Ngày 09/11 hàng năm kỷ niệm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1946, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp là luật cơ bản của Nhà nước, là nền tảng pháp lý của mọi hoạt động xã hội. Việc chọn ngày này làm Ngày Pháp luật thể hiện sự tôn trọng đối với Hiến pháp và khẳng định vai trò quan trọng của pháp luật trong đời sống xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức hàng năm vào ngày 09/11, từ năm 2013, theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định: “Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội” [1].
Ngay sau khi đất nước giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm sâu sắc về sự cần thiết phải xây dựng một Nhà nước hợp pháp, hợp hiến, được Nhân dân công nhận thông qua Tổng tuyển cử và có Hiến pháp cùng hệ thống pháp luật riêng. Ngày 03/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đã nhấn mạnh nhiệm vụ cấp thiết là xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ và nhanh chóng tổ chức Tổng tuyển cử, đảm bảo mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi, không phân biệt giới tính, đều có quyền ứng cử và bầu cử.
Khi chưa có hệ thống pháp luật đầy đủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh, như Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân, Sắc lệnh quy định Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu kín. Những sắc lệnh này đã mở đường cho cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa I, ngày 06/01/1946. Văn bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua vào ngày 09/11/1946. Nhà nước vì dân, do dân, lấy dân làm gốc đã thể hiện rõ tinh thần dựa vào dân, vì lợi ích Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ Hiến pháp 1946, Nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam chính thức được xuất hiện. Trong đó, Chính phủ được Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chủ tịch nước là người trực tiếp lãnh đạo hành pháp. Nhà nước Việt Nam mà các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp đều cùng phục vụ lợi ích Nhân dân, có sự phân công và kiểm soát quyền lực nhằm đảm bảo dân chủ và bảo vệ quyền con người. Từ Chính phủ đến địa phương là "công bộc của dân", chịu trách nhiệm gánh vác công việc chung cho Nhân dân.
Với bản Hiến pháp đầu tiên vào năm 1946 và các lần sửa đổi, bổ sung sau này, pháp luật Việt Nam không ngừng phát triển và hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là "Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân," thể hiện tinh thần pháp quyền trong việc bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đảm bảo các quyền con người và công bằng trong xã hội tại “Chương 2 - Quyền con người, quyền công dân” một cách riêng biệt, càng nâng cao hơn nữa vai trò của con người trong nhà nước và xã hội [2].
Từ 2013 đến nay, việc kỷ niệm Ngày Pháp luật đã trở thành một sự kiện được tổ chức quy mô trên khắp cả nước, với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và sự tham gia đông đảo của người dân.Ý nghĩa của Ngày Pháp luật không dừng lại ở việc tôn vinh hệ thống pháp luật hiện hành mà còn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của toàn dân. Pháp luật là nền tảng của mọi hành động, và việc hiểu biết, tôn trọng pháp luật giúp mọi người sống và làm việc có trách nhiệm hơn, từ đó góp phần tạo dựng một xã hội trật tự, an toàn và công bằng.Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang từng bước hội nhập sâu rộng, việc thấu hiểu và tuân thủ pháp luật không chỉ là yêu cầu đối với mỗi công dân mà còn thể hiện trách nhiệm chung với cộng đồng và đất nước. Ngày Pháp luật là dịp để người dân ý thức được rằng sự phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi mỗi cá nhân, tổ chức đều có ý thức tuân thủ và tôn trọng luật pháp.
Nhìn lại những thành quả đã đạt được và đánh giá các hạn chế và đề ra hướng đi mới cho việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức… qua đó để phát huy tính gương mẫu, trách nhiệm của mình trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật. Sự tuân thủ và bảo vệ pháp luật là nền tảng để củng cố Nhà nước pháp quyền, góp phần phát triển hệ thống pháp lý Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
Những năm qua, tỉnhTuyên Quang đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh, gắn với việc tổ chức thi hành pháp luật có hiệu quả. Sáng 06/11/2024, tại Trung tâm Thông tin - Hội nghị tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, 09/11/2024. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 7 huyện, thành phố. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 25/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; phổ biến, quán triệt Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện trên 155.000 buổi tuyên truyền miệng trong Đảng cho trên 10 triệu lượt người; tổ chức gần 1.500 hội nghị báo cáo viên. Các cơ quan, đơn vị đã tổ chức gần 186.000 buổi tuyên truyền pháp luật cho trên 18 triệu lượt người; tổ chức trên 1.600 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham gia; biên soạn, cung cấp trên 5 triệu tài liệu tuyên truyền pháp luật cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức trên 900 buổi tuyên truyền bằng xe loa; treo trên 6.000 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền.
Sự kiện Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 đã, đang và sẽ tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, chung tay xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, vì một Việt Nam ngày càng phát triển, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Đây chính là thông điệp định hướng hành động cho tất cả người dân Việt Nam trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước.
Đỗ Hồng Thanh
1. Pháp luật hành chính, Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Pháp luật Việt Nam 9 /11…, Thư viện pháp luật, 02/11/2024.
2. Lưu Ngọc Tố Tâm, Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Học viện Chính trị Khu vực II, Tạp chí Quản lý Nhà nước, Số 340 (2024).