Kết nối giao thông nông thôn đồng bộ, hiệu quả - Bài 2: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024 - 07:26 Đã xem: 1134

Mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa miền núi, vùng cao với miền xuôi đang từng bước thành hiện thực. Hàng nghìn km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, hàng trăm cây cầu mới được xây dựng mỗi năm, nhờ nỗ lực và quyết tâm của các địa phương.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhưng với vùng “lõi nghèo” của tỉnh, nhất là với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông là một chỉ tiêu vô cùng khó, nếu thiếu nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Đơn cử như Chiêm Hóa, là huyện còn có nhiều địa bàn khó khăn “Điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Chiêm Hóa là hạ tầng giao thông còn thiếu, nhất là giao thông nông thôn. Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chiêm Hóa, toàn huyện mới có khoảng 1.212/1.740,55 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; số km còn lại chưa được “cứng hóa” chủ yếu ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện.

Cầu Cây Quýt, thôn Trung Thành, xã Thành Long (Hàm Yên) được xây dựng theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND của HĐND tỉnh giúp nhân dân đi lại thuận lợi.

Khi “huyết mạch” chưa được khơi thông, nhiều thôn, bản trên địa bàn huyện Chiêm Hóa gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử thôn Phú Lâm, xã Bình Phú nơi sinh sống của khoảng 102 hộ, với hơn 500 nhân khẩu (100% là đồng bào dân tộc Dao). Một trong những rào cản trên hành trình giảm nghèo của Phú Lâm là tuyến đường ra trung tâm xã (khoảng 5 km) chưa được cứng hóa. Từ năm 2021, thực hiện Đề án bê tông hóa giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 55/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tuyến đường từ trung tâm xã Bình Phú vào thôn Phú Lâm được đổ bê tông. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên đoạn Lung Lừa - Khau Hán, dài 352 m chưa thực hiện được. Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; đầu năm 2023, huyện Chiêm Hóa đã bố trí vốn để xã Bình Phú đổ bê tông 352 m còn lại, “thông tuyến” Phú Lâm với trung tâm xã. Tuyến đường giao thông hoàn thành giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện.

Cũng như xã Bình Phú, thôn Bản Tàm, xã Sơn Phú (Na Hang) có hơn 100 hộ dân với hơn 80% là hộ nghèo, cuộc sống của người dân ở đây chỉ trông chờ vào trồng rừng và chăn nuôi. Anh Triệu Văn Nhất, Trưởng thôn Bản Tàm nhớ lại: Ngày trước con đường độc đạo từ trung tâm thôn đi ra thôn Bản Lằn nơi có Quốc lộ 279 đi qua chỉ hơn 3 km, nhưng người dân trong thôn toàn là hộ nghèo không có nguồn lực để đối ứng mua cát sỏi, vật liệu xây dựng để làm đường bê tông nông thôn. Đến mùa mưa lũ đường sá lầy lội, nhà nào muốn bán con lợn, con gà cũng bị thương lái ép giá vì đường khó đi, có nhiều nhà muốn bán bao ngô, nhưng đi lại quá vất vả, ngô mọc mầm bán chẳng ai mua. Nhưng từ khi Nghị quyết số 55 ra đời, tuyến đường bê tông có chiều dài khoảng 3 km, với kinh phí đầu tư xây dựng hơn 6 tỷ đồng thuộc công trình hệ thống giao thông xã Sơn Phú phục vụ dân sinh và sản xuất kết nối với hồ thủy điện Tuyên Quang từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hoàn thành, việc đi lại giao thương hàng hóa rất thuận tiện, trẻ con trong thôn đi học cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Cách làm của các địa phương

Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết: Sơn Dương là huyện về đích nông thôn mới trong năm 2025, để phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa trong làm đường bê tông nông thôn, cầu trên đường giao thông nông thôn, huyện thực hiện rà soát các xã có nhu cầu với phương châm nơi nào người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng, có điều kiện cùng chung sức với Nhà nước thì làm trước. Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, cung ứng vật liệu kịp thời, huyện đẩy mạnh xã hội hóa vận động lực lượng lao động của các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp... hành động chung sức làm đường với các nội dung, hình thức chung sức như: Đóng góp ngày công san nền, đắp lề đường, các doanh nghiệp hỗ trợ máy móc, múc, lu, trộn bê tông, gạt nền... Đến hết năm 2024, huyện Sơn Dương đã làm được 247/257km đường bê tông nông thôn và 24/30 cầu trên đường giao thông nông thôn. Riêng năm 2024, đến hết tháng 11, toàn huyện đã hoàn thành 51,07 km đường và phấn đấu từ nay đến hết năm sẽ làm thêm  20 km đường bê tông nông thôn của kế hoạch năm 2025.

Cùng với nâng cấp, cải tạo các tuyến đường lớn, huyện Chiêm Hóa cũng đang chú trọng triển khai thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong những năm qua huyện Chiêm Hóa đã tích cực tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực để xây dựng đường giao thông nông thôn. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên phong trào làm đường giao thông nông thôn đã được đông đảo cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân trong huyện đồng tình ủng hộ. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã thực hiện bê tông hóa trên 1.590 km; nhiều tuyến đường bê tông lâu năm được nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn đạt chuẩn theo quy định; các tuyến đường trục xã, thôn, xóm, đường trục chính nội đồng đảm bảo thuận tiện đi lại; công tác duy tu, bảo trì được thực hiện thường xuyên; nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội các xã tích cực tham gia phong trào làm vệ sinh môi trường các tuyến đường, tự quản tuyến đường xanh, sạch, đẹp.

Đồng chí Seo Văn Sử, Chủ tịch UBND xã Trung Hà chia sẻ: Năm 2024 xã về đích xây dựng nông thôn mới, tuy là xã còn nhiều khó khăn, thế nhưng khi triển khai xây dựng các công trình hạ tầng thôn bản, nhất là đường giao thông nông thôn, cầu trên đường giao thông nông thôn...  nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ sự đầu tư của nhà nước, sự đóng góp của người dân, nhiều tuyến đường bê tông nông thôn đã hình thành. Những cây cầu, tuyến đường mới đã tăng kết nối giữa các thôn với thôn, thôn với xã. Ý nghĩa hơn là đã có sự gắn kết của bà con dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa, hy vọng vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Đường lớn, cầu thông mở ra những cách làm mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các địa phương. Trong đó tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, thông thương hàng hóa, tiêu thụ nông sản. Đồng thời góp phần đảm bảo mạng lưới giao thông được kết nối liên hoàn từ tỉnh đến huyện, huyện đến xã, từ xã đến các thôn, bản, hình thành hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, nội vùng, liên tỉnh, liên vùng. Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Quốc Việt/baotuyenquang.com.vn

(còn nữa)   

Xem tin theo ngày:   / /