Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử Đảng bộ địa phương là chủ trương lớn của Đảng, được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy các cấp. Đặc biệt, sau khi Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng ra đời, công tác lịch sử Đảng của tỉnh Tuyên Quang đã được quan tâm và chỉ đạo sát sao.
Bác Hồ nói chuyện với Nhân dân tại đình Tân Trào năm 1961. Ảnh tư liệu
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Tuyên Quang là địa danh ghi dấu ấn nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang được lựa chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang đã diễn ra nhiều sự kiện gắn với vận mệnh của dân tộc: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Đại hội Quốc dân Tân Trào thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, lịch sử giao phó cho Tuyên Quang sứ mệnh Thủ đô Kháng chiến, căn cứ địa quan trọng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và hầu hết các cơ quan Trung ương. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến, Tuyên Quang cùng các tỉnh chiến khu Việt Bắc đã làm tròn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ An toàn khu, bảo vệ Bác Hồ, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các cơ quan, bộ, ban, ngành Trung ương.
Với trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có nhiều di tích gắn liền cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những sự kiện trọng đại của dân tộc như Lán Nà Nưa; Đình Hồng Thái; cây đa Tân Trào; lán Hang Bòng, Khấu Lấu - Vực Hồ; Đồng Man - Lũng Tẩu, huyện Sơn Dương; Di tích nơi diễn ra Đại hội II của Đảng Kim Bình, Chiêm Hóa; Tuyên Quang được ví như một “bảo tàng cách mạng”, là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam, địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống, điểm tham quan hấp dẫn của Nhân dân cả nước.
Xác định những giá trị văn hóa, lịch sử là một trong những thế mạnh của tỉnh để phát triển du lịch, những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã rất coi trọng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Ngay sau khi Chỉ thị số 20-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Văn bản số 2015-CV/TU ngày 14/3/2018 chỉ đạo các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quán triệt thực hiện Chỉ thị. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng, đồng thời tích cực hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Tỉnh đã hoàn thành biên soạn và xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1940 - 1975); Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (1976 - 2005), hiện đang trong quá trình biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (2006 - 2020). 10/10 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành biên soạn, xuất bản lịch sử địa phương. Nhiều ấn phẩm lịch sử đã xuất bản như: Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang 1976-2015, Hỏi - Đáp về Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang 1940-1975; các cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học, tài liệu giảng dạy lịch sử Đảng bộ tỉnh… Các ấn phẩm được nghiên cứu, biên soạn, phát hành tăng cả về số lượng và chất lượng. Nội dung tái hiện một cách toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử Đảng bộ địa phương, đóng góp hiệu quả vào việc giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần đoàn kết của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đây cũng là những cứ liệu sát thực nhất phục vụ công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.
Trong bối cảnh mới, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cần đổi mới để khai thác những tiềm năng, thế mạnh về lịch sử cách mạng, phát huy các giá trị truyền thống của tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng bộ địa phương trong các trường học. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền lịch sử truyền thống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện tiêu biểu. Tích cực tuyên truyền về truyền thống, bản sắc độc đáo, riêng có của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh qua các lễ hội đặc trưng như: Lễ hội nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội cấp sắc của người Dao, ẩm thực phong phú của người Tày, Nùng, Dao…Ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, phù hợp thế hệ trẻ, thu hút số lượng đông đảo Nhân dân và du khách tìm hiểu về truyền thống cách mạng, góp phần quan trọng vào phát huy các giá trị truyền thống và thế mạnh của tỉnh Tuyên Quang trong phát triển du lịch, thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.
Nguyễn Nhung