thì đương nhiên sẽ dẫn đến nguy cơ chệch hướng và mất nước, rơi vào phụ thuộc nước ngoài, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Tổng Bí thư đã cảnh tỉnh, nhắc nhở về nguy cơ xói mòn, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, đặt ra nhiệm vụ trọng yếu giữ gìn giá trị bản sắc dân tộc trong hội nhập, “hòa nhập chứ không hòa tan”, mở cửa nhưng không đánh mất mình, ngược lại cần làm nổi bật thêm giá trị của văn hóa truyền thống trong mắt bè bạn quốc tế.

Tuyên Quang tổ chức các hội thảo, hội nghị về xây dựng và phát triển văn hóa

Nhìn rộng ra trên bình diện khu vực, thế giới, có nhiều mô hình, con đường phát triển khác nhau, với những sự lựa chọn khác nhau. Chúng ta không bình phẩm, nhận xét xem các nước lựa chọn đúng sai ra sao, tuy nhiên nhìn vào sự ổn định, phát triển, những thành quả đạt được của các quốc gia, khu vực thì phần nào ta có thể thấy được giá trị của những sự lựa chọn đó. Còn đối với Việt Nam, trong bối cảnh lịch sử của dân tộc ta, bằng sự kiểm nghiệm, lựa chọn, sàng lọc của thực tiễn cách mạng, có thể khẳng định ngay: Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc thì không có con đường nào khác ngoài cách mạng vô sản. Điều này đã là chân lý được mọi người Việt Nam thừa nhận, mà người có công đầu tiên tìm ra chân lý bất diệt đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính Người đã đến với chủ nghĩa cộng sản có lý có tình, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là sự lựa chọn hoàn toàn tự nhiên khách quan, hợp quy luật và được thực hiện nhất quán từ khi Đảng ta mới thành lập và trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đất nước đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đây là minh chứng rõ nét nhất, cụ thể nhất về sự lựa chọn đúng đắn giữa sự gắn kết độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thành quả cách mạng mà Nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng 94 năm qua là vô cùng to lớn và vĩ đại. Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm vô cùng anh dũng kiên cường, mà trong gần một thế kỷ có Đảng là những trang chói lọi nhất. Chúng ta đã đánh thắng những đế quốc hùng mạnh nhất để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, giải phóng Nhân dân khỏi kiếp nô lệ và có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay. Để có thành quả vĩ đại đó là sự đoàn kết đồng lòng chung sức của cả một dân tộc anh hùng với duy nhất một chính Đảng tiên phong lãnh đạo - Đảng ta. Hàng triệu người con ngã xuống vì nền độc lập tự do, trong thời chiến cũng như thời bình để chung sức xây dựng và bảo vệ dải đất thân thương hình chữ S này. Tổ quốc, hai tiếng thiêng liêng và trân trọng, mỗi người dân Việt Nam yêu nước cần ra sức xây dựng và bảo vệ. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp như hiện nay, ta cần nâng cao cảnh giác cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn kiên định con đường đã lựa chọn, kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá ta. Cuộc đấu tranh này khó khăn, khốc liệt không kém các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây, bởi không có giới tuyến cụ thể, kẻ thù có ở khắp nơi hữu hình và vô hình, là cuộc chiến trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, trên không gian mạng, là cuộc chiến chống lại thói hư tật xấu, tham ô, tham nhũng, suy thoái... Song, chúng ta hãy vững niềm tin với bản lĩnh, trí tuệ và truyền thống cách mạng được trưởng thành trong lòng dân tộc, Đảng ta sẽ ngày càng vững mạnh, bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo để lãnh đạo đất nước, Nhân dân ta đồng lòng, chung sức giữ vững thành quả cách mạng và phát huy lên tầm cao sức mạnh, trí tuệ Việt Nam, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Con đường duy nhất để mang lại độc lập thật sự, hạnh phúc thật sự cho Nhân dân, đó là: Độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, đó là “Điều không thể khác”.

Lã Văn Hào - Đào Việt Dũng

 

 

 [1] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, số ngày 18/5/2024.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, NXB. CTQGST, HN.2021, trang 25.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, NXB. CTQGST, HN.2021, trang 231

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 400 | Trang: 1 trên tổng số 40 trang  
Xem tin theo ngày:   / /